VICEM muốn bán dự án: Bộ Xây dựng "nhắc" không được làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước

10/08/2020 10:43

Kinhte&Xahoi Đây là thông tin Bộ Xây dựng báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình sắp xếp, xử lí một số lô đất do VICEM quản lí và sử dụng sau khi nhận được phản ánh của báo chí.

Trụ sở VICEM ở số 228, đường Lê Duẩn, Hà Nội. Ảnh Hải Lê

Được biết, cuối tháng 7/2020, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Thủ tướng liên quan đến tiến trình cổ phần hóa của nhiều đơn vị, trong đó có nội dung về việc sắp xếp, xử lí nhà, đất trước khi cổ phần hóa của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM).

VICEM là doanh nghiệp thuộc 100% sở hữu của Nhà nước, do Bộ Xây dựng làm đại diện. Với việc thực hiện cổ phần hoá trong năm 2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, VICEM phải có phương án sắp xếp lại, xử lí nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước mà doanh nghiệp này đang quản lí, sử dụng.

Bộ Công an điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại VICEM

Mới đây nhất, Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03 (Bộ Công an) cho biết, đơn vị đang điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) trong việc đầu tư dự án Khu dịch vụ tổng hợp 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội).

Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, C03 đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp có ý kiến chỉ đạo Thanh tra Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu gồm: Các văn bản, chủ trương, chỉ đạo của Bộ Xây dựng và tình trạng hiện nay của 2 dự án trên. Cùng với đó là các tài liệu về kết quả thanh tra, việc xử lý kết quả sau thanh tra (trong đó có vai trò cá nhân có liên quan) của Thanh tra Bộ Xây dựng đối với 2 dự án. 

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng có nêu vừa qua, báo chí đã phản ánh về phương án sắp xếp, xử lí do VICEM đề xuất đối với lô đất 10E6 Phạm Hùng; Dự án Khu tổng hợp tại ngõ 122 Vĩnh Tuy và Dự án thuộc Khu công nghiệp Đông Hồi.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng khẳng định các phương án do VICEM đề xuất đang trong quá trình xem xét của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chưa được phê duyệt.

Năm 2011, VICEM làm lễ phát lệnh khởi công dự án tại khu công nghiệp Đông Hồi với công suất sản phẩm là 400.000 m3/năm, tổng dự án đầu tư là 819 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án không được triển khai theo tiến độ

Dự án Nhà máy Kết cấu bê tông - Vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi

Đây là dự án thuộc Khu công nghiệp Đông Hồi (Nghệ An), VICEM được Bộ Xây dựng cho phép giữ lại tiếp tục quản lí, sử dụng để thực hiện dự án theo quyết định ngày 16/4/2018.

Đến tháng 5/2020, VICEM đã trình Bộ Xây dựng đề nghị điều chỉnh khu đất này sang hình thức "Chuyển nhượng dự án cho VICEM Hoàng Mai" để đảm bảo cho VICEM Hoàng Mai có địa điểm xây dựng Trạm nghiền xi măng tại Đông Hồi thuộc Dự án Xi măng Hoàng Mai 2.

Về lí do điều chỉnh, VICEM cho rằng, thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng đất không nung gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2014, VICEM đã tạm dừng thực hiện dự án. Đến ngày 25/8/2016, doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An về việc chuyển nhượng dự án cho VICEM Hoàng Mai, đơn vị thành viên của VICEM.

Xin lưu ý rằng, VICEM Hoàng Mai hiện đang là Công ty cổ phần, đại diện phần vốn Nhà nước do VICEM đang nắm giữ 70,96%, còn lại 29,04% là các cổ đông khác. Công ty có trụ sở chính tại Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An.

Trong khi đó, VICEM là doanh nghiệp thuộc 100% sở hữu của Nhà nước, do Bộ Xây dựng làm đại diện. Vậy, với việc VICEM đề nghị chuyển nhượng Dự án Nhà máy Kết cấu bê tông - Vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi cho VICEM Hoàng Mai đã thật sự "tỉnh táo". (Xem thêm: DNNN phải thực hiện đấu giá khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất). Bộ Xây dựng cũng như các cơ quan có liên quan cần cân nhắc kỹ, xem xét kỹ các phương án do VICEM trình trước khi phê duyệt tránh làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước!

Lô đất 10E6 Phạm Hùng thuộc Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM

Theo Bộ Xây dựng, phương án sắp xếp, xử lí nhà đất tại khu đất 10E6 Phạm Hùng đã được Bộ phê duyệt vào ngày 9/6/2015. Theo đó, VICEM được giữ lại, tiếp tục quản lí, sử dụng để thực hiện dự án.

Về phía VICEM, sau khi rà soát tổng thể, doanh nghiệp này nhận thấy việc tiếp tục bỏ vốn để thực hiện Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM, các chỉ tiêu tài chính thực sự không còn hiệu quả.

Dự án hơn 2.700 tỷ đồng nay chậm tiến độ, Vicem đề xuất bán dự án. Ảnh Hải Lê

Bên cạnh đó, theo phê duyệt trước đây, Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM ngoài chức năng là trụ sở điều hành, một phần còn lại sẽ được khai thác, kinh doanh mặt bằng cho thuê văn phòng.

Tuy nhiên, VICEM cần tập trung vào lĩnh vực chính là kinh doanh, sản xuất xi măng, còn phát triển bất động sản không thuộc thế mạnh của doanh nghiệp này.

Với những lí do trên, tháng 11/2019, VICEM đã đề xuất Bộ Xây dựng điều chỉnh sang hình thức "Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất" theo qui định của Chính phủ.

Dự án Khu Tổng hợp Vĩnh Tuy tại ngõ 122 Vĩnh Tuy

Đối với dự án này, theo quyết định ngày 16/5/2015 của Bộ Xây dựng, VICEM tiếp tục quản lí, sử dụng để triển khai dự án Khu Tổng hợp Vĩnh Tuy theo đúng qui định, phù hợp qui hoạch của TP Hà Nội.

Về phía VICEM, doanh nghiệp này đề xuất điều chỉnh từ hình thức "tiếp tục quản lí, sử dụng để triển khai dự án xây dựng Khu Tổng hợp Vĩnh Tuy" sang hình thức "Cho phép VICEM tiếp tục quản lí, sử dụng khu đất để đáp ứng hoạt động kinh doanh của VICEM".

Đề xuất của VICEM đã được Bộ Xây dựng đồng ý, đồng thời có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét. 

Lô đất tiếp theo có diện tích 52.083 m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh Hải Lê.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, việc thực hiện sắp xếp, xử lí đối với các cơ sở nhà đất do VICEM quản lí, sử dụng trước khi lập phương án cổ phần hóa là đúng trình tự, thủ tục qui định.

Về phương án đề xuất của VICEM đối với ba cơ sở nói trên, Bộ Xây dựng khẳng định các phương án này đang trong quá trình xem xét của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chưa được phê duyệt. 

Trong trường hợp "Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất" và "chuyển nhượng dự án" đối với lô đất 10E6 Phạm Hùng và Dự án Nhà máy thuộc Khu công nghiệp Đông Hồi được phê duyệt, Bộ Xây dựng nêu rõ VICEM có trách nhiệm thực hiện một cách công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản của nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

"Tạo sân chơi không bình đẳng"

Trao đổi với PV Pháp luật Plus về vấn đề doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá, đặc biệt việc sắp xếp, xử lí nhà, đất trước khi cổ phần hóa của VICEM, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng:

“Đất vàng của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá rất dễ bị lợi dụng, bị sự cấu kết của các nhóm lợi ích gây thất thoát tài sản nhà nước. Do đó, cần phải hết sức tỉnh táo khi xác định giá trị tài sản”.

“Ngoài ra, việc bán các khu đất vàng khi cổ phần hoá có nguy cơ tạo ra các sân chơi không bình đẳng”, Đại biểu Lê Thanh Vân cho biết thêm.

Trách nhiệm “kéo con tàu” khỏi lỗ - lãi

Tại những bài viết trước (tháng 6/2020), Pháp luật Plus đã thông tin rõ những tồn tại của VICEM khi được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nêu trong báo cáo được ban hành gần đây, nhiều đơn vị thuộc Vicem rơi vào tình trạng thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu; đề nghị Vicem kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân...

Ông Bùi Hồng Minh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV VICEM phát biểu trong buổi làm việc với Vicem Bút Sơn.

Trước câu hỏi của PV, liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu Vicem liên quan đến những tồn tại của Kết luận KTNN.

Bàn luận về nội dung này, Chánh văn phòng Vicem ông Hà Quang Hiện cho hay: "Ở góc độ người đứng đầu thì anh Minh (Bùi Hồng Minh) đang chỉ đạo khắc phục kết luận kiểm toán. 4 đơn vị từng thua lỗ thì đều có lợi nhuận cả rồi, các đơn vị mà giấy phép khai thác hết hạn thì đã có rồi, đã điều chỉnh rồi. Đối với các toà nhà, lô đất thì đã có các báo cáo, xin ý kiến để tìm phương án để xử lý. Bộ cũng có văn bản, Vicem cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị có hướng dẫn và báo cáo xin ý kiến Chính phủ. Với vai trò là người đứng đầu đã chỉ đạo quyết liệt để thực hiện Kết luận Kiểm toán".

Được biết, Đoàn kiểm tra của KTNN về việc thực hiện kết luận thanh tra tại Vicem đã kết thúc. Về nội dung này, Pháp luật Plus sẽ tiếp tục cập nhật. 

Như vậy có thể thấy, trách nhiệm của ông Bùi Hồng Minh - Chủ tịch HĐTV VICEM và những lãnh đạo VICEM liên quan đến những vi phạm được KTNN nêu rõ trong báo cáo mới đây là rất lớn. Vậy, ông Bùi Hồng Minh sẽ làm gì để "kéo con tàu VICEM" thoát khỏi những chuyện lỗ - lãi trước khi cổ phần hoá.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Vicem là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng. Sau cổ phần hoá, Vicem sẽ thuộc đơn vị khác quản lý.

Được biết ông Bùi Hồng Minh đang giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV VICEM; Tổng giám đốc VICEM đương nhiệm là ông Lê Nam Khánh;

Bộ trưởng Bộ Xây dựng đương nhiệm là ông Phạm Hồng Hà; Các Thứ trưởng gồm: Bùi Phạm Khánh; Nguyễn Đình Toàn; Lê Quang Hùng; Nguyễn Văn Sinh; Nguyễn Tường Văn.

 Nhã Vân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/vicem-muon-ban-du-an-bo-xay-dung-nhac-khong-duoc-lam-that-thoat-von-tai-san-cua-nha-nuoc-d131705.html