Truy xuất tận cùng, công khai cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

13/08/2018 11:00

Kinhte&Xahoi Tính trên cả nước, qua thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) từ đầu năm đến nay, có tới 20% số cơ sở bị phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng đã xử phạt hơn 35 tỷ đồng.

An toàn thực phẩm vẫn nhiều bất an

6 tháng đầu năm nay, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 351.128 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, qua đó phát hiện 68.362 cơ sở vi phạm ATTP, chiếm 19,47%. Cơ quan chức năng đã xử lý 15.707 cơ sở (chiếm 22,98% số cơ sở vi phạm), trong đó, phạt tiền 13.017 cơ sở với số tiền hơn 35 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất thực phẩm ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội

Tính riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố đã tổ chức 778 đoàn thanh tra, kiểm tra 70.258 lượt cơ sở, trong đó có 57.803 lượt cơ sở đạt tiêu chuẩn ATTP. Qua kiểm tra, đã xử phạt vi phạm hành chính 4.801 cơ sở với hơn 17,3 tỷ đồng, tiêu hủy sản phẩm của hàng trăm cơ sở.

Có thể thấy, không chỉ người tiêu dùng mà ngay cả nhiều lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP cũng phải thừa nhận, dù đã có rất nhiều giải pháp, các cơ quan đã vào cuộc rất quyết liệt trong những năm gần đây, nhưng tình trạng mất ATTP vẫn phổ biến, ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra, thực trạng ATTP vẫn nhiều bất an.

Ông Ngô Đình Loát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm nay, Thanh tra Sở và thanh tra các Chi cục của Sở NN&PTNT thành phố đã xử phạt hàng trăm tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP với số tiền phạt hơn 600 triệu đồng. Trong đó, phát hiện khá nhiều trường hợp gian lận thương mại hoặc mua bán hàng thực phẩm quá “đát”, không có nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra còn tịch thu, tiêu hủy nhiều sản phẩm hàng giả, hàng nhái… Dù vậy, số bị xử phạt mới chỉ là “phần nổi”, số cơ sở có vi phạm trong thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều.

Thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện cơ sở vi phạm

Vậy khó khăn gì trong công tác quản lý, kiểm soát ATTP khiến số cơ sở vi phạm vẫn gia tăng? Ông Ngô Đình Loát thẳng thắn chỉ ra, một trong những khó khăn lớn là bộ máy con người để thực hiện công tác đang rất thiếu và yếu. Chẳng hạn với các mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp, mặc dù Hà Nội là đô thị lớn nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều và chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Đặc biệt, theo Nghị định 15 của Chính phủ vừa có hiệu lực từ tháng 2 năm nay, đối tượng cơ sở sản xuất kinh doanh không phải cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP rất lớn.

Theo phân công, thẩm quyền quản lý các cơ sở quy mô sản xuất nhỏ lẻ thuộc cấp xã là chính. Trong khi đó, con người chuyên trách ATTP tại cấp xã lại chưa được bố trí. Cũng theo quy định, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chỉ cần ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm, thế nhưng việc ký cam kết rất dễ, còn giám sát và kiểm tra thực hiện sau khi ký cam kết lại rất khó.

Một trong những khó khăn khác được nhiều người nêu ra là theo quy định hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra ATTP phải báo trước và phải được chấp thuận của chủ doanh nghiệp, rất khó kiểm tra đột xuất. Vậy chất lượng thanh tra, kiểm tra có bị ảnh hưởng. Liệu những cuộc kiểm tra này có phản ánh đúng thực chất việc thực hiện quy định ATTP của cơ sở?

Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng ngoài việc thực hiện kiểm tra theo định kỳ sẽ thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện những cơ sở có dấu hiệu phản ánh, hoặc chỉ đạo của cấp trên.

“Bình thường, chúng tôi trực tiếp kiểm tra định kỳ, trung bình mỗi năm không quá 1 lần với 1 cơ sở, đúng theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ sở có dấu hiệu vi phạm hoặc có chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi vẫn đi kiểm tra đột xuất và số lần thanh kiểm tra đột xuất trong năm là không khống chế” - ông Trần Văn Chung nói. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết thêm, năm 2017, Hà Nội là một trong những tỉnh thành có tỷ lệ thanh tra, kiểm tra ATTP cũng như xử phạt vi phạm về ATTP cao trên toàn quốc, với tổng số tiền xử phạt lên tới trên 38 tỷ đồng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018 này, Hà Nội cũng đã xử phạt vi phạm về ATTP trên 17 tỷ đồng.

Dù vậy, từ thực tế cho thấy, đúng là công tác thanh tra, kiểm tra cũng như truy xuất nguồn gốc thực phẩm cần phải được tăng cường hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, phải truy xuất đến tận cùng các cơ sở có sản phẩm vi phạm. Đồng thời, sẽ công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người tiêu dùng. 

Số bị xử phạt mới là “phần nổi”, cơ sở có vi phạm cao hơn nhiều

“6 tháng đầu năm nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và thanh tra các Chi cục của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố đã xử phạt hàng trăm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm với số tiền phạt hơn 600 triệu đồng. Trong đó, phát hiện khá nhiều trường hợp gian lận thương mại hoặc mua bán hàng thực phẩm quá “đát”, không có nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra còn tịch thu, tiêu hủy nhiều sản phẩm hàng giả, hàng nhái… Dù vậy, số bị xử phạt mới chỉ là “phần nổi”, số cơ sở có vi phạm trong thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều”.

Ông Ngô Đình Loát (Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội)

Thanh tra, kiểm tra đột xuất không khống chế

“Bình thường, chúng tôi trực tiếp kiểm tra định kỳ, trung bình mỗi năm không quá 1 lần với 1 cơ sở, đúng theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu cơ sở có dấu hiệu vi phạm hoặc có chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi vẫn đi kiểm tra đột xuất và số lần thanh tra, kiểm tra đột xuất trong năm là không khống chế”. 

Ông Trần Văn Chung (Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) 

 

6 tháng đầu năm 2018 qua những con số: 

351.128 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cả nước bị thanh tra, kiểm tra. 

68.362 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm (chiếm 19,47%). 

15.707 cơ sở bị cơ quan chức năng xử lý (chiếm 22,98% số cơ sở vi phạm). 

13.017 cơ sở bị phạt tiền hơn 35 tỷ đồng. 

 

Theo Anninhthudo.vn/hoanhap.vn

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những ngành nghề sẽ biến mất vì 4.0 và Blockchain

Blockchain là một công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu không đòi hỏi trung gian xác nhận thông tin. Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Đây là một hệ thống bảo mật an toàn cao trước khả năng bị đánh cắp dữ liệu. Với cuộc cách mạng 4.0 và công nghệ Blockchain, một số những ngành nghề có nguy cơ "tuyệt chủng".