Vận tải công cộng: Chú trọng quy định phòng dịch

06/05/2020 17:27

Kinhte&Xahoi Ngay sau khi được phép hoạt động trở lại với 100% công suất, các đơn vị cung cấp dịch vụ xe buýt, tàu hỏa, taxi của Hà Nội đều rất chú trọng công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong khi đó, hành khách đi tàu, xe cũng đã có ý thức hơn trong việc chủ động phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Toàn bộ xe buýt được khử khuẩn

Sáng sớm ngày 5-5, anh Tạ Thăng Long, lái xe tuyến 03 (Bến xe Giáp Bát - Bến xe Gia Lâm) của Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội đưa xe buýt mang biển kiểm soát 29B-194.47 đã được lau dọn sạch sẽ và bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch ra tuyến phục vụ hành khách. Từ tối muộn hôm trước, sau khi hết ca làm việc, xe được đội ngũ nhân viên chuyên trách của xí nghiệp phun rửa và khử khuẩn toàn bộ theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế.

“Thời điểm rời cổng kiểm soát để ra tuyến, xe được kiểm tra xem đã trang bị đủ khẩu trang, nước sát khuẩn… chưa, nếu thiếu, lái xe sẽ được nhắc nhở và yêu cầu bổ sung ngay”, anh Tạ Thăng Long cho biết.

Thực tế, toàn bộ 276 xe của Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội cũng như hàng nghìn xe của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) hoạt động trong giai đoạn này đều phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. Chánh Văn phòng Transerco Đoàn Anh Ngọc cho biết, ngoài vệ sinh và khử khuẩn toàn bộ xe, những ghế trống để bảo đảm giãn cách còn được dán thông báo khuyến cáo hành khách không ngồi. Mỗi xe chỉ vận chuyển tối đa 30 người (gồm cả lái xe, nhân viên bán vé) hoặc không quá 50% sức chứa của phương tiện.   

Theo thống kê, sau khi được phép hoạt động trở lại với 100% công suất kể từ ngày 4-5, mỗi ngày, Transerco đã vận hành 10.102 lượt xe trên 77 tuyến và nhánh tuyến. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong ngày 5-5 cho thấy, lượng khách trên các tuyến buýt đều dao động ở mức 15-20 hành khách/xe. Vào khung giờ cao điểm buổi sáng và cuối buổi chiều, lượng khách trên xe cũng chỉ có gần 30 hành khách. Trong khi đó, tại các nhà chờ, điểm dừng cũng không còn cảnh đông người tập trung chờ xe như những ngày trước (khi xe chỉ được hoạt động ở mức 20-30% công suất).   

Đánh giá rất cao việc thành phố cho phép xe buýt hoạt động với 100% công suất, ông Nguyễn Văn Tuấn - người thường xuyên đi xe buýt - ở ngõ 191 phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, xe chạy liên tục nên dù vẫn bị khống chế số lượng hành khách vận chuyển và thực hiện giãn cách trên xe nhưng hành khách không còn phải chờ đợi quá lâu. Quan trọng nhất là việc phòng, chống dịch Covid-19 trên các phương tiện công cộng đã trở thành ý thức của nhân viên lái, phụ xe cũng như hành khách. Mọi người đều chủ động chấp hành một cách nghiêm túc, đeo khẩu trang trong suốt hành trình.

Tương tự, các đơn vị cung cấp dịch vụ xe buýt khác cũng đều thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế đối với vận tải hành khách công cộng. Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, ngoài lực lượng giám sát của các đơn vị, cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định phòng, chống dịch Covid-19 trên xe buýt.

Nghiêm túc khai báo y tế

Nghiêm túc chấp hành quy định phòng, chống dịch cũng là những hình ảnh phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận tại ga Hà Nội trong ngày 5-5.

Tại các khu vực như phòng đợi tàu, phòng bán vé đều bố trí nước rửa tay sát khuẩn. Đội ngũ nhân viên nhà ga hướng dẫn hành khách đeo khẩu trang đúng cách, giữ khoảng cách tối thiểu 1m... Trên một số chuyến tàu xuất phát trong ngày 5-5 như SE5 (Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh), NA1 (Hà Nội - Vinh)…, việc đo thân nhiệt, khai báo y tế đối với hành khách được các nhân viên ngành Đường sắt thực hiện nghiêm túc.

Theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, ngành Đường sắt đã cho hoạt động trở lại một số đôi tàu Bắc - Nam, tàu Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Yên Bái..., song lượng khách đi tàu vẫn còn ít. Tuy nhiên, không vì thế mà việc phòng, chống dịch cả trên tàu cũng như dưới ga lơi lỏng. Các toa xe được khử khuẩn thường xuyên. Tất cả hành khách đều được hướng dẫn khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt khi vào ga và khi ra khỏi ga...

Khi hành khách lên tàu và trong suốt hành trình, tiếp viên căn cứ số chỗ trống trên toa xe để bố trí, sắp xếp chỗ ngồi của hành khách, bảo đảm giãn cách ít nhất 1m. Đối với hành khách đi theo gia đình được bố trí ngồi các ghế liền nhau. Nhà tàu cũng bố trí đầy đủ xà phòng, nước rửa tay tại khu vực bồn rửa trên các toa xe.

Trong khi đó, với hoạt động vận tải hành khách bằng taxi, theo ghi nhận trong ngày 5-5, đại đa số lái xe taxi (cả taxi truyền thống và taxi công nghệ) và hành khách đều thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong suốt hành trình di chuyển; trên xe bố trí đầy đủ nước sát khuẩn. Tuy nhiên, việc hạ cửa kính thông gió tự nhiên để phòng, chống dịch như khuyến khích của cơ quan chức năng đang gặp khó khi thực hiện vào thời điểm ban ngày.

“Thời tiết trên địa bàn Thủ đô trong ngày 5-5 khá oi bức nên các hành khách khi lên xe đều yêu cầu lái xe bật điều hòa. Chúng tôi sẽ chủ động hạ kính khi thời tiết dịu mát hơn vào buổi tối”, anh Bùi Thành Vinh, lái xe biển kiểm soát 30A-626.11 của hãng taxi G7 chia sẻ.

Tin rằng, sự nghiêm túc thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trên các phương tiện vận tải công cộng của các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như sự tự giác của hành khách sẽ tạo nên những hành trình thông suốt, an toàn, góp phần không để dịch bệnh lây lan.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/966568/van-tai-cong-cong-chu-trong-quy-dinh-phong-dich?fbclid=IwAR3zFsvIWzn_5inImT-lzqxgaeYEX6xPclvn-hud4U5LP-5_NEyskF3zSSM