Kết quả của bảng xếp hạng dựa trên một số yếu tố gồm giá trung bình các mặt hàng thiết yếu trong gia đình như sữa, dầu ăn, tiền thuê nhà, giá vé các phương tiện công cộng và sức mạnh của đồng nội tệ. Đặc biệt, đánh giá này tập trung vào lao động nước ngoài và người nước ngoài sống tại mỗi thành phố.
Hong Kong (Trung Quốc) đứng đầu danh sách thành phố đắt đỏ nhất thế giới theo ECA International (Ảnh: Getty)
Theo kết quả, đứng đầu bảng xếp hạng là Hong Kong (Trung Quốc). Đây là năm thứ ba liên tiếp Hong Kong giữ vị trí quán quân.
Theo đó, người Hong Kong phải trả 3,04 USD/lít xăng. Đây là mức giá tăng từ 2,71 USD/lít vào tháng 6 năm ngoái. Dầu ăn đắt nhất thế giới cũng được tìm thấy ở Hong Kong với 5,83 USD mỗi lít.
Hong Kong cũng đứng đầu về mức đắt nhất đối với các mặt hàng khác như một tách cà phê tại quán có giá tới 5,21 USD hay một lít sữa ở mức 4,39 USD.
Tại Châu Á còn có 4 thành phố khác lọt vào top 10 là Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải và Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc).
Theo bảng xếp hạng này, thành phố đắt đỏ nhất Châu Âu là Geneva (Thụy Sĩ), đứng ở vị trí thứ ba sau Hong Kong (Trung Quốc) và New York (Mỹ). Paris (Pháp), nơi từng đứng đầu danh sách ECA đã rớt khỏi top 30. Madrid (Tây Ban Nha), Rome (Italy) và Brussels (Bỉ) đều rớt hạng.
Thành phố có chi phí sống tăng nhanh nhất trong danh sách này là Colombo (Sri Lanka) nhảy 23 bậc từ vị trí 162 lên 149.
Ngoài ECA International, một tổ chức khác là Economist Intelligence Unit (EIU) cũng công bố chỉ số chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới vào tháng 12 hàng năm. Vào năm 2021, Tel Aviv (Israel) nằm ở vị trí đầu bảng, theo sau là Paris và Singapore đứng ở vị trí thứ 2 và 3.
Tuệ Uyên - TTTĐ