Chỉ số VN-Index giảm mạnh vào cuối phiên ngày 17-10.
Ngày 17-10, chỉ số VN-Index giảm gần 20 điểm, xuống sát mốc 1.120 điểm. Cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo với 378 mã đi xuống (30 mã giảm kịch sàn), 107 mã đi lên. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam xung quanh diễn biến thị trường.
- Xin ông cho biết yếu tố gì đã khiến thị trường giảm mạnh trong phiên hôm nay?
- Thực ra hôm nay không có thông tin nào xấu hoặc quá xấu khiến thị trường chứng khoán giảm như vậy, thậm chí, thị trường chứng khoán thế giới tăng, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng, tỷ giá đã bớt căng thẳng.
Theo tôi, trong thời gian qua, kể từ khi thị trường hồi phục trong 2 tuần đầu tháng 10 nhưng thanh khoản của thị trường rất thấp. Khi thị trường có nhịp hồi nhưng thanh khoản thấp có nghĩa là nhịp hồi đó rất yếu. Thị trường chứng khoán tăng, thanh khoản tăng thì nhà đầu tư chấp nhận mua ở mức giá cao, còn khi thị trường chứng khoán tăng nhưng thanh khoản không tăng, thậm chí giảm cho thấy nhà đầu tư chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường, có thể có nguyên nhân là căng thẳng tại Trung Đông.
Thanh khoản thấp sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư bất an, chưa kỳ vọng thị trường tăng điểm, họ sẽ bán ra vì lo sợ áp lực bán sẽ quay trở lại. Vì vậy, tôi cho rằng, thị trường giảm hôm nay bởi nhà đầu tư mất kiên nhẫn khi thanh khoản thị trường liên tục ở mức thấp trong thời gian qua.
- Vậy, vì sao thanh khoản trên thị trường thời gian qua liên tục ở mức thấp, thưa ông?
- Từ đầu tháng 10 đến nay, thanh khoản thị trường ở mức thấp, bởi một số yếu tố là nhà đầu tư lo ngại áp lực tỷ giá tăng trở lại. Bên cạnh đó, trong tháng 9, chỉ số VN-Index giảm khiến tâm lý nhà đầu tư lo ngại, không còn mặn mà với thị trường. Theo tôi, chỉ khi nào thị trường chứng khoán xác lập xu hướng tăng thì thanh khoản mới tăng. Còn hiện nay, xu hướng thị trường không được tích cực.
- Trở lại phiên hôm nay, thị trường giảm mạnh nhưng điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài mua ròng, ông lý giải điều này như thế nào?
- Trong phiên hôm nay, khối ngoài mua ròng có thể xuất phát từ kết quả kinh doanh quý III-2023 của các doanh nghiệp đang dần được hé mở. Kết quả cho thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã tích cực hơn, dù không quá tốt nhưng đã đỡ xấu hơn 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, sau chuỗi tăng vừa qua, giá USD đã chững lại, áp lực tỷ giá không còn căng thẳng như trước. Và điều này đã khiến nhà đầu tư nước ngoài sớm giải ngân, có động thái quay trở lại mua vào.
- Ông dự báo như thế nào về thị trường trong một vài phiên tới cũng như từ nay đến cuối năm?
- Với phiên giảm mạnh hôm nay, trong một vài phiên tới, tôi cho rằng, nhiều khả năng chỉ số VN-Index lúc đầu sẽ tiếp tục giảm bởi áp lực bán ra và sẽ về gần mức đáy cũ là 1.100 điểm, song khi về gần mức trên, lực bắt đáy sẽ gia tăng. Theo tôi, trong phiên tới, nhà đầu tư không nên hỗn loạn, bởi đây vẫn là vùng hỗ trợ tốt cho thị trường. Thời điểm hiện nay là cơ hội cho người mua mới.
Từ nay đến cuối năm, thị trường khó có nhịp tăng mạnh, thay vào đó là biến động đi ngang, chỉ số VN-Index biến động trong mức 1.100 - 1.200 điểm, các nhóm cổ phiếu có sự phân hóa.
Sở dĩ tôi đưa dự báo như vậy vì những rủi ro trong trung hạn bắt đầu tăng trở lại như lạm phát đang tăng, các ngân hàng trung ương có khả năng có đợt tăng lãi suất nữa, nhiều khả năng vào tháng 12-2023, căng thẳng địa chính trị. Trong khi đó, yếu tố sẽ khiến thị trường không giảm sâu là các ngân hàng trung ương đang bước vào chu kỳ cuối thắt chặt chính sách tiền tệ; kỳ vọng đà hồi phục của nền kinh tế thế giới khi lượng tồn kho toàn cầu sụt giảm, kéo theo sản xuất tăng trở lại, sản xuất tăng trở lại sẽ là yếu tố bổ trợ đà hồi phục nền kinh tế.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hương Thủy - Hà Nội mới