Triển khai kế hoạch xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND thành phố năm 2022

25/02/2022 15:08

Kinhte&Xahoi Sáng 25-2, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội phối hợp với UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức Hội nghị liên tịch triển khai kế hoạch xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND thành phố năm 2022 và các năm tiếp theo; thống nhất dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp chuyên đề tháng 3-2022 của HĐND thành phố.

Quang cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của thành phố.

Vẫn chậm, muộn ở cơ quan tham mưu

Báo cáo về kết quả xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật năm 2021, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết, theo danh mục năm 2021, HĐND thành phố ban hành 19 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm 36 nội dung theo đề nghị của UBND thành phố. Tuy nhiên, có 8 nội dung các sở, ngành xin hoãn, lùi thời gian, hoặc chuyển sang xây dựng quyết định; 5 nội dung chưa trình HĐND theo tiến độ, nên so với danh mục, mới ban hành được 23 nội dung. Nguyên nhân chậm do việc chuẩn bị dự thảo nghị quyết của cơ quan chuyên môn chưa bám sát thời hạn theo kế hoạch. Một số dự thảo nghị quyết chuẩn bị chưa kỹ lưỡng, quy trình xây dựng gấp, không bảo đảm thời hạn xin ý kiến, thẩm định, chỉnh lý hoàn thiện.

Để triển khai việc xây dựng danh mục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của thành phố năm 2022, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp chủ động rà soát, có văn bản đôn đốc các sở, ban, ngành thành phố kiểm tra, tổng hợp danh mục đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND. Trên cơ sở thống nhất với các cơ quan thuộc HĐND, UBND thành phố sẽ phối hợp xây dựng, đề nghị HĐND thành phố ban hành các nghị quyết với 30 nội dung được chia theo kỳ họp giữa năm, cuối năm và không thường kỳ.

Triển khai kế hoạch định hướng xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 của HĐND thành phố, theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên, sẽ có các mốc quan trọng. Đó là việc triển khai rà soát các nghị quyết do HĐND thành phố đã ban hành trên tất cả lĩnh vực, nội dung quản lý nhà nước đang còn hiệu lực và báo cáo Thường trực HĐND thành phố hoàn thành chậm nhất trong tháng 3-2022; dự báo kế hoạch ban hành nghị quyết HĐND theo tiến độ xây dựng pháp luật của Quốc hội và các cơ quan trung ương, báo cáo với Thường trực HĐND thành phố sẽ thực hiện thường xuyên hằng năm, báo cáo Thường trực HĐND thành phố chậm nhất là ngày 31-12 hằng năm; xây dựng đề xuất ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới, đề xuất gửi Thường trực HĐND thành phố chậm nhất vào ngày 10-1 hằng năm; thống nhất kế hoạch xây dựng nghị quyết HĐND thành phố hằng năm sẽ hoàn thành trước tháng 2 hằng năm.

Thường trực HĐND thành phố đề nghị các cơ quan, sở, ngành tăng cường tính chủ động, tích cực, trách nhiệm trong việc thực hiện kế hoạch xây dựng nghị quyết HĐND thành phố hằng năm. Phân công rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp tham gia. Nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai kế hoạch xây dựng nghị quyết của HĐND thành phố hằng năm để không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đàm Văn Huân cũng cho rằng, thời gian qua, các cơ quan của thành phố đã phối hợp tốt để cơ quan Mặt trận Tổ quốc thành phố tham gia phản biện xã hội các nội dung thuộc nghị quyết quy phạm pháp luật đã ban hành. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, năm 2022, các cơ quan tham mưu, soạn thảo của thành phố cần chủ động, chuẩn bị sớm các tài liệu, để cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố triển khai phản biện xã hội bảo đảm thời gian, kế hoạch, tạo đồng thuận cao của nhân dân, các đối tượng được thụ hưởng nghị quyết.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.

Cần tăng trách nhiệm trong xây dựng dự thảo nghị quyết

Sau khi các sở, ban, ngành trao đổi, phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, trong thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành thành phố phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, các ban của HĐND thành phố rà soát, thống nhất việc xây dựng danh mục nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND thành phố năm 2022 đối với 30 nội dung. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có tính chất thường xuyên hằng năm của thành phố, nhằm tạo sự chủ động, bảo đảm thực hiện tốt công tác chuẩn bị dự thảo đề nghị xây dựng nghị quyết, dự thảo nghị quyết, tổ chức việc đánh giá tác động chính sách, xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị, đối tượng tác động của chính sách, thực hiện công tác thẩm định, thẩm tra, xem xét thông qua một cách bài bản, chất lượng, đúng quy trình, quy định.

Đồng chí Chu Ngọc Anh đề nghị các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố thời gian tới cần nâng cao trách nhiệm, chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất, bám sát tiến độ, quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư của Trung ương, chủ động tham mưu đề xuất việc ban hành nghị quyết của HĐND thành phố, quyết định của UBND thành phố theo thẩm quyền được giao tại các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương để kịp thời tổ chức thi hành trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của thành phố cũng tích cực, chủ động chuẩn bị nội dung, thực hiện các bước trong quy trình xây dựng dự thảo nghị quyết, phối hợp chặt chẽ, từ sớm, từ xa trong công tác tổ chức lấy ý kiến góp ý, thẩm định, thẩm tra.

“Phải nghiêm túc khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản; khắc phục tình trạng chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, không bảo đảm về thời hạn xin ý kiến, thẩm định và chỉnh lý, hoàn thiện, thời hạn báo cáo UBND thành phố tổ chức họp thông qua theo quy trình, quy định”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Tư pháp tiếp tục chủ động tham mưu UBND thành phố trong việc theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo danh mục nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND thành phố; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các ban của HĐND thành phố trong công tác góp ý, thẩm định, chuẩn bị hồ sơ các dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố. Văn phòng UBND thành phố cần làm tốt hơn nữa, chủ động hơn nữa trong theo dõi, đôn đốc việc chuẩn bị hồ sơ trình, kịp thời tổng hợp, kiểm tra và tham mưu tổ chức các kỳ họp của UBND thành phố; phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố chuẩn bị tổ chức tốt các kỳ họp của HĐND thành phố, bảo đảm hồ sơ trình đầy đủ, gửi đến các đại biểu đúng thời hạn quy định.

“Việc chủ động, trách nhiệm, phối hợp tốt của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố là yếu tố quan trọng để nâng cao hơn chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của thành phố”, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh thêm.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị dự họp đã thể hiện rõ trách nhiệm khi tham gia ý kiến. Trên cơ sở rút kinh nghiệm những hạn chế về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, thực hiện kiểm tra, rà soát, thống nhất hoàn thiện kế hoạch chi tiết, phân công trách nhiệm cho cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, kế hoạch hằng tháng, hằng quý và dự kiến thời gian hoàn thành đối với các nội dung dự kiến trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Đối với các nghị quyết cần ban hành mới phải làm rõ, cụ thể được tính cần thiết, căn cứ ban hành, định hướng nội dung cơ chế, chính sách, quy định và dự kiến lộ trình xây dựng nghị quyết.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, quy chế phối hợp và phân công công tác giữa các cơ quan, để nâng cao tính khả thi, hiệu quả của công tác lập và tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng nghị quyết HĐND thành phố, góp phần nâng cao chất lượng của các nghị quyết quy phạm pháp luật do HĐND thành phố ban hành. Đặc biệt, cần chú trọng việc xin ý kiến chỉ đạo, lãnh đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy về các nội dung cơ chế, chính sách, quy định mới đề xuất ban hành nghị quyết; đẩy mạnh, đa dạng hóa hoạt động tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia đóng góp vào các chủ trương, cơ chế, chính sách mới của thành phố, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện sau khi ban hành.

Về kế hoạch xây dựng và ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch HĐND thành phố giao Ban Pháp chế HĐND thành phố, Sở Tư pháp là các cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các ban của HĐND thành phố, các sở, ngành, cơ quan chuyên môn của UBND thành phố tham mưu Thường trực HĐND thành phố hoàn thiện kế hoạch định hướng xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đối với nội dung kỳ họp chuyên đề tháng 3-2022, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn giao Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố phối hợp Văn phòng UBND thành phố rà soát, thống nhất nội dung tham mưu UBND thành phố gửi Thường trực HĐND thành phố về các nội dung dự kiến trình tại kỳ họp này, báo cáo Thường trực Thành ủy trước khi thống nhất ban hành thông báo về nội dung, thời gian tổ chức kỳ họp.

 Hà Vũ - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sẵn sàng bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine trong trường hợp cần thiết

Ngày 23-2, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về diễn biến tình hình ở Ukraine hiện nay và công tác bảo hộ công dân Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến căng thẳng gần đây xung quanh tình hình Ukraine và kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường nỗ lực đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết hòa bình các bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên toàn thế giới.