Khẩu trang hiện được sử dụng để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 đang đặt ra một thách thức toàn cầu về việc tái chế chúng nhằm tránh một thảm họa kinh hoàng hơn: Ô nhiễm rác thải nhựa.
Khẩu trang bị vứt bỏ được thu gom ở thành phố Odense, Đan Mạch (Ảnh: Elvis Genbo Xu)
Nhóm các nhà khoa học gồm tiến sĩ, nhà nghiên cứu chất độc môi trường Elvis Genbo Xu, Đại học Nam Đan Mạch và giáo sư kỹ thuật môi trường và dân dụng Zhiyong Jason Ren, Đại học Princeton đã đưa ra cảnh báo: “Với việc ngày càng có nhiều báo cáo về vứt bỏ khẩu trang không đúng chỗ, chúng ta cần phải nhận ra mối đe dọa môi trường tiềm ẩn này và ngăn chặn nó trở thành vấn nạn tiếp theo về ô nhiễm nhựa”.
Khẩu trang dùng một lần là các sản phẩm bằng nhựa, không thể phân hủy sinh học dễ dàng nhưng có thể phân mảnh thành các hạt nhựa nhỏ hơn, cụ thể là nhựa vi mô và nhựa nano phổ biến trong các hệ sinh thái.
Nhu cầu cho khẩu trang còn tăng theo tiến trình của đại dịch. Chỉ tính riêng tại Anh, một nghiên cứu vào tháng 12/2021 cho thấy lượng tiêu thụ khẩu trang dùng một lần đã tăng tới 9.000%. Ngay sau khi bị vứt bỏ, khẩu trang sẽ trở thành loại rác thải khó phân hủy.
Việc sản xuất một số lượng khổng lồ khẩu trang dùng một lần trong đại dịch đang ở quy mô tương tự như sản xuất chai nhựa với ước tính khoảng 43 tỷ chiếc mỗi tháng.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, khác với chai nhựa vốn đang được tái chế với tỷ lệ khoảng 25%, thế giới hiện không có hướng dẫn chính thức về việc tái chế khẩu trang.
Nghiên cứu cho thấy khẩu trang dùng một lần có thể giải phóng các hạt nano silicon, các kim loại nặng như chì, cadmium, đồng và thậm chí cả thạch tín, gây hại cho sức khỏe của con người và cả môi trường.
Nếu không được xử lý để tái chế, giống như các chất thải nhựa khác, khẩu trang dùng một lần có thể tồn tại trong môi trường, hệ thống nước ngọt và các đại dương, nơi thời tiết có thể tạo ra một số lượng lớn các hạt có kích thước siêu nhỏ (nhỏ hơn 5 micromet) trong thời gian tương đối ngắn và các mảnh nhỏ hơn nữa thành nhựa nano (nhỏ hơn 1 micromet).
Khẩu trang dùng một lần chứa các hạt vi nhựa hoặc các chất độc gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: Elvis Genbo Xu)
Tiến sĩ Elvis Genbo Xu cho biết không biết khẩu trang đóng góp như thế nào vào số lượng lớn các hạt nhựa được phát hiện trong môi trường, đơn giản là vì chưa có dữ liệu nào về sự phân hủy của khẩu trang trong tự nhiên.
Tuy nhiên, giống như các mảnh vụn nhựa khác, khẩu trang dùng một lần cũng có thể tích tụ và giải phóng các chất hóa học và sinh học có hại. Điều này có thể gây ra những tác động bất lợi gián tiếp đến thực vật, động vật và con người.
Theo nghiên cứu khác của Oceans Asia, chỉ riêng năm 2020 có tới 1,5 tỷ khẩu trang dùng một lần đã bị thải ra các đại dương, tương đương 6.500 tấn rác thải nhựa. Các thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang và găng tay dùng một lần được sử dụng để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế trong suốt đại dịch COVID-19 nếu không được xử lý đúng cách, chắc chắn một cuộc khủng hoảng rác thải y tế sẽ là điều không tránh khỏi. Phần lớn thiết bị bảo hộ cá nhân chứa nhựa polypropylene, phải mất tới 450 năm để phân hủy.
Tuệ Uyên - TTTĐ