Thanh tra Chính phủ kiến nghị điều tra Dự án Đạm Hà Bắc

27/05/2020 15:53

Kinhte&Xahoi Với những vi phạm có dấu hiệu hình sự tại Dự án Đạm Hà Bắc, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển Bộ Công an điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xác minh, xử lý những vi phạm tại Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra đối với CTCP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc). Kết luận đã chỉ ra nhiều dấu hiệu hình sự trong thực hiện Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc.

Theo kết luận thanh tra, Đạm Hà Bắc đã có vi phạm khi bổ sung liên danh nhà thầu WEC-CECO trái quy định (WEC-CECO thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng làm căn cứ xác định tổng mức đầu tư...), nhưng Đạm Hà Bắc vẫn nghiệm thu và thanh toán cho nhà thầu đủ số tiền theo hợp đồng đã ký. Điều này dẫn đến công ty không chọn được nhà thầu EPC và làm phát sinh chi phí.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 568 triệu USD, trong đó tỷ lệ vốn tự có của Đạm Hà Bắc chỉ chiếm hơn 17% tổng mức đầu tư, số còn lại là vốn vay chiếm hơn 82%, dẫn đến chi phí lãi vay lớn, thua lỗ kéo dài.

Năm 2009, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư. Đạm Hà Bắc dù không đủ điều kiện, năng lực nhưng vẫn tự lập dự án điều chỉnh và được Tổng công ty Hóa chất (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) thẩm định, phê duyệt. 

Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư ở thời điểm này tuy không thay đổi về quy mô, công suất, những nội dung về chi phí thiết bị không được làm rõ nhưng vẫn được Tổng Công ty Hoá chất thẩm định, phê duyệt điều chỉnh lên mức hơn 568 triệu USD, tăng trên 176 triệu USD (tăng 44,9%).

Thanh tra Chính phủ kết luận việc điều chỉnh này là thiếu căn cứ, cơ sở, không đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Tổng mức đầu tư dự án tăng làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí lãi vay, tăng chi phí sản xuất kinh doanh là một trong nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cho rằng, những vi phạm trên có dấu hiệu hình sự về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đặc biệt, dự án này khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng; chậm tiến độ do phải điều chỉnh dự án, đấu thầu, lựa chọn EPC, giải phóng mặt bằng chậm. Đến thời điểm thanh tra, các nội dung tranh chấp của Hợp đồng EPC chưa được các bên giải quyết; chi phí đầu tư của Dự án chưa được quyết toán.

Theo cơ quan thanh tra, chịu trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu là Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Ban lãnh đạo Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, người đại diện phần vốn Nhà nước tại Đạm Hà Bắc; lãnh đạo Công ty Đạm Hà Bắc. Bên cạnh đó còn có phần trách nhiệm của Bộ Công Thương với trách nhiệm quản lý ngành.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm có dấu hiệu hình sự tại Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc gồm: Vi phạm trong tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án; thiếu trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án.

 Thế Hoàng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

"Cơn ác mộng" Covid-19 ở Brazil mới chỉ bắt đầu

Tính đến ngày 25-5, Brazil ghi nhận 363.618 ca nhiễm và 22.716 ca tử vong do Covid-19, trở thành nước có số ca mắc Covid-19 nhiều thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Hiện các bệnh viện công ở Brazil được báo động đang ở tình trạng sắp “sụp đổ” khi hơn 90% giường bệnh kín bệnh nhân. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng, số ca nhiễm thực tế và tử vong có thể còn cao hơn gấp nhiều lần do quốc gia Nam Mỹ này chậm chễ trong việc tăng cường xét nghiệm và bị giới hạn về năng lực xét nghiệm virus.

Theo Báo Đấu thầu/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/thanh-tra-chinh-phu-kien-nghi-dieu-tra-du-an-dam-ha-bac-d125558.html