UBND tỉnh Long An có nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất xây dựng nhà máy điện mặt trời

27/12/2023 15:39

Kinhte&Xahoi Việc UBND tỉnh Long An tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng 124,84 ha đất có nguồn gốc đất, rừng sản xuất vào mục đích đất công trình năng lượng là vi phạm quy định…

Tự ý chuyển đổi khi Chính phủ chưa cho phép

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cũng ban hành Phụ lục với Thông báo Kết luận thanh tra tại tỉnh Long An.

Dự án điện mặt trời GAIA. (Ảnh: www.vengy.vn)

Theo đó, về quản lý, sử dụng đất để đầu tư cây dựng các nhà máy điện mặt trời, mặc dù Thủ tướng Chính phủ chưa chấp thuận chủ trương cho UBND tỉnh Long An chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng sản xuất đối với 124,84 ha sang mục đích đất công trình năng lượng, nhưng Tổng cục Lâm nghiệp đã hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng 124,84 ha đất có nguồn gốc đất, rừng sản xuất vào mục đích đất công trình năng lượng.

Việc UBND tỉnh Long An tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng 124,84 ha đất có nguồn gốc đất, rừng sản xuất vào mục đích đất công trình năng lượng là vi phạm quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: “Trách nhiệm thuộc về Tổng cục Lâm nghiệp và UBND tỉnh Long An”.

Về việc cho thuê đất quá hạn mức, Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh trách nhiệm thuộc về Bộ Công thương đã phê duyệt diện tích sử dụng đất đối với một số dự án tăng sai so với mức quy định, với tổng diện tích là 9,76 ha (Nhà máy điện mặt trời TTC – Đức Huệ 1 tăng sai 9,76 ha, Nhà máy điện mặt trời BCG – Băng Dương tăng sai 0,6 ha, Nhà máy điện mặt trời GAIA tăng sai 4,2 ha).

Trong việc cho thuê đất, UBND tỉnh Long An đã cho các chủ đầu tư thuê đất để đầu tư xây dựng các nhà máy điện mặt trời vượt quá hạn mức quy định, với tổng diện tích 11,05 ha, gồm: CTCP điện TTC – Đức Huệ Long An thuê vượt 9,76 ha, CTCP Năng lượng BCG – Băng Dương thuê vượt 1,29 ha, vi phạm quy định tại Thông tư 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 của Bộ Công thương, trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Long An và các sở ngành có liên quan.

Liên quan đến việc khởi công dự án khi chưa được thuê đất, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc các Chủ đầu tư khởi công xây dựng dự án khi chưa được UBND tỉnh Long An cho thuê đất là vi phạm một trong những hành vi bị cấm quy định tại Luật Đất đai năm 2013, trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Long An, các sở ngành có liên quan và các chủ đầu tư dự án.

Cụ thể, đó là các doanh nghiệp gồm: CTCP năng lượng Hanwha – BCG Băng Dương – Nhà máy điện mặt trời GAIA khởi công xây dựng trên 124,8 ha đất rừng sản xuất; Công ty TNHH Hoàn Cầu Long An – Nhà máy điện mặt trời Solar Park 01 khởi công xây dựng trên diện tích 52,53 ha đất rừng sản xuất; CTCP VIETNAMSOLAR – Nhà máy điện mặt trời Solar Park 02 khởi công xây dựng trên diện tích 50,3 ha đất; CTCP Long An Solar Park – Nhà máy điện mặt trời Solar Park 03 khởi công xây dựng trên diện tích 48,3 ha đất, CTCP Solar Energy LA- Nhà máy điện mặt trời Solar Park 04 khởi công xây dựng trên diện tích 49,5 ha đất; CTCP điện mặt trời Europlast Long An – Nhà máy điện mặt trời Europlast Long An khởi công xây dựng trên diện tích 58,66 ha đất.

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, những khuyết điểm, vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai để thực hiện đầu tư xây dựng các dự án năng lượng nêu trên, trách nhiệm quản lý thuộc về UBND tỉnh Long An, UBND huyện Đức Huệ, UBND các xã: Bình Hòa Nam, Mỹ Thạnh Bắc, UBND huyện Thạnh Hóa, UBND xã THạnh An.

Đáng chú ý, về điều kiện khởi công dự án, tại tỉnh Long An, có đến 4/8 dự án điện mặt trời, các chủ đầu tư đã vi phạm về điều kiện khởi công xây dựng công trình như: Khởi công dự án khi thiết kế bản vẽ thi công chưa được phê duyệt, mặt bằng xây dựng chưa được bàn giao là vi phạm Luật Xây dựng năm 2014.

Trong quá trình thực hiện đầu tư dự án (từ ngày khởi công đến ngày vận hành thương mại), hầu hết các chủ đầu tư dự án đã khắc phục các vi phạm này, tuy nhiên có ảnh hưởng đến tiến độ thi công để đạt ngày vận hành thương mại trước các mốc thời gian ngày 1/7/2019, ngày 1/1/2021 để được cơ chế khuyến khích giá điện cố định trong 20 năm. Trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư dự án, UBND các tỉnh có liên quan.

Rà soát, xem xét lại việc việc hưởng cơ chế khuyến khích

Liên quan đến việc kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư trước khi đưa công trình vào sử dụng và công nhận ngày vận hành thương mại (COD), qua kiểm tra 8 dự án điện mặt trời cho thấy, các 8 dự án đã được đưa vào sử dụng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư, là vi ohạm quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và Luật Xây dựng.

Đối với Nhà máy điện mặt trời GAIA do CTCP năng lượng Hanwha – BCG Băng Dương là chủ đầu tư, đến ngày vận hành thương mại (17/9/2020) và đến thời điểm thanh tra (tháng 6/2022) vẫn chưa có Biên bản chấp thuận nghiệm thu PCCC, vi phạm Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.

Việc Công ty Mua bán điện công nhận ngày vận hành thương mại và mua điện của 8 nhà máy điện mặt trời nêu trên với giá cố định trong 20 năm khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư là vi phạm quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 và Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 của Bộ Công thương.

Bên cạnh đó, Công ty Mua bán điện công nhận ngày vận hành thương mại đối với cả 8/8 nhà máy điện mặt trời và mua điện của các nhà máy có vi phạm quy định về pháp luật về nghiệm thu công trình, nhưng được hưởng giá điện cố định trong 20 năm và được ưu tiên mua hết sản lượng điện từ các nhà máy điện là vi phạm Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ những khuyết điểm trên, vi phạm nêu trên nên việc mua bán điện theo giá cố định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là chưa đủ cơ sở pháp luật, trách nhiệm thuộc về Công ty mua bán điện, EVN và các chủ đầu tư dự án.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, Nhà máy điện mặt trời TTC Đức Huệ 1 đã được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo ra văn bản 1069 ngày 26/6/2019 thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng (trước ngày 30/6/2019 là thời điểm Quyết định 11/2017/QĐ-TTg hết hiệu lực áp dụng).

Vì vây, 7/8 nhà máy đã được đưa vào vận hành thương mại khi chưa được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hoặc Sở Công thương kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư theo các quy định pháp luật nêu trên cần phải được rà soát, xem xét việc hưởng cơ chế khuyến khích.

Xử lý trách nhiệm tại Bộ Công thương liên quan đến phê duyệt sai định mức 14,56 ha đất

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh Long An thực hiện các biện pháp xử lý.

Cụ thể, đối với UBND tỉnh Long An, kiến nghị chủ trì, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận Thanh tra.

Đối với Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chủ trì, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận Thanh tra, trong đó có việc phê duyệt sai định mức 14,56 ha đất để đầy tư xây dựng các dự án năng lượng tại tỉnh Long An, nêu tại Kết luận thanh tra (Cụ thể: CTCP điện TTC – Đứa Huệ Long An, tăng sai 9,76 ha; CTCP Năng lượng BCG – Băng Dương, tăng sai 0,6 ha; CTCP năng lượng Hanwha – BCG Băng Dương, tăng sai 4,2 ha).

Đối với Bộ NN&PTNT, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với Tổng cục Lâm nghiệp trong việc hướng dẫn đấu giá cho thuê quyền sử dụng 124,8 ha đất, rừng sản xuất khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất đối với dự án năng lượng tại tỉnh Long An.

Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Long An, các cơ quan chuyện môn thuộc UBND tỉnh xem xét, xử lý việc thu hồi diện tích đất cho thuê vượt định mức quy định, tăng sai 11,05 ha (Cụ thể: CTCP điện TTC – Đức Huệ Long An tăng sai 9,76 ha; CTCP Năng lượng BCG – Băng Dương tăng sai 1,29ha).

Dự án nhiệt điện LNG Long An I và Long An II nhiều khuyết điểm

Cũng theo Kết luận Thanh tra Chính phủ, trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn địa điểm xây dựng dự án Nhiệt điện khí LNG Long An I và Long An II có khuyết điểm, vi phạm trong việc bảo đảm thực hiện dự án đầu tư. Cụ thể, Công ty VinaCapital GS Energy Pte.Ltd chưa thực hiện ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án với tỷ lệ 1% trên vốn đầu tư quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP với số tiền khaongr 726,507 tỷ đồng là thực hiện chưa đúng quy định tại Luật đầu tư năm 2020, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP. Trách nhiệm thuộc về Chủ đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, UBND tỉnh Long An.

Về địa điểm xây dựng nhà máy, UBND tỉnh Long An phê duyệt địa điểm xây dựng Nhà mày nhiệt điện LNG Long An I và Long An II tại Khu dịch vụ công nghiệp Đông Nam Á Long An không có chức năng sản xuất công nghiệp, UBND tỉnh Long An điều chỉnh phân khu chức năng vào quy hoạch phát triển KCN khi chưa báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét là chưa thực hiện đúng quy định. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Long An và các Sở, ngành có liên quan.

Về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Long An tổ chức kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, cập nhật vị trí Nhà máy điện LNG Long An I và Long An II vào Quy hoạch KCN Đông Nam Á; Thựchiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của Pháp luật; Trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và chấp thuận bổ sung chức năng khu công nghiệp tại Khu dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á Long An, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

UBND tỉnh Long An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Nhà đầu tư thực hiện ngay việc bảo đảm đầu tư theo quy định pháp luật, tránh rủi ro trong quá trình đầu tư dự án Nhà máy điện LNG Long An I và Long An II. 

...Còn tiếp

 Lê Hải - Nhã Vân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Năm 2024, nguồn cung lương thực toàn cầu sẽ bị thắt chặt

Giá lương thực cao trong những năm gần đây đã thúc đẩy nông dân trên toàn thế giới trồng thêm ngũ cốc và hạt có dầu, nhưng người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với nguồn cung thắt chặt hơn vào năm 2024, trong bối cảnh thời tiết El Nino bất lợi, hạn chế xuất khẩu và yêu cầu về nhiên liệu sinh học cao hơn.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/ubnd-tinh-long-an-co-nhieu-vi-pham-trong-quan-ly-su-dung-dat-xay-dung-nha-may-dien-mat-troi-d202591.html