Vì sao dự án Làng Việt kiều quốc tế Hải Phòng gần 10 năm vẫn chỉ có tường bao?

24/08/2018 09:22

Kinhte&Xahoi Dự án Làng Việt kiều ở quận Lê Chân, TP.Hải Phòng được triển khai thực hiện từ năm 2009. Đến nay đã gần 10 năm, hiện tại, nó chỉ có tường bao. Kiểm toán Nhà nước thì yêu cầu UBND quận Lê Chân xem xét việc đền bù hơn 19 tỷ đồng sai quy định cho hạng mục cây cảnh. Thực chất vấn đề này như thế nào? Vì sao dự án Làng Việt kiều quốc tế Hải Phòng gần 10 năm vẫn chỉ có tường bao?

Giới thiệu hoành tráng...

Năm 2010, anh bạn tôi người Hải Phòng chính gốc, ở nước ngoài về thăm nhà, hồ hởi khoe: “Tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân có dự án Làng Việt kiều ổn lắm. Dự án được trình làng rất Tây, một khu đô thị đáng sống… Anh làm thủ tục mua căn biệt thự ở đó.”

Tôi mừng cho anh, vì về thăm cha mẹ lại có cơ hội báo hiếu và quan trọng hơn là chọn được dự án ưng ý để sau này về nước có không gian sống tốt. Bẵng đi vài năm, chúng tôi không gặp lại nhau. Tháng 5/2018, tôi nhận được thông tin: “Cô giúp anh tìm hiểu dự án Làng Việt kiều quốc tế ở Hải Phòng nhé. Đóng tiền mấy lần rồi, hứa hẹn… Tháng 4/2018, cha mẹ anh ra kiểm tra, vẫn là bãi đất trống, chỉ có tường bao…Thế mà cứ giục nộp tiền tiếp…”

Mô hình Làng Việt kiều được giới thiệu trên mạng.

Tôi bắt đầu quan tâm đến dự án này từ đó.

Tôi vào mạng, google tên: Dự án Làng Việt kiều quốc tế Hải Phòng, chỉ 0,70 giây đã cho khoảng 381.000 kết quả.

Tôi hoảng hốt với cơ man nào là quảng cáo về dự án, về giá tiền/m2 đất, căn hộ, căn biệt thự, về diện tích, về mô hình nhà, về chủ đầu, về tiện ích của dự án nhưng tuyệt nhiên không thấy thông tin tiến độ thực hiện dự án đến đâu? Dự án đã hoàn thiện giai đoạn nào? Chính vì điều này đã thôi thúc tôi tìm hiểu ngọn nguồn về dự án này.

Tốn khá nhiều thời gian tìm kiếm, tôi phát hiện ra một bài viết mang tính giới thiệu về dự án như thế này: Sáng 7/5/2010, tại TP.Hải Phòng diễn ra lễ khởi công Làng Việt kiều quốc tế. Dự án Làng Việt kiều quốc tế do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Anh làm chủ đầu tư. Địa chỉ của Công ty này là tầng 4 – Thai Land Building, phường Đông Hải 1, quận Hải An, TP.Hải Phòng.

Dự án nằm trên địa bàn phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng có diện tích 12ha; bao gồm 200 căn biệt thự và 60 căn liền kề, diện tích từ 112m2. Tổng mức đầu tư 403,966 tỷ đồng. Dự án gồm nhiều hạng mục quan trọng như: Trung tâm thương mại, nhà trẻ, trường học, các khu vui chơi giải trí và các khu công viên nghỉ dưỡng…

Phát biểu tại Lễ khởi công thực hiện dự án, lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng nhấn mạnh: “Công trình Làng Việt kiều quốc tế Hải Phòng có ý nghĩa quan trọng, đóng góp vào quá trình đô thị hoá, sự phát triển của TP.Hải Phòng, thành phố lớn thứ 3 trong cả nước. Đây cũng là một trong những dự án góp phần gắn kết bà con kiều bào ta ở nước ngoài với quê hương, từ đó, tạo điều kiện để kiều bào đóng góp, xây dựng đất nước quê hương…”.

… Đến thực hiện ở mức kinh dị


Nghe lời anh bạn nói, tôi đến thực địa dự án tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân thì mới biết, cha mẹ anh bức xúc là đúng. Dự án vẫn bãi đất trống, với cái tường bao được xây dựng sơ sài, biển báo cũng “sài sơ” ở mức kinh dị. Nó trái ngược với những quảng cáo bán biệt thự trên mạng, với giới thiệu của chủ đầu tư.

Theo một “lão nông”, gốc gác nhiều đời ở Vĩnh Niệm thì: “Chưa quy hoạch dự án, đất của dự án Làng Việt kiều là đất người dân địa phương được chính quyền phân cho trồng lúa và nuôi trồng thủy sản hay còn gọi là đất 03. Bỏ trống gần chục năm nay, phí hoài tài nguyên của Nhà nước lắm cô à! Tôi không hiểu lãnh đạo quận nghĩ gì mà để dự án này như vậy, ảnh hưởng đến hình ảnh của Đất Cảng với bà con Việt kiều quê hương.”

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, dự án này chưa thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng. Còn vướng 1 hộ gia đình chính sách, có 4.000 m2 đất chưa nhận tiền đền bù. Đó cũng có thể là lý do dự án chậm tiến độ.

Cũng theo tìm hiểu của PV thì chủ dự án đang xin điều chỉnh dự án. Hạ tầng chưa có gì ngoài cái tường bao đã ngả màu cùng thời gian, thế mà đã bán căn hộ, biệt thự như đúng rồi…

Thông tin còn “sốc” hơn: Kiểm toán Nhà nước yêu cầu UBND TP.Hải Phòng chỉ đạo Hội đồng thẩm định giá đất thành phố rà soát, xác định lại tiền thu sử dụng đất, thuê đất của dự án xây dựng Làng Việt kiều quốc tế; thực hiện thanh tra, kiểm tra làm rõ việc phê duyệt phương án đền bù GPMB của UBND quận Lê Chân. Trong đó, xác định tỷ lệ đền bù 100% giá trị cây cảnh có đảm bảo đúng quy định của thành phố hay không; thực tế việc nhận tiền của các hộ, báo cáo về Kiểm toán Nhà nước khu vực VI trước ngày 30/6. Trường hợp việc phê duyệt phương án đền bù của UBND quận Lê Chân không đúng quy định đề nghị UBND TP.Hải Phòng thực hiện giảm trừ tiền đền bù được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp; xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Phần đền bù cây cảnh không đúng quy định ở dự án Làng Việt kiều là hơn 19 tỷ đồng.

Tôi thắc mắc, như “lão nông” khẳng định, trước đây là đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, sao lại có tiền đền bù giải phóng mặt bằng là cây cảnh?

Bác “lão nông” bật mí: “Chẳng có gì lạ đâu, trước đó là đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản. Sau khi công bố quy hoạch dự án Làng Việt kiều, tôi thấy có cây cảnh trồng ở đất trồng lúa thật. Những cây cảnh này được mang tới, trồng một thời gian trước khi cán bộ quận đến kiểm kê tài sản trên đất của dự án.”

Qua tìm hiểu, PV phát hiện, 19 tỷ đồng chỉ là con số Kiểm toán Nhà nước kiểm kê 100 hộ thôi. Vậy kiểm kê, rà soát hết các hộ thì con số lên đến bao nhiêu? Hơn nữa, một phát hiện cũng rất bất ngờ, đáng lưu ý, người ký chuẩn y đền bù khi bắt đầu thực hiện dự án là Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng, ông Phạm Tiến Du-Phó Chủ tịch quận, giờ là đương kim Chủ tịch quận Lê Chân.

19 tỷ đồng và gần 10 năm dự án vẫn chỉ có tường bao là lỗi do ai? Lãnh đạo TP.Hải Phòng cần trả lời người dân Đất Cảng. Báo Thời Đại tiếp tục chuyển đến bạn đọc thông tin mới nhất của vụ việc này.

Theo Thoidai/KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Làn sóng “rút quân” khỏi Trung Quốc

Nguy cơ bị áp các mức thuế mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, cũng như xu hướng bảo hộ lan rộng trên toàn cầu, càng khiến triển vọng kinh doanh của nhiều nhà sản xuất trở nên ảm đạm hơn.