Thương chiến Mỹ - Trung - Lịch sử liệu có lặp lại?

11/09/2019 11:09

Kinhte&Xahoi Từ đầu năm 2018 đến nay, Mỹ và Trung Quốc đã liên tiếp đánh thuế trừng phạt lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau. Vòng đàm phán tiếp theo sẽ được nối lại vào đầu tháng 10 tới, tuy nhiên, giới quan sát quốc tế không kỳ vọng cuộc đàm phán này sẽ giúp hạ nhiệt chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Cuộc chiến khó hạ nhiệt

Theo CNBC,sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận các quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc sẽ ngồi vào bàn đàm phán tại Washington D.C (Mỹ) vào đầu tháng 10 tới, Tổng biên tập Global Times Hu Xijin viết trên Twitter rằng "có khả năng hai bên sẽ đạt một bước đột phá".

Ảnh minh họa.

Theo giới chức Mỹ tiết lộ, nội dung của các vòng đàm phán sắp diễn ra vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 tới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bao quát tất cả các vấn đề cốt lõi của cuộc tranh chấp thương mại. Theo đó, các vấn đề chủ đạo như sau: đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ; ép buộc chuyển giao công nghệ; không gian mạng; các dịch vụ tài chính; mua bán hàng hóa nông sản, công nghiệp, năng lượng; việc cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan...

Chính quyền Tổng thống Mỹ Trump mong muốn đạt được các kết quả “trong một tương lai gần”. Giới chức Mỹ nói: “Khi chúng tôi không nhìn thấy kết quả, chúng tôi sẽ đưa ra các hành động bổ sung… Hoặc khi chúng tôi thực sự nhìn thấy kết quả từ các cuộc gặp gỡ sắp tới, thì sau đó, việc giải quyết tranh chấp sẽ tiến triển”.

Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng cho biết, ông không thể dự báo trước về khả năng liệu các vòng đối thoại diễn ra sắp tới có thể trì hoãn kế hoạch tăng thuế mà Mỹ dự kiến thực hiện vào ngày 1/10 nhằm vào 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hay không.

Tuy nhiên, quan chức này cho rằng vấn đề quan trọng nằm ở chỗ các chính sách cải cách của Trung Quốc cần được phản ánh trong các điều khoản luật sửa đổi, trong khi bất kỳ thỏa thuận nào đạt được cũng cần phải có các điều khoản thực thi nhằm bảo đảm Trung Quốc sẽ tuân thủ các cam kết đã đưa ra. Ông Trump vẫn tin tưởng rằng việc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục nối lại đàm phán là một diễn biến “tích cực”.

Tuy nhiên, chuyên gia Ferguson thuộc Viện Hoover (Đại học Stanford University) cho rằng, thương chiến đã leo thang đến mức lan sang các lĩnh vực khác, do đó không dễ để chính quyền Washington và Bắc Kinh muốn dừng là dừng. Ngày 6/9 vừa qua, cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, cho dù Mỹ và Trung Quốc đã theo đuổi tiến trình đàm phán thương mại cùng các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ trong vòng 18 tháng qua, song đây lại chỉ được coi là một quãng thời gian ngắn nếu xét về tính nghiêm trọng của vấn đề và đàm phán có thể sẽ kéo dài nhiều hơn nữa.

Để giải quyết ổn thỏa, có khi cần tới hàng chục năm. Ông Kudlow khẳng định với báo giới rằng, Mỹ-Trung sẽ nối lại đàm phán vào đầu tháng 10 tới. Tuy nhiên, ông Kudlow cũng hạ thấp những dự báo cho rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào năm 2020 đã làm gia tăng “tính cấp thiết” để ông Trump kết thúc cuộc thương chiến với Trung Quốc. Theo cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Trung Quốc và Mỹ chỉ có thể đạt một thỏa thuận trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 nếu như thỏa thuận đó hoàn toàn có lợi cho Mỹ để Tổng thống Donald Trump có thể thu hút lá phiếu của cử tri.

Lịch sử liệu có lặp lại?

Giới phân tích, thậm chí còn so sánh tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung gần giống vớisự cạnh tranh chiến lược Mỹ-Xô và cuộc thương chiến Mỹ-Nhật vào những năm trước đây là phải mất nhiều năm để đạt được những kết quả như mong muốn của Mỹ. Điều này được chứng minh bằng nhận định của cố vấn Nhà Trắng ông Kudlow rằng:“mọi người có thể thấy rằng lời cam kết này của Tổng thống Trump là không có giới hạn bởi ông ấy tin rằng mình đang bảo vệ tổ quốc, người lao động và an ninh quốc gia Mỹ”.

Được biết, cuộc thương chiến MỹNhật vào những thập niên 80 của thế kỷ trước, do kinh tế Nhật Bản phát triển vượt bậc, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến Washington lo ngại ngôi vị số một của Mỹ có thể bị rơi vào tay Nhật Bản. Vì thế, Mỹ không chỉ đe dọa mà còn “ra đòn” mạnh mẽ. Vào năm 1989, khi đó là một doanh nhân, ông Trump cho rằng Nhật Bản đang “hút máu nước Mỹ”, rằng “đó là một vấn đề lớn, một vấn đề sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn”.

Khi nói đến cán cân thương mại Mỹ-Nhật, ông Trump còn nói: “Họ (Nhật) đang cười vào mặt chúng ta (Mỹ)”. Cuộc thương chiến Mỹ-Trung đang leo thang và sức ép là buộc Trung Quốc chấm dứt các hành vi được gọi là “sở hữu trái phép công nghệ nhạy cảm” và “ép buộc chuyển giao bí mật thương mại”.

Mặc dù phía Trung Quốc đã có những động thái nhằm cố gắng thu hẹp bất đồng, nhưng khó mà có kết quả trong ngắn hạn. Nhìn lại cuộc thương chiến MỹNhật vào những năm 1980 cho thấy, việc “ăn miếng trả miếng” cũng đã diễn ra. Washington cũng đã áp thuế đối với 100% hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản tương đương với 300 triệu USD, nhằm ngăn không cho “Đại bàng Nhật Bản có thể tung cánh” trên phạm vi toàn cầu.

Với nước cờ cao tay của Mỹ, 5 nước gồm Mỹ, Tây Đức, Pháp, Anh và Nhật Bản đã ký Hiệp định Plaza, thỏa thuận hạ giá đồng USD so với đồng yen Nhật, đem lại lợi ích lớn hơn cho Mỹ, thâm hụt thương mại với các nước Tây Âu cũng giảm, nhưng mũi tên Plaza cuối cùng cũng bắn thẳng vào nền kinh tế Nhật Bản. Khi đồng yen tăng giá, các sản phẩm của Nhật trở nên đắt đỏ hơn, khiến các đối tác cũ dần quay lưng lại với Toko.

Giá trị đồng yen thấp tạo ra bong bóng giá cổ phiếu. Khi bong bóng vỡ, Nhật Bản nếm “trái đắng” và rơi vào suy thoái hàng thập kỷ và thậm chí, nhiều năm sau vẫn chưa thoát khỏi nạn “giảm phát”. Và kết quả là nền kinh tế Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới và bỏ xa nền kinh tế Nhật Bản.

Việc Washington giành thắng lợi áp đảo trước Tokyo trong cuộc đối đầu vào thập niên 1980 liệu có thể ảnh hưởng tới tư duy của Tổng thống Trump về cách đối phó với Bắc Kinh hay không cũng được giới nghiên cứu quan tâm.

Được biết, ông Robert Lighthizer, một trong các cố vấn quan trọng nhất của ông Trump về thương mại, cũng từng tham gia các cuộc đàm phán với Nhật vào những năm 1980. Tuy nhiên, theo giới phân tích cho dù ông Lighthizer và ông Trump có thể rút ra được những bài học tích cực nào đó từ cuộc thương chiến của thập niên 1980, thì giới lãnh đạo và chuyên gia Trung Quốc họ cũng rất chú ý tới bài học lịch sử này và đương nhiên, họ không muốn lặp lại sai lầm mà Nhật đã phạm phải.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã hồi năm ngoái cũng đã cảnh báo rằng “Nhật Bản đã bị tổn thương nghiêm trọng vì cách phản ứng không hợp lý” đối với Hiệp định Plaza và sức ép thương mại từ Mỹ. Theo giới phân tích, năm 2019 không phải năm 1985 và Trung Quốc cũng không phải Nhật Bản. Cả về kinh tế lẫn chính trị, Bắc Kinh đều có vẻ mạnh mẽ hơn Tokyo, trong khi Nhật Bản phụ thuộc vào Mỹ cả về chính trị, an ninh thì đương nhiên họ không thể mạo hiểm quyết chiến đến cùng với Mỹ, còn Trung Quốc thì khác. Bắc Kinh giờ đây ở vào một vị thế tốt hơn để kháng cự lạisức ép từ Washington. Vì thế, nhận xét trên của giới chuyên gia là có cơ sở.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thủ tướng Anh lần thứ hai bị Quốc hội khước từ

Quốc hội Anh một lần nữa đã từ chối lời đề nghị tổ chức bầu cử sớm của Thủ tướng Boris Johnson, trước thềm một cuộc thượng đỉnh EU quan trọng vào tháng 10. Đây là một gáo nước lạnh nữa đổ lên vị lãnh đạo thúc đẩy Brexit này.

Nguồn: Pháp luật Plus