WHO cảnh báo về những biểu hiện mất cảnh giác của con người trước đại dịch (Ảnh: Reuters)
Theo số liệu thống kê, tổng số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu trong tuần qua có xu hướng giảm với tỷ lệ lần lượt 7 và 6% so với tuần trước. Đây cũng là xu hướng đã được ghi nhận kể từ tháng 8 vừa qua.
Nếu căn cứ vào xu hướng trên, thế giới dường như đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch. Đóng góp lớn nhất cho xu hướng tích cực này là chương trình tiêm chủng được đẩy mạnh trên toàn cầu.
Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan, các phòng chăm sóc đặc biệt và bệnh viện tại một số thành phố vẫn chật kín người cũng là thực tế trong 7 ngày qua.
Số ca mắc mới ở Singapore tăng 41% so với tuần trước đó. Số ca mắc mới Covid-19 trong 1 ngày của Hàn Quốc đã quay trở lại mốc hơn 2.000 ca và tiếp tục vượt mốc này trong 3 ngày liên tiếp từ ngày 6 - 8/10.
Khi hầu hết các khu vực đều ghi nhận số ca mắc mới giảm trong 7 ngày qua thì Châu Âu và Châu Đại Dương lại tăng lần lượt là 9% và 14%.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Châu Âu cảnh báo trong 2 tháng tới, các quốc gia khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể số ca mắc Covid-19, số ca nhập viện và tỷ lệ tử vong do sự lây lan virus SARS-CoV-2 tại đây rất cao.
Tại Châu Âu, Nga tiếp tục là nước có số người tử vong vì Covid-19 cao nhất châu lục này. Trong 7 ngày qua, Nga liên tiếp xác lập dấu mốc mới với hơn 900 ca tử vong/ngày.
Những diễn biến phức tạp này khiến WHO phải một lần nữa lên tiếng cảnh báo về những biểu hiện mất cảnh giác của con người trước đại dịch, khi mà có nhiều quan điểm cho rằng cuộc chiến chống Covid-19 sắp đi tới hồi kết.
Đại diện WHO cũng kêu gọi chống những thông tin giả và sai lệch đang lan tràn trên mạng Internet về dịch bệnh, nhấn mạnh thông tin sai lệch khiến đại dịch Covid-19 kéo dài.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thì tuyên bố bất bình đẳng về vắc-xin đang hỗ trợ và tiếp tay cho đại dịch Covid-19 khiến các biến thể sinh sôi và phát tán, làm tăng thêm hàng triệu ca tử vong trên thế giới và kéo dài suy giảm kinh tế, vốn có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.
Hồi đầu năm nay, WHO đã đặt mục tiêu đến cuối tháng 9/2021, mỗi nước trên thế giới tiêm chủng cho 10% dân số. Tuy nhiên, vẫn còn 56 nước trên thế giới không đạt được mục tiêu này. Đa số vắc-xin được sử dụng lại chủ yếu tập trung ở các nước phát triển. Trong nhóm nước giàu, nhiều nơi đã tiêm ít nhất một mũi cho 70 - 80%, thậm chí vượt 90% dân số. Trong khi đó, các nước có thu nhập thấp tiếp nhận chưa tới 0,5% lượng vắc-xin của thế giới.
Tuệ Uyên - TTTĐ