Mô hình Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo tờ trình, chủ trương nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ định hướng và giao nhiệm vụ cho thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện.
Đến nay, UBND thành phố đã lập tổ công tác xây dựng đề án, đi nghiên cứu thực tế, tham vấn ý kiến chuyên gia nước ngoài, tổ chức hội thảo tiếp nhận góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, bộ ngành. Mục tiêu của đề án là nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của thành phố Hồ Chí Minh và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Trong giai đoạn khai thác ban đầu, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ bổ sung tiềm năng, tương hỗ với cảng Cái Mép - Thị Vải để trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, dự kiến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được phân kỳ đầu tư trong hai giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1, tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng trước năm 2030 (đầu tư 2 bến chính/7 bến chính); giai đoạn 2 sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các bến chính còn lại sau năm 2030 đến năm 2045.
Một trong những đặc điểm nổi bật của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là sử dụng 100% bằng điện, bảo vệ môi trường. Đây được xem xét như một bộ phận cấu thành, không tách rời của quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác cảng, trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 18-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi thị sát khu vực huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) để tìm hiểu đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cũng như dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Nguyễn Lê - Hà Nội mới