Tiếp tục 'tuyên chiến' thất thoát, lãng phí

18/11/2022 11:53

Kinhte&Xahoi Công cuộc phòng chống thất thoát, lãng phí do Đảng và Nhà nước phát động, thời gian gần đây đã chứng tỏ ngày càng hiệu quả, nhận được sự ủng hộ đồng tình của nhân dân. Nhưng nhìn nhận ở góc độ vĩ mô, Quốc hội đánh giá vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

(Ảnh minh họa: Vietnam+)

Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội mới đây cho thấy, theo tổng hợp chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương; hàng trăm dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, gây thất thoát, lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư. Hơn 3.000 dự án có thất thoát, lãng phí. Cùng với đó, hàng nghìn dự án chậm tiến độ và xu hướng tăng dần qua các năm; hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn, trọng điểm đều chậm tiến độ. Điển hình là dự án tuyến đường sắt thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội, số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên, số 2 Bến Thành - Tham Lương...

Theo Đoàn giám sát, tổng số vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí đã kết luận điều tra là gần 1.300, trong đó đã đưa ra xét xử khoảng 1.100. Tổng giá trị thiệt hại tại các vụ án này khoảng 31.800 tỷ đồng, trong đó tại địa phương 19.500 tỷ, Trung ương là 12.300 tỷ.

Thanh tra Chính phủ và bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016 - 2021 đã triển khai gần 50.000 cuộc thanh, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát hiện vi phạm về kinh tế trên 150.100 tỷ đồng với 63.200ha đất; kiến nghị thu hồi gần 71.800 tỷ, hơn 31.200ha đất.

Đoàn giám sát đánh giá các vụ việc gây thất thoát, lãng phí, thực hiện không đúng quy định ngày càng tinh vi, phức tạp; xảy ra ở cả các cơ quan của Chính phủ trong chính ngành, lĩnh vực được giao quản lý, tham mưu. Nhiều vụ việc sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công được phát hiện và xử lý, thu hồi số vốn, tài sản Nhà nước lớn; nhiều tổ chức, cá nhân đã bị kỷ luật, xử lý hình sự.

Nguyên nhân là kỷ luật, kỷ cương, nhận thức pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ chưa đầy đủ; còn có hiện tượng buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong khi đó, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, một số nơi chưa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan tham mưu. Sự phối hợp giữa các cơ quan ở cả Trung ương, địa phương nhiều trường hợp chưa chặt chẽ.

Đó chính là cơ sở để chiều 15/11 vừa qua, Quốc hội thông qua Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Quốc hội yêu cầu trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng hoàn thành thống kê thông tin, số liệu liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021; báo cáo rõ kết quả phát hiện vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng bộ, ngành, địa phương.

Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm về tình trạng diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; làm rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm với đơn vị, cá nhân liên quan 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn Nhà nước khai thác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có vướng mắc; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.

Dư luận mong mỏi cơ quan chức năng phải quyết liệt, mạnh tay hơn nữa; không được phép để tình trạng những dự án cứ ngày này qua tháng nọ “đội” vốn hàng ngàn tỷ đồng mà không ai phải chịu trách nhiệm, không ai bị xử lý; nguy cơ kéo giảm hiệu quả công cuộc phòng chống thất thoát, lãng phí sục sôi.

 Minh Khang - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/tiep-tuc-tuyen-chien-that-thoat-lang-phi-d186768.html