Xã Dục Tú, Hà Nội: Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn gây bức xúc

12/07/2019 15:02

Kinhte&Xahoi Người dân thôn Lý Nhân, xã Dục Tú, Hà Nội hiện phản đối quyết liệt với chủ trương xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tại đây bởi lo sợ những hệ lụy đang thấy trước mắt.

Khu đất I13 (đồng Chằm) rộng gần 6.000 m2 thuộc thôn Lý Nhân, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, TP Hà Nội là khu đất nông nghiệp, trũng, khó giao, sản xuất kém hiệu quả. Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khu đất được các cấp chính quyền ở đây cho ông Hoàng Văn Chì thuê kinh doanh dịch vụ sản xuất công nghiệp và trồng cây, nuôi cá.

Cánh đồng Khu I13, thôn Lý Nhân, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, TP Hà Nội đã tràn ngập rác bê tông mặc dù chưa có dự án xử lý chất thải rắn xây dựng nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nay theo quy hoạch hiện hành tại Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 05/01/2015 của UBND TP Hà Nội, khu đất có chức năng dự kiến là đất cây xanh đô thị. Trước việc sử dụng đất hiện hành không còn phù hợp với quy hoạch và không mang tính ổn định lâu dài, hết hạn hợp đồng thuê đất, ông Hoàng Văn Chì cùng một số người khác thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bông Sen Việt để lập Dự án đề nghị được sử dụng khu đất nói trên làm công viên cây xanh và dịch vụ công cộng.

Dự án đã được UBND xã Dục Tú chấp thuận và đồng ý tại Văn bản số 172/CV-UBND ngày 25/10/2017 của cấp chính quyền này và đăng ký bổ sung công ty nói trên vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan để thực hiện quy trình về lập dự án theo luật định.

Đây cũng phù hợp với Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 với mục tiêu: “Kiểm soát phát triển các làng xóm hiện hữu, xây dựng một số công trình công cộng ở quy mô nhỏ, thấp tầng gắn với đặc trưng sinh thái cây xanh và mặt nước Cổ Loa, sông Thiếp, đầm Vân Trì...”.

Trong thời gian nói trên, tại Văn bản số 1033/TB-UBND ngày 01/9/2017, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên lại thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội “thống nhất về chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý tái chế chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ cao tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh theo hình thức xã hội hóa” và đồng ý về nguyên tắc cho Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương “nghiên cứu, đề xuất Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tái chế chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ cao” tại đây.

Mặc dù cũng tại Thông báo nói trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương sử dụng công nghệ mới nhất, tiên tiến của thế giới và ngoài nhiệm vụ tái chế chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ cao, “phải nghiên cứu xử lý bùn đất khoan cọc nhồi từ các công trình xây dựng, phải đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn về môi trường, xử lý triệt để tiếng ồn và bụi…” nhưng chủ trương này đã và đang gặp phải sự phản ứng rất quyết liệt của đông đảo những người dân không chỉ tại thôn Lý Nhân mà còn ở cả xã Dục Tú.

Có mặt tại khu đất I13 vào thời điểm cuối tháng 6/2019, chúng tôi đã tận mắt thấy, mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án xử lý chất thải rắn xây dựng nào nhưng hàng trăm tấn chất thải rắn bê tông đã được ai đó chở về đổ la liệt trên cánh đồng Chằm, thôn Lý Nhân.

Giữa trưa nắng gắt, thấy chúng tôi xuất hiện, hàng chục người dân ở đây đội nón, mũ rủ nhau ra gặp phóng viên. Họ đưa đơn và bức xúc lên tiếng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, 74 tuổi, cho biết: Từ năm 1990, gia đình bà từng phải chắt chiu từng viên gạch, đổ đất ao sâu 8m để gây dựng được ngôi nhà của mình và những tưởng được ở yên lành, bà đâu ngờ về sau, kinh tế thị trường phát triển, tự dưng ngay sát nhà bà “mọc” lên một cái lò luyện sắt gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp.

Từng là bộ đội, ra chiến trường giặc bắn không chết, mà chỉ bị thương nay chẳng lẽ trong thời bình, người thương binh hạng hai này lại phải chết dần chết mòn trong ô nhiễm môi trường từ cái lò sắt kia ư? Nghĩ vậy, bà dốc hết sức lực, tiền của còn lại cùng bà con đi kiện ròng rã hai năm trời mới “bẩy” được cái lò sắt kia đi. Tưởng được yên thân, nào ngờ một hôm xem TV thấy thành phố chấp thuận chủ trương cho “Nhà anh Bình Dương” ở tận đẩu tận đâu về đây chế biến rác như vậy, bà lại sôi máu trong người. Quyết sống mái một phen nữa, bà lại đội nón đi kiện. Trước phóng viên, bà thề: “Sẽ không cho đứa nào bén mảng tới đây phá nát môi trường nhà tôi nữa”. 

Bà Phạm Thị Bàn, sống ở đây từ năm 1974, có chồng và con dâu từng bị ung thư phổi do hít phải bụi từ một trạm trộn bê tông đang hiện diện tại đây. Chồng bà mất đã 3 năm và con dâu bà cũng mới mất cách đây vài tháng. Bà cho hay, tại cuộc họp sơ kết thôn 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra gần đây, bà con thôn Lý Nhân đã nêu ý kiến thắc mắc, phản đối chủ trương nói trên của UBND TP Hà Nội và “nay chúng tôi chính thức nhờ báo chí các anh can thiệp giúp để loại trừ hậu họa, giữ gìn cuộc sống an lành”.

Theo bà Bàn, “với cảnh quan ao hồ cây cối ở đây cũng như vị thế khu đất nằm trong vùng đệm Khu Di tích lịch sử Cổ Loa Thành, thôn Lý Nhân này của chúng tôi chỉ phù hợp với đúng như quy hoạch đã được duyệt làm công viên cây xanh. Chúng tôi không chấp nhận cho nhà đầu tư nào vào đây phá hoại môi trường, cảnh quan nữa”.

Trước thực trạng và hậu quả đã và đang đem lại từ ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại đây, những băn khoăn, lo ngại, thậm chí phản ứng quyết liệt của người dân về chủ trương của UBND TP Hà Nội cho phép triển khai một nhà máy xử lý rác thải xây dựng như vậy không phải là không có cơ sở.

Đề nghị các nhà hoạch định chính sách, điều hành của Hà Nội quan tâm giải quyết thỏa đáng những nỗi niềm bức xúc, lo lắng này của họ, để làm sao Hà Nội phát triển nhanh một cách bền vững theo đúng theo quy hoạch đã được duyệt, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên trong xã hội, phù hợp với yêu cầu bảo tồn di tích lịch sử quốc gia.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

EU thúc giục Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân

Các cường quốc châu Âu vừa lên tiếng kêu gọi Iran đảo ngược động thái tăng cường làm giàu uranium. Pháp cũng đã cử phái viên đến Tehran để tăng cường nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Nguồn: KD&PL