Thủ tướng sẽ làm việc với Tập đoàn IPPG về đề án Trung tâm tài chính Việt Nam

24/02/2022 10:54

Kinhte&Xahoi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chuẩn bị tài liệu và cùng làm việc với Tập đoàn IPPG về đề án Trung tâm tài chính Việt Nam.

Theo nguồn tin của phóng viên, ngày 23/2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, UBND TP HCM, UBND TP Đà Nẵng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về đề xuất lập đề án Trung tâm tài chính Việt Nam của Công ty Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG).

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ƯBND TP HCM, UBND TP Đà Nẵng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan liên quan và làm việc trực tiếp với Tập đoàn IPPG để tổng hợp tình hình, chuẩn bị tài liệu và đề xuất nội dung chỉ đạo của Thủ tướng tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với nhà đầu tư, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 28/2.

Nội dung, thời gian họp, Văn phòng Chính phủ sẽ căn cứ các hồ sơ chuẩn bị và thông báo sau.

Trước đó, đầu tháng 8/2021, Tập đoàn IPPG do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất triển khai loạt dự trọng điểm.

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Tập đoàn IPPG cho biết, thời gian qua, công ty này đã cùng với các đối tác đầu tư Mỹ, Hàn Quốc và các quốc gia khác tích cực làm việc với các tỉnh, thành phố và bộ, ngành liên quan để nghiên cứu triển khai 45 dự án trọng điểm tại Việt Nam, theo 5 lĩnh vực.

Trong đó, Tập đoàn IPPG đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án Đầu tư trung tâm tài chính quy mô quốc tế và khu vực tại TP HCM và Đà Nẵng.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPPG cho biết, nhà đầu tư Mỹ đã cam kết sẽ rót vốn khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó 4 tỷ USD ở Đà Nẵng và 6 tỷ USD ở TP HCM để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế

Mới đây, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPPG đã chia sẻ thêm về việc xây dựng đề án Trung tâm tài chính Việt Nam đặt tại TP HCM và Đà Nẵng

"Chúng tôi đã làm việc từ năm 2016 đến nay, và hiện đã có kế hoạch, lộ trình về việc cần có một trung tâm tài chính Việt Nam đặt tại TP. HCM và Đà Nẵng. Đơn hàng nghiên cứu đề án này cũng được đặt hàng và chuyển cho một đơn vị tư vấn của Mỹ xây dựng và nghiên cứu", ông nói.

Chủ tịch Tập đoàn IPPG cho biết, đề án này sau đó được xây dựng theo hướng mở từng bước và theo Nghị quyết 128, trung tâm tài chính quốc tế sẽ được đặt tại TP HCM và trung tâm tài chính khu vực đặt tại Đà Nẵng, với những bước đi cụ thể, chi tiết… để trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và trình Quốc hội thông qua.

"Đề án của chúng tôi sẽ được các bộ, ngành góp ý, nhà tư vấn Mỹ cũng đã nghiên cứu kỹ và có tính khả thi rất cao. Nếu được thông qua, theo những gì và phía nhà đầu tư Mỹ đã cam kết bước đầu, trước mắt họ sẽ đồng ý rót vốn khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó 4 tỷ USD ở Đà Nẵng và 6 tỷ USD ở TP HCM để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế", ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.

Đặc biệt, sau khi xong hoàn toàn đề án, Tập đoàn IPPG sẽ bàn giao cho TP HCM và kết hợp với những đề án mà thành phố đã nghiên cứu, để tiến hành đầu thầu công khai, minh bạch trước khi triển khai.

Tập đoàn IPPG cũng đang rất quyết tâm thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo chuyên chở hàng hóa

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ, khát vọng của Việt Nam gần đây đang hướng đến bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để Việt Nam đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Vì vậy, vốn và thị trường vốn rất cần cho nhu cầu phát triển của Việt Nam và TP HCM.

Theo vị doanh nhân này, trước sự dịch chuyển của các định chế tài chính trong khu vực, các nước Đông Nam Á cũng đang quyết liệt chạy đua mời gọi, để Việt Nam có thể chớp lấy cơ hội lớn thì chính sách cần có sự đột phá và có nhiều điểm vượt trội hơn so với khung pháp lý hiện hành. Nếu làm đề án có tính an toàn thì Việt Nam sẽ nguy cơ tụt hậu, khó cạnh tranh quốc tế, do đó cần sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương.

"Thực tế, trung tâm tài chính đã được các nhà đầu tư Mỹ đề xuất cách đây 6 năm, từ năm 2016 và thời gian là vàng nên nếu chậm thì Việt Nam sẽ mất cơ hội tuyệt vời để đẩy nhanh thành nước phát triển năm 2045", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn thông tin thêm, ngoài 10 tỷ USD mà các nhà đầu tư Mỹ cam kết bằng văn bản thì doanh nghiệp có hơn 68 văn bản, thư trao đổi với Quốc hội Mỹ và lãnh đạo 2 nước.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiết lộ, phía Mỹ đã có những quyết định quan trọng. Cụ thể, Mỹ xác định 6 trung tâm nổi tiếng thế giới là Disneyland, Marvel, Universal, Sea World, Knotts và SixFlags.

Các nhà đầu tư Mỹ đã quan tâm, gửi thông tin đề nghị đưa Disney vào TP. HCM với ước tính đưa vào được 25 triệu khách du lịch. Nếu đưa Universal vào Hà Nội cũng sẽ có thể 25 triệu khách. Còn đưa Sea World vào Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) thì cũng có đươc 20 triệu khách/năm. Như vậy, nếu chỉ đưa 3 trung tâm vào hoạt động thì Việt Nam đã đón thêm được đến 70 triệu khách du lịch.

Ngoài đề xuất thành lập Trung tâm tài chính Việt Nam, Tập đoàn IPPG cũng đang rất tâm huyết với đề án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo chuyên chở hàng hóa. Đề xuất này đã được Chính phủ, các bộ ngành và địa phương quan tâm, hiện Cục Hàng không Việt Nam đang trong quá trình thẩm định dự án này.

Chiến lược của Tập đoàn IPPG là thành lập một hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa với mục tiêu góp phần tăng giá trị cạnh tranh của các hãng hàng không hàng hóa của Việt Nam trên các đường bay quốc tế.

Theo Tập đoàn IPPG, việc này sẽ góp phần vào sự phát triển chung của ngành hàng không Việt Nam cũng như góp phần bình ổn giá cước vận chuyển hàng hóa, ổn định chi phí hàng hóa, nguyên vật liệu, giảm thiểu việc ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, nguy cơ lạm phát và góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế.

Ngày 8/2, Tập đoàn IPPG và UBND TP HCM đã ký kết bản ghi nhớ nghiên cứu lập đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM.

Theo đó, Tập đoàn IPPG sẽ tài trợ sản phẩm nghiên cứu lập đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM; Kết nối các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình xây dựng đề án trung tâm tài chính quốc tế; Thuê tư vấn quốc tế và trong nước để xây dựng đề án và thuê những công ty của Mỹ để tư vấn hoàn thiện dự án.

Tập đoàn IPPG cam kết bàn giao đề án cho TP HCM trong vòng 60 ngày từ ngày ký biên bản ghi nhớ, không kể thời gian lấy ý kiến các cơ quan, ban, ngành liên quan. Mục tiêu là thu hút được các nhà đầu tư quốc tế, các quỹ đầu tư đến TP HCM.

Trước đó, hồi tháng 3/2021, Tập đoàn IPPG cũng đã ký kết tài trợ cho dự án Trung tâm tài chính tại Đà Nẵng. 

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sẵn sàng bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine trong trường hợp cần thiết

Ngày 23-2, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về diễn biến tình hình ở Ukraine hiện nay và công tác bảo hộ công dân Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến căng thẳng gần đây xung quanh tình hình Ukraine và kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường nỗ lực đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết hòa bình các bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên toàn thế giới.

Các nước ASEAN nỗ lực hồi sinh ngành du lịch

Một số nước trong khu vực ASEAN thông báo sẽ đón du khách quốc tế đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Điều này tạo cú hích rất cần thiết cho ngành công nghiệp không khói vốn bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh hồi sinh.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thu-tuong-se-lam-viec-voi-tap-doan-ippg-ve-de-an-trung-tam-tai-chinh-viet-nam-190503.html