Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tội phạm

03/01/2020 10:06

Kinhte&Xahoi Chiều 2/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh ủy, UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, năm 2020 phải có chuyển biến quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại để mọi mặt đều tiến bộ. Theo Thủ tướng, có nhiều lực lượng làm các công tác này, do đó phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và người chịu trách nhiệm, không để tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Đánh giá kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 có sự đóng góp của công tác phòng chống tội phạm, Thủ tướng cho rằng, kinh tế trong nước không thể phát triển được nếu như buôn lậu, gian lận thương mại tràn lan. Chúng ta xử lý hàng nghìn vụ, nhất là xử lý nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, thực tế tình hình diễn ra chưa thực sự đáp ứng mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Trước hết là tình trạng tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với quy mô lớn và ngày càng tinh vi, manh động hơn. Các băng nhóm tội phạm ngang nhiên lộng hành như ở Đồng Nai. Nhiều vụ buôn lậu ma túy lớn, tang vật thu hàng tấn ở TPHCM; buôn lậu, vận chuyển hàng chục tấn pháo nổ ở Lạng Sơn; vụ sản xuất hàng chục triệu lít xăng giả ở Đắk Nông…

Cùng với đó là tội phạm ma túy, băng nhóm xã hội đen, phá rừng, buôn bán người, xâm phạm trẻ em, lừa đảo, nhất là lừa đảo trên mạng, đòi nợ thuê, đánh bạc trực tuyến, tội phạm môi trường, cát tặc, kinh doanh hàng giả… Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng này đe dọa sự bình yên của nhân dân, “chúng ta có trách nhiệm ngăn chặn có hiệu quả”. Thủ tướng đề nghị xem xét thực chất sự phối hợp giữa các lực lượng, sự chia sẻ thông tin.

“Tôi mới nhận được nhiều báo cáo về xử lý buôn lậu, nhiều vụ án lớn thuốc lá, xăng dầu, hàng cấm, buôn bán động vật quý hiếm xảy ra, nhưng không xác định được đối tượng phạm tội. Các đồng chí cần thống kê đầy đủ để phân tích, đánh giá nguyên nhân và giải pháp nâng cao hiệu quả thời gian tới”.

Thủ tướng nêu rõ, nếu không xử lý hình sự được theo quy định thì phạt kinh tế ở mức tối đa. Cần đánh giá vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng của BCĐ 389, 138 ở địa phương đã thể hiện tinh thần trách nhiệm chưa, nhất là lực lượng chức năng có bảo kê và có tham nhũng tiêu cực không.

Thời gian qua vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành một số đơn vị, địa phương chưa quyết liệt, có lúc có nơi buông lỏng, thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, dẫn đến hoạt động tội phạm buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới ở số tỉnh Tây Bắc, phía Bắc, Tây Nam Bộ còn phức tạp. Việc xử lý sai phạm của một số tập thể, cá nhân để xảy ra tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phức tạp kéo dài chưa nghiêm, còn nể nang, né tránh. Những tồn tại trên đã làm ảnh hưởng tới kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thủ tướng nhấn mạnh: Đơn vị nào, cấp ủy nào, cấp chỉ huy nào, đặc biệt người đứng đầu gương mẫu, trách nhiệm thì đơn vị đó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cần rút kinh nghiệm từ các vụ việc xảy ra trong thời gian qua để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả.

 
Trong năm 2020, năm có nhiều ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước, phải ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm để bảo vệ sản xuất trong nước, đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân. Thủ tướng yêu cầu các BCĐ tiếp tục bám sát nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Tập trung sửa đổi, hoàn thiện thể chế chính sách, công tác phối hợp lực lượng, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao và trực tiếp chỉ đạo xử lý một số vụ việc nổi cộm, làm gương, răn đe giáo dục chung.

Phải tăng cường kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tham nhũng vặt ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức.

Công an, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển là những cơ quan chức năng trực tiếp, không để tình trạng cơ quan, đơn vị này có tình trạng tham nhũng, Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh tinh thần xử lý là: Không để lọt tội phạm, không để oan sai người vô tội, kịp thời truy tố xét xử vụ án lớn. Xử lý tin báo tố giác của người dân đúng quy định, kịp thời đình chỉ công tác cán bộ có dấu hiệu bảo kê, bao che, làm ngơ cho các hành vi vi phạm pháp luật, nếu phát hiện bao che, phải xử lý nghiêm dù đó là ai.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra biên giới, ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép, nhất là hoạt động mua bán người, vận chuyển trái phép ma túy, pháo và các mặt hàng cấm khác. Nếu địa bàn nào, hàng hóa thẩm lậu xảy ra nhiều lần thì phải điều chuyển ngay người đứng đầu. Nếu đủ cơ sở kết luận các tiêu cực thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển tăng cường phối hợp với Bộ đội biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường xác lập chuyên án triệt phá các đường dây buôn lậu xăng dầu, thuốc lá, khoáng sản qua biên giới trên biển.

Nêu rõ 5 lực lượng có vai trò quan trọng là Công an, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu 5 lực lượng này mà trong sạch, trách nhiệm cao, mưu trí, dũng cảm cùng với sự chỉ đạo tốt của cấp ủy, chính quyền địa phương thì chắc chắn tình hình tội phạm và đặc biệt là công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại sẽ giảm đi rất nhiều, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Tết Nguyên đán đã cận kề, đây cũng là dịp buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm gia tăng, Thủ tướng đề nghị các lực lượng chức năng cần nỗ lực mạnh mẽ hơn để nhân dân bình yên hơn, an toàn hơn.

Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có chương trình, kế hoạch phát động một phong trào tấn công, phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-toan-quoc-ve-cong-tac-phong-chong-toi-pham-d114248.html