Thủ tướng chủ trì Hội nghị tạo lực đẩy cho ngành lâm nghiệp

08/08/2018 14:30

Kinhte&Xahoi Sáng 8/8, tại Hội trường Dinh Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tổ chức trong và ngoài nước cùng cộng đồng 400 doanh nghiệp đại diện cho 4.500 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Lãnh đạo Chính phủ sẽ trực tiếp lắng nghe, trao đổi với doanh nghiệp trong ngành gỗ tại Hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích lớn cho sự phát triển của ngành có giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD.

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, 7 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản chính ước đạt trên 5 tỷ USD. Riêng giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,52 tỷ USD. Ngành phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu lâm sản 9 tỷ USD trong năm nay, một mục tiêu được đánh giá là hoàn toàn khả thi. Hiện gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới. Sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Hội nghị hôm nay, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về tiềm năng và xu hướng thị trường gỗ trên thế giới, cơ hội và giải pháp cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam, xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ Việt.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bàn giải pháp cụ thể để phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho ngành chế biến gỗ, liên kết theo chuỗi để phát triển nguồn nguyên liệu gỗ bền vững đáp ứng quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của quốc tế.

Hội nghị này nằm trong chuỗi hội nghị chuyên đề được tổ chức trong thời gian để thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực cũng như tháo gỡ vướng mắc, giải quyết một số vấn đề nổi lên.

Theo hoanhap.vn/ Báo Chính phủ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những ngành nghề sẽ biến mất vì 4.0 và Blockchain

Blockchain là một công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu không đòi hỏi trung gian xác nhận thông tin. Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Đây là một hệ thống bảo mật an toàn cao trước khả năng bị đánh cắp dữ liệu. Với cuộc cách mạng 4.0 và công nghệ Blockchain, một số những ngành nghề có nguy cơ "tuyệt chủng".