Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp

18/07/2019 09:11

Kinhte&Xahoi 6 tháng đầu năm, cả nước đã bán cổ phần lần đầu tại 6 doanh nghiệp, thu về 562,707 tỷ đồng.

Ảnh minh hoạ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan chủ động tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

6 tháng đầu năm, cả nước đã bán cổ phần lần đầu tại 6 doanh nghiệp, thu về 562,707 tỷ đồng; thoái vốn tại 30 doanh nghiệp, thu về 4.589,335 tỷ đồng, gấp 1,82 lần giá trị sổ sách. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, cả nước đã cổ phần hóa 162 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 205.433,2 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cả giai đoạn 2011-2015; tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt 218.255,691tỷ đồng gấp 2,8 lần tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015; số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển Ngân sách Nhà nước để đáp ứng nhu cầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Nghị quyết của Quốc hội đạt 185.000/250.000 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020. 

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm so với kế hoạch đề ra. Một số Bộ, ngành, địa phương phản ánh còn gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn do việc rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn để tháo gỡ chưa kịp thời...

Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu 6 tháng cuối năm 2019 các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành đầy đủ, đúng tiến độ các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật 6 tháng cuối năm 2019; tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, hoàn chỉnh Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa, Danh mục doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đến năm 2020 và rà soát, sửa đổi Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 7 năm 2019; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức tốt Hội nghị “Vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong liên kết và đổi mới sáng tạo” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; chỉ đạo Tổng cục Thống kê rà soát, công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 theo đúng kế hoạch.

Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật liên quan, trong đó có Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 7 năm 2019; dự thảo Nghị định về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty Mua bán nợ Việt Nam; dự thảo Nghị định về quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; phương án sửa đổi bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; đề án tổng thể xử lý tài chính đối với Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp trình Chính phủ trong tháng 7 năm 2019.

Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp đã IPO đủ điều kiện thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; công bố công khai, xử lý trách nhiệm đối với việc chậm, không niêm yết, đăng ký giao dịch đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện, cụ thể hóa trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc cung cấp thông tin của các doanh nghiệp nhà nước theo quy định, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý trách nhiệm đối với các lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 8 năm 2019; chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá tình hình triển khai Nghị định số 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định liên quan đến việc cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa để chủ động tháo gỡ các vướng mắc theo thẩm quyền; đôn đốc các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính làm tốt công tác này; ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 126/2017/NĐ-CP trong tháng 7 năm 2019.
 
Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động để thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền; chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn trực thuộc theo quy định và tiến độ triển khai Đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong tháng 7 năm 2019; chỉ đạo tập đoàn, tổng công ty trực thuộc rà soát những vấn đề liên quan đến phương án cơ cấu lại, sản xuất kinh doanh, các vướng mắc khó khăn trong hoạt động; chuẩn bị các tài liệu cần thiết phục vụ buổi làm việc của Lãnh đạo Chính phủ với Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty, dự kiến trong Quý III năm 2019.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ Phó Trưởng Ban Thường trực và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương và chuẩn bị tốt các cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương dự kiến trong tháng 8, tháng 9 năm 2019.

Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo, hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Tổng công ty Phát triển nhà và Đô thị; rà soát, chuyển giao về SCIC các doanh nghiệp chưa hoàn thành thoái vốn theo đúng quy định.

Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị TW 5, khóa XII, Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội, tạo sự nhất trí cao, nâng cao hơn nữa nhận thức để có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện; tiếp tục triển khai có kết quả Nghị quyết TW5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân; các Nghị quyết của Chính phủ liên quan để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, tiếp cận các nguồn lực; hướng tới mục tiêu nước ta có 1.000.000 doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020.

Các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời, nghiêm túc rà soát, cho ý kiến, phê duyệt Phương án sử dụng đất theo quy định đối với các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, các doanh nghiệp cổ phần hóa có đất đai trên địa bàn; chủ động tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo đúng quy định của pháp luật; hoàn thành quyết toán công tác cổ phần hóa; xác định số phải nộp/tạm nộp và thực hiện nộp về Quỹ theo quy định, trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này./.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Pakistan mở lại hoàn toàn không phận

Pakistan ngày 16/7 đã mở lại hoàn toàn không phận cho tất cả các phương tiện giao thông dân sự, chấm dứt nhiều tháng hạn chế không phận vốn đã ảnh hưởng đến các tuyến đường hàng không quốc tế lớn sau các cuộc đụng độ với Ấn Độ.

Nguồn: Pháp luật Plus