Tổng lực tấn công phòng, chống dịch trên mọi phương diện, cấp độ

02/09/2021 18:00

Kinhte&Xahoi Tháng 8 năm 2021, trước diễn biến nguy hiểm của dịch Covid-19, Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố để tập trung phòng, chống dịch. Thực hiện Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Thành phố vừa ngày đêm căng sức chống dịch, vừa duy trì thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại chốt kiểm soát số 2, Quốc lộ 1B

“Khoanh gọn vùng đỏ, mở rộng vùng xanh”
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thành phố đã và đang tập trung tối đa nguồn lực, tổng lực tấn công phòng, chống dịch trên mọi phương diện, cấp độ với mục tiêu sớm đưa Hà Nội an toàn trở lại. Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 Thành phố đã chủ trì nhiều cuộc kiểm tra, chỉ huy phòng, chống dịch tại các địa bàn; quyết định thành lập 03 Tổ công tác chuyên trách, do 3 đồng chí Phó Chủ tịch, Phó Chỉ huy trưởng phụ trách công tác giám sát, xét nghiệm, cách ly, tiêm vắc xin; thu dung, điều trị, hậu cần, điều kiện cơ sở vật chất phòng chống dịch và phục vụ khu cách ly tập trung. 
 
Sở Chỉ huy các cấp đã vào cuộc tích cực, hiệp đồng trách nhiệm, kích hoạt công tác phòng, chống dịch ở mức cao nhất, bảo đảm thế trận chống dịch với mục tiêu “khoanh gọn vùng đỏ, mở rộng vùng xanh”. 
 
Thành phố đã triển khai 10 đợt tiêm vắc xin với hơn 2 triệu mũi tiêm. Chủ động sàng lọc, xét nghiệm tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực phong tỏa, các đối tượng nguy cơ. Đảm bảo ổn định thị trường, cung ứng hàng hóa phục vụ Nhân dân trên địa bàn, tại các khu vực phong tỏa và cách ly y tế. 
 
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Thành phố đã hỗ trợ 313,17 tỷ đồng cho 12 nhóm đối tượng người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; hỗ trợ 282.552 người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 282,552 tỷ đồng. Hỗ trợ 54 tỷ đồng cho 18 tỉnh, thành phố phía Nam chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19; gửi tặng Thành phố Hồ Chí Minh nhiều thiết bị y tế; cử các đoàn y, bác sĩ đến tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hỗ trợ công tác xét nghiệm. 
 
Nhân dân đánh giá cao công tác đảm bảo an sinh xã hội của Thành phố. Việc thiết lập các đường dây nóng đã giúp người dân kịp thời phản ánh, đề nghị được hỗ trợ những ngày giãn cách xã hội.
 
Một số chỉ tiêu kinh tế đạt kết quả tích cực
 
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tuy nhiên, một số chỉ tiêu kinh tế của Thành phố vẫn đạt kết quả tích cực, khả quan. Tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt 164.483 tỷ đồng, đạt 69,8% dự toán Trung ương giao (đạt 65,4% dự toán Thành phố giao), bằng 110,3% so với cùng kỳ. 8 tháng năm 2021, chỉ số IIP một số ngành công nghiệp đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nổi bật như sản xuất xe có động cơ tăng 21,6%, sản xuất trang phục tăng 18,2%, sản xuất đồ uống tăng 16,1%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 10,9%... 
 
Tổng thu nội địa do ngành thuế quản lý (trừ dầu) tăng 9,7% so cùng kỳ, trong đó thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh tăng 28,9% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có nhiều cố gắng duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng phương án “3 tại chỗ”, cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ giãn cách... Sản xuất nông nghiệp thuận lợi; chăn nuôi ổn định; chăn nuôi lợn có sự phục hồi, hoạt động tái đàn được chú trọng. 
 
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình phát triển KT-XH, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp chịu nhiều tác động tiêu cực. Nhiều chỉ số sản xuất và tiêu dùng của Thành phố trong tháng 8 giảm so với tháng 7 như: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), kim ngạch xuất, nhập khẩu. 8 tháng năm 2021, đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 9.599 tỷ đồng, thu hút vốn FDI đạt 841,8 triệu USD. Du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề. Khách du lịch trong nước giảm mạnh (giảm 11,8% so cùng kỳ); tính chung 8 tháng khách quốc tế đến Hà Nội giảm 83,3% so cùng kỳ. 
 
Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân
 
Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố đang diễn biến rất phức tạp, khó lường; còn phát sinh nhiều ca mắc mới trong cộng đồng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ổ dịch mới; trong khi đó, nếu kéo dài giãn cách xã hội sẽ gây nhiều hệ lụy tác động tới nền kinh tế, xã hội. UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, trực tiếp là các đồng chí Thủ trưởng, Tư lệnh ngành coi công tác chủ động tấn công, dập dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu hiện nay; tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm chiến thắng dịch bệnh cao nhất với phương châm “khóa nhanh, xóa gọn vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh”; đồng thời, tập trung phát triển KT-XH, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình dịch bệnh và trong thời gian giãn cách Thành phố.
 
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9 và những tháng cuối năm 2021, UBND Thành phố đề nghị các quận, huyện, thị ủy, yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thường xuyên chủ trì họp giao ban đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được của đơn vị; nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố và tại các đơn vị; trọng tâm là rà soát, khắc phục ngay hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với cấp xã, phường tại Thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch Covid-19, Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 01/9/2021, Thông báo số 480-TB/BTV ngày 01/9/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy. Thành phố đã rất cố gắng, nỗ lực ngày đêm không nghỉ phòng, chống dịch bệnh, song thực tế vẫn còn xảy ra hiện tượng buông lỏng quản lý, bỏ trống chốt kiểm dịch tại một số địa bàn hoặc có lực lượng chức năng nhưng không kiểm soát; sở chỉ huy tiền phương vắng lực lượng chức năng chốt trực; số lượng người dân ra đường vẫn rất lớn…
 
Tiếp tục phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm cá nhân của từng đồng chí thành viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Thành phố, Phó Chỉ huy trưởng Thành phố, Tổ trưởng các Tổ công tác chuyên trách thuộc Sở Chỉ huy Thành phố tiếp tục chỉ đạo, thực hiện nghiêm, thực chất việc giãn cách xã hội. Đặc biệt là kiểm soát chặt hơn, cần thiết áp dụng cao hơn một mức việc thực hiện giãn cách trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9. Tăng cường mật độ kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ về công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đơn vị. Thực hiện tốt quan điểm lấy xã, phường là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch và xác định “chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân”. 
 
UBND Thành phố giao Sở Y tế chủ trì cùng các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tham mưu Ban Chỉ đạo Thành phố phương án, kịch bản phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 trên địa bàn Thành phố theo phương châm siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”. Đối với khu vực “vùng xanh”, giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt từng phương án để tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hàng hóa cho khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch. 
 
Tiếp tục xét nghiệm diện rộng theo kế hoạch trên toàn Thành phố, nâng cao năng lực xét nghiệm, ưu tiên xét nghiệm cho các khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly “nhóm đỏ” (tần suất 2-3 ngày/lần); tại các khu vực có nguy cơ cao “nhóm da cam” (tần suất 5-7 ngày/lần); song song với việc ưu tiên xét nghiệm theo hộ gia đình tại các “nhóm xanh” cũng cần thực hiện nhanh chóng, kịp thời để bảo vệ và dần mở rộng “nhóm xanh”.
 
Tiếp tục chỉ đạo nâng cao năng lực các dây chuyền tiêm với sự tham gia của các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện của các bộ, ngành, y tế tư nhân, y tế cơ sở; sẵn sàng tổ chức tiêm quy mô lớn, bảo đảm an toàn, đúng quy định khi tiếp nhận thêm vắc xin. Phấn đấu hoàn thành tiêm 961.000 liều vắc xin mới được phân bổ trong đợt nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và nhập dữ liệu lên hệ thống phần mềm tiêm chủng quốc gia.
 
Tham mưu đề xuất Tổ Công tác, Sở Chỉ huy Thành phố chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị đầy đủ 20.000 giường và sẵn sàng lên 30.000 giường cho các cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế; bảo đảm đủ ô xy, trang thiết bị, vật tư, thuốc điều trị và nhân lực y tế cho các cơ sở y tế tại tất cả các tầng; nâng cao năng lực điều trị người nhiễm Covid-19 ngay từ tầng 1 để giảm tải cho tầng 2, tầng 3; đồng thời, tiếp tục đảm bảo việc tiếp nhận, điều trị các bệnh khác kịp thời, hiệu quả. 
 
UBND Thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành tập trung làm tốt việc kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9 và thời gian giãn cách xã hội; tổ chức thực hiện việc quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố; hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn Thành phố. Tổ chức quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với 23 chốt kiểm soát ra vào Thành phố và các cá nhân, phương tiện lưu thông trên địa bàn Thành phố theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu thì ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
 
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các khu cách ly tập trung, triển khai ngay phần mềm quản lý F1; đảm bảo cung ứng hàng hóa ổn định, chủ động đầy đủ nguồn hàng hóa thiết yếu cho các khu vực phong tỏa, cách ly y tế và Nhân dân trên địa bàn. Thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, đầu cơ găm hàng, hàng giả, hàng kém chất lượng. Rà soát, có kế hoạch thu gọn vùng hoạt động của các chợ dân sinh trên địa bàn; có phương án yêu cầu tạm dừng hoạt động các chợ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch; chợ có mật độ dân cư đông, tiếp xúc dày khi giao thương, mua bán hàng hóa, thực phẩm.
 
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, duy trì hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại 1022 phục vụ công tác phòng chống dịch. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách của Trung ương, Thành phố về an sinh xã hội, không để chậm trễ; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Thành phố và các đơn vị liên quan rà soát, hỗ trợ kịp thời các đối tượng khó khăn để thống nhất đầu mối thực hiện chính sách hỗ trợ, tránh trùng đối tượng và chính sách.
 
Đối với các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, UBND Thành phố yêu cầu phải phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là trong dịp cao điểm nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9. Tiếp tục coi hiệu quả phòng, chống dịch làm thước đo năng lực, uy tín cá nhân cán bộ, năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tuyên truyền, quán triệt các cấp ủy, tổ chức đảng về vị trí, vai trò của chi bộ, hạt nhân chính trị ở cơ sở; vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Công văn số 190-CV/TU, ngày 30/8/2021 về tăng cường phân công cán bộ, đảng viên tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; đồng thời, huy động đội ngũ công chức, viên chức, sinh viên, người lao động tự do trên địa bàn cùng tham gia phòng, chống dịch.
 
Tập trung chỉ đạo xây dựng các “pháo đài” phòng, chống dịch là các xã, phường, thị trấn trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1022/CĐ-TTg ngày 23/8/2021. Đặc biệt, quán triệt và thực hiện nghiệm, hiệu quả nguyên tắc “người dân là trung tâm, là chủ thể” để phục vụ người dân, động viên, hướng dẫn, đề nghị người dân thực hiện và có cơ chế, biện pháp trực tiếp giải quyết các vấn đề của người dân ngay tại xã, phường, thị trấn; làm cho người dân thấy được việc thực hiện giãn cách xã hội và phòng, chống dịch là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.

Lê Hải - HNP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

WHO đang theo dõi biến thể mới có khả năng kháng vắc-xin

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, bùng phát ở Colombia hồi tháng 1 đầu năm.Theo WHO, biến thể B.1.621, còn gọi là biến thể Mu chứa các đột biến có khả năng kháng vắc-xin, do đó cần thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về biến thể này.

link bài gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2847978/tong-luc-tan-cong-phong-chong-dich-tren-moi-phuong-dien-cap-o.html