Thu gom rác thải trong khu phong tỏa ở Hà Nội
Luật Bảo vệ môi trường 2020 thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2014. Luật có một số điểm mới mà người dân cần lưu ý.
Điểm mới thứ nhất, không phân loại rác thải có thể từ chối thu gom (khoản 2 Điều 77).
Cụ thể, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định.
(Trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo điểm c khoản 1 Điều 75).
Điểm mới thứ hai là giá thu gom rác sinh hoạt được tính theo khối lượng/thể tích (khoản 1 Điều 79).
Theo đó, một trong những căn cứ để tính toán giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân là dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
Nghĩa là, khối lượng rác càng nhiều thì số tiền phải bỏ ra cho hoạt động thu gom càng lớn.
Cùng với đó, Luật cũng bổ sung đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Điều 29)
Cụ thể, đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường là dự án đầu tư nhóm I.
Trong đó, dự án đầu tư nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao được quy định tại khoản 3 Điều 28.
Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định về Giấy phép bảo vệ môi trường
Theo Luật mới, nội dung về Giấy phép môi trường được quy định từ Điều 39 đến Điều 49. Cụ thể, có 3 nhóm quy định thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường.
Ngoài ra, còn các vấn đề về: nội dung giấy phép môi trường; thẩm quyền cấp giấy phép; căn cứ và thời điểm cấp giấy phép; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép; cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường; quyền, nghĩa vụ của chủ dự án được cấp giấy phép môi trường; trách nhiệm của các cơ quan cấp giấy phép môi trường…
|
Hoa Thành - TTTĐ