Tôn vinh người thầy

19/11/2021 06:49

Kinhte&Xahoi Ngày mai (20/11) là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Hằng năm, ngày này thể hiện vẻ đẹp “Tôn sư trọng đạo” của văn hóa Việt Nam, là dịp xã hội tôn vinh người thầy, các thế hệ học trò tri ân thầy, cô giáo.

Tôn vinh người thầy là vì sự nghiệp “trồng người”, vì đất nước.

Sinh thời Bác Hồ dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Giáo dục từ lâu được xác định là quốc sách hàng đầu. Trong bức thư cuối cùng gửi học sinh, sinh viên, nhân dịp bắt đầu năm học mới vào tháng 10/1968, Bác Hồ căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

Gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Do đợt dịch bùng phát lần thứ 4, hàng chục triệu học sinh các cấp phải học trực tuyến dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng học và đảo lộn cuộc sống hàng triệu gia đình. Hàng nghìn em mồ côi do mất cha, mất mẹ trong dịch bệnh...

Việc học trực tuyến còn những bất cập, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những gia đình thiếu các điều kiện, phương tiện để học trực tuyến.

Hơn lúc nào hết, ngành GD&ĐT, đặc biệt là đội ngũ các thầy, cô giáo cùng toàn thể các em học sinh, sinh viên đã và đang phát huy truyền thống thi đua, vượt lên khó khăn, học tập và rèn luyện như lời Bác dạy năm xưa.

Trên trận tuyến chống COVID-19, nhiều bác sĩ, điều dưỡng viên đồng thời cũng là giáo viên, những sinh viên, nhất là sinh viên ngành Y, ngày đêm miệt mài ở tuyến đầu chống dịch, xung phong vào những nơi là tâm dịch nguy hiểm nhất. Đội ngũ nhà giáo đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, xáo trộn cuộc sống quá lớn do dịch bệnh để chăm lo sự nghiệp GD&ĐT.

Hiện nay chúng ta đang thực hiện quyết liệt các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Phương châm là: Lấy học sinh làm trung tâm; chú trọng phát triển nhân cách, đạo đức, tính sáng tạo của học sinh. Muốn vậy, nhà trường phải là nền tảng, chất lượng dạy và học có ý nghĩa quyết định.

Ngành GD&ĐT đang có những biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 gây ra, đặc biệt là nguy cơ số học sinh, sinh viên bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa. Hơn bao giờ hết, toàn xã hội, cả hệ thống chính trị đang sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động cùng với ngành GD&ĐT, vì tương lai con em, vì tương lai của đất nước.

Bác Hồ từng căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Để làm được điều này, chính Người khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa...”. Tôn vinh người thầy là vì sự nghiệp “trồng người”, vì đất nước.

 Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/ton-vinh-nguoi-thay-d171009.html