Yên Bái: Khai thác khoáng sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống người dân tại xã Minh Bảo

18/12/2022 15:51

Kinhte&Xahoi Những phiến đá tảng to gần bằng cái bàn, nặng hàng tạ lăn từ trên cao xuống bất chợt, rất nguy hiểm cho người dân đang múc nước tưới rau phía dưới.

Phản ánh của người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, TP Yên Bái về một đơn vị khai thác quặng cao lanh fenspat qui mô lớn đang có nhiều dấu hiệu vi phạm trong việc san lấp đất thải gây ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn con suối chảy ra hướng thành phố.

Xe ben tải hối hả trút đất thải xuống ta luy đồi phía trên bờ suối.

Ghi nhận thực tế của nhóm PV báo Pháp luật Việt Nam, ngày 15/12/2022, cho thấy thông tin người dân cung cấp là hoàn toàn có cơ sở.

Mới chỉ bóc lớp đất mặt dày khoảng 50-60 cm, mà thân quặng màu trắng đã lộ rõ rệt tới vài chục mét. Một máy xúc cỡ lớn cùng nhiều xe ô tô dạng ben tải đang hối hả hoạt động trên đỉnh đồi có vạt rừng mà người dân trồng cây lâm nghiệp được khoảng vài ba năm tuổi.

Khai thác mới khoáng sản trên đất trồng cây lâm nghiệp tại thôn Trực Bình.

Sau khi ì ạch bò từ khu vực khai thác ra tới sườn đồi, những chiếc xe ben tải thực hiện ngay việc trút bỏ lượng đất thải khổng lồ xuống ta luy, mặc cho nó trôi tự do theo chiều dốc khiến cây cỏ phía dưới đổ rạp cùng con suối nhỏ oằn mình hứng chịu.

Khai thác tận thu khoáng sản, trên đất trồng cây lâm nghiệp tại thôn Trực Bình, xã Minh Bảo.

Nhiều người dân ở đây cho biết, tại thôn Trực Bình hiện nay có 2 điểm đào bới quy mô lớn. Một điểm được cho là quy hoạch thao trường quân sự, nhưng khi đào ra cũng phát hiện rất nhiều quặng cao lanh Fenspat nên phía thi công họ phải dùng búa máy đục suốt ngày đến chín mười giờ đêm vẫn chưa nghỉ.

TIếng ồn vang tai nhức óc không ngủ được, hơn nữa nước thải lẫn bùn đất trắng nó ngấm ra đồng ruộng không thể canh tác được.

Toàn cảnh khu vực khai thác mới với danh nghĩa tận thu và đổ thải xuống ta luy bờ suối.

Còn một điểm nữa thì đang khai thác theo giấy phép tận thu quặng cao lanh tại khu vực bãi thải mà trước kia Công ty Yên Hà được cấp mỏ nay đã hết hạn.

Tuy nhiên họ đang khai thác hoàn toàn mới, trên diện tích đền bù cho người dân. Hôm nay đơn vị này dừng việc vận chuyển để tăng cường vào bóc đất mặt đổ thải, chứ mọi hôm từng đoàn xe rầm rập ra vào chất đầy quặng trắng trên thùng rồi nối đuôi nhau chở đi đâu không ai rõ.

Nguời biết tường tận nhất vẫn là ông Nguyễn Văn P nhà gần mỏ quặng. Khi được hỏi việc khai thác khoáng sản đổ thải tràn lan như vậy có ảnh hưởng gì tới đời sống sinh hoạt của người dân không ?

Ông P đang miêu tả về hàng nghìn khối đất thải từ trên cao tống thẳng xuống suối

Ông P cho biết: "Trước kia Công ty Yên Hà họ cũng đổ thải nhưng thấp hơn thế này nhiều mà còn bị đất thải lấp kín suối, nước tràn ngập úng hỏng hết cả cây cối hoa màu, tôi phải đấu tranh mãi thậm chí còn lên thẳng Sở TN&MT tỉnh báo cáo rồi vẫn phải nai lưng ra khắc phục.

Bây giờ người ta đổ cao thế này thì quá nguy hiểm vì chỉ cần vài trận mưa thôi là đất đá dồn hết xuống suối. Họ lợi dụng mỗi trận lũ sẽ trôi đi một ít, nhưng như vậy sẽ khổ cho bà con nhân dân thuộc các thôn xóm phía dưới, như này là chỉ biết hưởng lợi trước mắt còn hậu quả thì không thèm đếm xỉa.

Trông như vậy thôi chứ phía bên kia đã đào hoẳm xuống sâu hàng trăm mét rồi đấy, móc mãi hẫng chân thì cả quả đồi này sẽ có nguy cơ đổ ụp vì hôm nọ, đã xuất hiện vết nứt há hoác rộng tới hơn 30cm ở khu đất rừng trồng cây lâm nghiệp của nhà anh C gần đó gây tranh cãi. Chắc vừa dàn xếp đền bù xong nên mới lại tiếp tục cuốc lấn vào khu vực đó rồi".

Có những đoạn suối gần như bị vùi lấp hoàn toàn.

Theo quan sát của PV, hàng ngàn m3 đất thải treo lơ lửng trên cao sẽ bất ngờ ụp xuống bất cứ lúc nào vùi lấp hoàn toàn con suối nhỏ mà người dân đang sử dụng tưới tiêu sinh hoạt.

Bởi mới đó mà đã có nhiều đoạn suối bị đất thải tràn xuống án ngữ tới 2/3 dòng chảy, những phiến đá tảng to gần bằng cái bàn nặng hàng tạ lăn từ đỉnh đồi xuống rất nguy hiểm, khi người dân đang lúi húi múc nước tưới rau dưới suối.

 
Những phiến đá to gần bằng cái bàn nặng hàng tạ lăn từ trên cao xuống.

Để có câu trả lời về danh tính các đơn vị khai thác khoáng sản, giấy phép hoạt động cũng như các báo cáo đánh giá tác động môi trường liên quan vấn đề này.

PV Báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ với ông Nguyễn Quốc Huy - Chủ tịch UBND xã Minh Bảo, ông Huy cho biết: "Hiện khu vực đó có 2 doanh nghiệp khai thác, nhưng thời gia quan do giấy phép khai thác bị hết hạn nên Công ty Yên Hà phải dừng hoạt động, hiện chỉ có Công ty Mạnh Lâm".

"Việc doanh nghiệp khai thác đổ đất thải xuống suối là vi pham, tôi sẽ yêu cầu doanh nghiệp khắc phục hậu quả ngay", ông Huy cho hay.

Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo cơ quan Công an, Sở TNMT vào cuộc làm rõ hồ sơ pháp lý liên quan đến việc khai thác của doanh nghiệp, đồng thời xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức để xảy ra sự việc trên.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Minh Tân - Nhật Minh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Áp lực khan hiếm nhiên liệu, giảm phát thải đè nặng thị trường hàng không

Thị trường hàng không đã khởi sắc trở lại sau ảnh hưởng đặc biệt lớn từ đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia thực hiện chính sách phong tỏa tạm thời. Mặc dù đã qua cơn bĩ cực nhưng các hãng hàng không lại gặp một rào cản mới đó là sự khan hiếm nguồn nhiên liệu sạch và áp lực giảm lượng khí phát thải xuống mức 0 vào năm 2050…

Khoảng 3/4 dân số toàn cầu sở hữu điện thoại di động

Đề cập đến việc kết nối toàn cầu trong sử dụng Internet và điện thoại di động trên toàn thế giới đến thời điểm này, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) báo cáo hiện có gần 3/4 dân số toàn cầu từ 10 tuổi trở lên sở hữu điện thoại di động.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/yen-bai-khai-thac-khoang-san-anh-huong-nghiem-trong-den-moi-truong-va-doi-song-nguoi-dan-tai-xa-minh-bao-d187889.html