TP. Hạ Long: Cần giải quyết dứt điểm lùm xùm về giải phóng mặt bằng

02/08/2018 08:53

Kinhte&Xahoi Việc lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư của Trung tâm phát triển quỹ đất và UBND thành phố Hạ Long liên tục thay đổi khiến người dân hoài nghi về tính dân chủ.

Dự án Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, bệnh viện, chung cư của Công an tỉnh Quảng Ninh tại phường Hà Phong (Hạ Long, Quảng Ninh) đã được phê duyệt và công bố Quy hoạch chi tiết 1/500. Dự án được người dân rất đồng thuận và ủng hộ. 

Cho dù Công an tỉnh Quảng Ninh đã chuyển tiền vào kho bạc nhưng sự thay đổi liên tục của UBND Thành phố Hạ Long khiến người dân bức xúc.

Ngày 28/6/2013, UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 1651/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, bệnh viện, chung cư do Công an tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Dự án này có quy mô 20 ha tại phường Hà Phong. Ngày 30/10/2014, UBND TP Hạ Long ra quyết định số 264/QĐ – UBND về việc “Thành lập Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành phố Hạ Long” do ông Hoàng Quang Hải – Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long đứng đầu.

Tiếp đó, ngày 26/12/2014, UBND TP Hạ Long ra công văn số 3702/QĐ-UBND do Phó chủ tịch UBND Hoàng Quang Hải ký về việc thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án. UBND giao cho Trung tâm phát triển Quỹ đất thành phố chủ trì để thực hiện.

Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm phát triển Quỹ đất thành phố Hạ Long đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho từng hộ gia đình thuộc diện GPMB. Do nhiều hộ trong diện GPMB không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ nên Trung tâm phát triển Quỹ đất đã làm tờ trình 997/TT-PTQĐ trình UBND TP Hạ Long. Ngày 13/9/2017 UBND TP Hạ Long ra Quyết định số 7975/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho 4 hộ dân thuộc diện GPMB. Sau quyết định 7975 ban hành được 1 ngày, ngày 14/9/2018, Trung tâm phát triển Quỹ đất lập tức ra thông báo cho từng hộ gia đình đến trụ sở UBND phường Hà Phong để nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.

Ngày 25/11/2017, Công an tỉnh Quảng Ninh có công văn số 2870/CAT-PH41 do Đại tá Vũ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh ký “về việc chuyển tiền bồi thường, hỗ trợ dự án Trung tâm HL&BDNV, bệnh viện, chung cư công an tỉnh” thông báo cho Trung tâm phát triển Quỹ đất, UBND phường Hà Phong và hộ gia đình ông Vũ Hồng Tuyến và gia đình ông Vũ Công Bằng biết đã chuyển số tiền bồi thường, hỗ trợ của 2 hộ tại Kho bạc Nhà nước. 

Chưa thỏa đáng với phương án bồi thường dự án, cụ Nguyễn Tiến Đạt (người được ủy quyền từ con trai theo hợp đồng ủy quyền số 5379.2017 HĐDĐ) tiếp tục làm đơn kiến nghị. Theo cụ Đạt: Kể từ khi có Thông báo số: 615/TB–UBND ngày 24/10/2013 của UBND thành phố Hạ Long về việc thu hồi đất để bồi thường GPMB thực hiện dự án cho đến khi các hộ dân nhận được các phương án cụ thể là Quyết định số: 7975/QĐ-UBND ngày 13/09/2017 của UBND thành phố Hạ Long về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho thì UBND thành phố Hạ Long và Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Hạ Long thực hiện công tác GPMB không đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất theo điều 69 - Luật Đất đai số: 45/2013/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 29/11/2013; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quyết định số: 1766/2014/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Theo cụ Đạt, ngoài việc không thực hiện đúng trình tự thủ tục về bồi thường, GPMB thì các cơ quan ban ngành còn thực hiện sai các quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân ở các hạng mục cụ thể sau:

Căn cứ theo Điều 25 Quyết định số: 1766/2014/QĐ-UBND ngày 13/8/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc Hỗ trợ khác đối với nhà, công trình xây dựng không hợp pháp không thuộc trường hợp quy định tại Điều 31 và Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (Thực hiện Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP). Căn cứ theo Bản chứng nhận nhà đất của UBND phường Hà Phong thì đất được tôn tạo từ năm 2000 với mục đích sử dụng là trồng cây hàng năm, tức là sử dụng đất vì mục đích nông nghiệp. Vì thế, được các hạng mục chi phí đầu tư vào đất còn lại (thời điểm tính công tôn tạo từ năm 2000) thì việc bồi thường theo tỷ lệ 50% là không đúng mà phải là 100%.

Sau khi người dân có ý kiến, ngày 11/12/2017, Trung tâm phát triển Quỹ đất TP Hạ Long lại có công văn số 3086/PTQĐ đề xuất UBND TP Hà Long thu hồi lại văn bản số 7142/UBND do UBND TP Hạ Long ban hành. Liền sau đó, ngày 29/12/2017, UBND TP Hạ Long ban hành quyết định số 1083/UBND về việc thu hồi phương án bồi thường, bổ sung.

Chia sẻ với PV, cụ Nguyễn Tiến Đạt bức xúc: “Việc hỗ trợ, bồi thường GPMB phải được tiến hành theo Luật chứ không thể tiến hành theo cảm hứng được. Mỗi khi chúng tôi có ý kiến thì họ lại bổ sung, nâng giá trị bồi thường lên như thể là cò kè thêm bớt. Thích thì họ ra văn bản bổ sung, dân vẫn không đồng tình thì họ lại ra quyết định thu hồi lại. Thử hỏi việc ra quyết định tùy hứng rồi lại thu hồi tùy tiện như thế thì làm sao người dân chúng tôi đồng tình được?”.

Đem vấn đề của người dân trao đổi với ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, qua điện thoại ông Hà đùn đẩy trách nhiệm sang cho Công an tỉnh. Ông Hà cho rằng vấn đề này UBND TP Hạ Long không liên quan, báo chí muốn trao đổi gì thì sang bên công an tỉnh Quảng Ninh.

Rõ ràng, các quyết định GPMB, hỗ trợ đền bù, thu hồi phương án đền bù là do UBND TP Hạ Long ban hành. Việc ông Hà, với cương vị là Chủ tịch UBND TP Hạ Long né tránh trách nhiệm là không thể chấp nhận được. Đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh sớm có phương án giải quyết để đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp của người dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

 

 Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ấn Độ: Nhức nhối nạn hiếp dâm trẻ em

Nạn hiếp dâm tại Ấn Độ, đất nước đông dân thứ nhì thế giới, đang ngày một gia tăng. Phụ nữ Ấn Độ, đặc biệt là trẻ em gái, đã trở thành những nạn nhân đáng thương của những cuộc tấn công bạo lực đầy đau xót. Thực trạng này đáng ngại đến mức báo chí thế giới từng gọi Ấn Độ là đất nước của “yêu râu xanh”.

ADN truy tìm “sát thủ giấu mặt” trong hàng loạt vụ trọng án

Trong lịch sử hình sự thế giới, luôn tồn tại một “khoảng trống”, nơi dành cho các vụ án phức tạp qua nhiều năm tháng vẫn chưa thể phá án. “Khoảng trống” này theo thời gian đã ít dần đi do có sự trợ giúp đắc lực của công nghệ ADN - một lĩnh vực tân tiến bậc nhất của khoa học hình sự. Công nghệ này đã đóng góp một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nhận diện tội phạm, thực thi công lý và trả lại công bằng cho nạn nhân.