UKVFTA có hiệu lực chính thức từ 1/5/2021: Doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng ưu đãi?

04/05/2021 07:34

Kinhte&Xahoi Dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh trong quý II/2021 và cả năm 2021 sẽ tăng trưởng mạnh, nhất là khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực đầy đủ từ ngày 1/5/2021 và sau khi Chính phủ Anh nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng chống Covid-19 để tái mở cửa nền kinh tế.

Cơ hội “khủng” cho nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, lợi ích thương mại của UKVFTA đối với Việt Nam là rất lớn. Nhờ UKVFTA, hầu hết các sản phẩm Việt Nam được Anh miễn thuế nhập khẩu ngay lập tức hoặc theo lộ trình giảm thuế khá nhanh (1 năm, 3 năm, 5 năm, 7 năm hoặc 8 năm).

Các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu không hạn ngạch ngay lập tức gồm: Cà phê, chôm chôm, xoài, vải nhãn, thanh long, dừa... Các sản phẩm tôm, cá ngừ, cá xay, gạo thơm, tinh bột sắn và một số nông sản khác cũng được miễn thuế theo hạn ngạch. Các sản phẩm công nghiệp được miễn thuế ngay gồm: Túi xách, ví, cặp, vali, giày bảo hộ và giày thể thao, hàng dệt may.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh minh họa)

Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái, dù UKVFTA mới chỉ được áp dụng tạm thời từ ngày 1/1/2021. Dự báo xuất khẩu trong quý II/2021 và cả năm 2021 sẽ tiếp tục tăng, nhất là sau khi UKVFTA có hiệu lực đầy đủ từ ngày 1/5/2021 và sau khi Chính phủ Anh nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng chống Covid-19 để tái mở cửa nền kinh tế.

UKVFTA cũng tạo cơ hội cho những mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam như: Đồ gỗ, sản phẩm dệt may, sản phẩm cao su, gạo, giày dép… Dung lượng thị trường nhập khẩu hơn 700 tỷ USD hàng hóa của Anh quốc còn nhiều dư địa để các DN Việt Nam tiếp cận và khai thác.

Không những thế, UKVFTA còn tạo lập lợi thế cạnh tranh cho nhiều sản phẩm Việt Nam như đã nêu với các sản phẩm cùng loại đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Brazil… Đây là các quốc gia có năng lực sản xuất và thương mại rất mạnh nhưng họ chưa kịp có Hiệp định Thương mại tự do với Anh.

Những DN Việt Nam đã thiết lập được quan hệ bạn hàng vững chắc tại Anh và có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng của EU hoặc của Anh, sẽ có khả năng tận dụng lợi thế cạnh tranh nhờ UKVFTA nhanh hơn các DN mới để gia tăng thị phần. Các nhà nhập khẩu Anh đã có sẵn nhà cung cấp Việt Nam cũng sẽ tăng tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Bộ Công Thương khuyến cáo, các DN nên tra cứu Biểu thuế nhập khẩu của Anh (UKGT) trên đường link https://www.gov.uk/guidance/tariffs-on-goods-imported-into-the-uk để xác định xem sản phẩm của mình có được miễn thuế nhập khẩu vào Anh hay không, và đánh giá mức độ cạnh tranh của mình so với các đối thủ đến từ các nước khác.

Doanh nghiệp Việt làm gì để tận dụng ưu đãi?

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường khuyến nghị, để thụ hưởng và tận dụng được các ưu đãi từ UKVFTA, các DN phải đáp ứng được yêu cầu chất lượng và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn EU hoặc tiêu chuẩn UK. DN Việt Nam còn có thể học hỏi từ chính đối thủ cạnh tranh của mình thông qua các website của họ hoặc thông qua các nền tảng thương mại điện tử lớn như www.amazon.co.uk, www.alibaba.com.

“DN Việt Nam dù có sản phẩm tốt nhưng nếu không có website chuyên nghiệp bằng tiếng Anh sẽ không có cơ hội tiếp cận các nhà nhập khẩu Anh. Bên cạnh đó, việc tham dự các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành để giới thiệu sản phẩm mẫu cũng là một phương thức tiếp cận khách hàng hiệu quả” - ông Nguyễn Cảnh Cường khẳng định.

Hiệp định UKVFTA có hiệu lực tạm thời từ ngày 1/1/2021 và có hiệu lực đầy đủ từ ngày 1/5/2021

Vị Tham tán tại Anh cũng cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin truyền thông hiện đại càng trở nên quan trọng. Do đó, nếu không có khả năng tham gia các cuộc họp trực tuyến bằng tiếng Anh một cách chuyên nghiệp, DN Việt Nam sẽ để lỡ nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Anh.

DN có thể tìm kiếm các công ty thương mại hoặc nhà phân phối cho sản phẩm của mình trên các trang danh bạ như www.ukdirectory.co.uk hoặc www.esources.co.uk. Trong các giao dịch thư điện tử, DN không nên dùng dịch vụ email miễn phí như: Gmail, yahoo, Hotmail mà phải sử dụng email chính thống của DN có địa chỉ và số điện thoại đăng ký như trên website để khách hàng kiểm tra và liên hệ.

Hiện nay, các siêu thị và tập đoàn bán lẻ lớn của Anh quốc có xu hướng đặt hàng trực tiếp của nhà sản suất uy tín để đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm sự sáng tạo, cũng như để kiểm soát tốt hơn nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Các DN Việt Nam có thể đăng ký để trở thành nhà cung cấp cho các siêu thị lớn của Anh quốc thông qua hướng dẫn trên website của họ.

Vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Anh đã cùng 4 chuyên gia thị trường sở tại biên soạn một cuốn sách điện tử ‘'Thị trường Anh: Những điều cần biết'’. DN quan tâm đến thị trường Anh có thể download miễn phí trên link https://vnuk.vn/. Trong thời gian tới, Thương vụ sẽ tích cực tiếp cận các nhà nhập khẩu sở tại để quảng bá sản phẩm Việt Nam và hỗ trợ các DN Việt Nam có uy tín tiếp cận thị trường Anh.

Ánh Ngọc - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

EU kết thúc hành trình dài Brexit

Nghị viện châu Âu (EP) hôm 28/4 đã bỏ phiếu thông qua Thỏa thuận hợp tác & thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) hậu Brexit, đánh dấu sự chấp thuận cuối cùng của Brussels cho thỏa thuận rời khỏi liên minh của London

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/ukvfta-co-hieu-luc-day-du-tu-152021-doanh-nghiep-can-lam-gi-de-tan-dung-uu-dai-417696.html