Trẻ em không tiêm vắc xin COVID-19 nhập viện tăng gấp đôi

23/04/2022 17:09

Kinhte&Xahoi Theo thống kê tại Mỹ, tỷ lệ nhập viện ở trẻ ở độ tuổi từ 5 - 11 tuổi chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cao gấp đôi so với những trẻ được tiêm chủng trong đợt bùng phát dịch do biến thể Omicron gây ra ở quốc gia này.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, cứ 100.000 trẻ em chưa được tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 trong độ tuổi từ 5 - 11 có 19,1 trẻ phải nhập viện điều trị từ giữa tháng 12/2021 đến cuối tháng 2/2022, so với con số 9,2 trên 100.000 trẻ đã được tiêm.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét gần 400 trường hợp nhập viện ở 14 bang tại Mỹ trong thời gian này. Kết quả cho thấy, trong số 397 trẻ nhập viện vì COVID-19 khi biến thể Omicron chiếm ưu thế thì có 87% chưa được tiêm chủng, khoảng 33% không có bệnh lý cơ bản và 19% phải điều trị tại khu vực chăm sóc đặc biệt.

Trẻ em không tiêm vắc xin nhập viện tăng gấp đôi tại Mỹ (Ảnh: Reuters)

Trước đó, các cơ quan quản lý Mỹ đã cho phép tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi vào tháng 10/2021 trước khi xảy ra đợt bùng phát do biến thể Omicron. Tuy nhiên, theo số liệu của CDC Mỹ, chỉ 28% trẻ em trong độ tuổi này, tức khoảng 8 triệu trẻ, được tiêm chủng đầy đủ.

Các dữ liệu lâm sàng của Mỹ cho thấy, vắc xin có hiệu quả ngăn ngừa nhập viện 68% với trẻ 5-11 tuổi nhiễm biến thể Omicron và rất hiếm gặp các phản ứng phụ nghiêm trọng.

Biến thể Omicron rất dễ lây lan đã khiến số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ ở mức cao kỷ lục trong tháng 1/2022. Số ca nhập viện do COVID-19 ở những người dưới 18 tuổi gia tăng và lo ngại về tác động đối với trẻ em chưa được tiêm chủng.

Theo báo cáo cập nhật của Viện Hàn lâm Nhi khoa (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện Nhi của Mỹ, trên 12,9 triệu trẻ em tại nước này đã mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, chiếm 19% tổng số ca mắc trên cả nước.

Tiêm chủng cho trẻ em, đặc biệt là ở độ tuổi từ 5-11 đang được nhiều quốc gia đẩy mạnh nhằm giúp trẻ có thêm lá chắn bảo vệ trước các nguy cơ do COVID-19 gây ra (Ảnh: Reuters)

Trong tổng số ca bệnh nhi nói trên, 116.000 ca mắc mới trong 4 tuần qua. Kể từ tuần đầu tiên của tháng 9/2021, giới chức y tế Mỹ ghi nhận thêm gần 7,9 triệu ca bệnh nhi mắc COVID-19 trên cả nước. Riêng trong tuần kết thúc vào ngày 14/4 vừa qua đã có tới hơn 33.000 ca mắc mới là trẻ em.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ cho rằng, cần phải thừa nhận đại dịch đang gây những tác động tức thời đối với sức khỏe của trẻ em. Các quốc gia trên thế giới cần xác định và giải quyết những ảnh hưởng lâu dài về thể chất, tinh thần, khả năng hòa nhập và gắn kết xã hội của trẻ nhỏ và thanh thiếu niên ở thế hệ này.

Do đó, các nhà nhà khoa học cũng cho rằng, tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp hàng đầu để phòng ngừa COVID-19. Kể cả khi trẻ em đã mắc COVID-19 thì sau 3 tháng kể từ khi trẻ khỏi bệnh là có thể tiêm vắc xin.

Trước đó, giới chuyên gia Mỹ cho biết tình trạng trẻ em tại nước này mắc chứng lo âu, trầm cảm đã gia tăng từ vài năm nay nhưng những căng thẳng, bất an trong đại dịch COVID-19 càng khiến tình hình thêm trầm trọng.

Theo số liệu của CDC Mỹ, đầu năm 2021, số ca trẻ em gái phải cấp cứu vì các vấn đề tâm lý, thậm chí tìm đến tự tử, tăng 51% so với năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Tỷ lệ tăng ở trẻ em trai là 4% Tình trạng trẻ em nhập viện vì rối loạn ăn uống, lo âu, căng thẳng cũng tăng gấp đôi trong cùng thời gian này.

Tuệ Uyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hủy hoại sức khỏe vì giảm cân làm đẹp cấp tốc

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của phụ nữ. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh phải đẹp nhanh khiến nhiều người tìm đến thuốc và thực phẩm giảm cân làm đẹp cấp tốc, dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng về cả thể chất lẫn tinh thần.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tre-em-khong-tiem-vac-xin-covid-19-nhap-vien-tang-gap-doi-194579.html