2 năm thầy Park ở Việt Nam: Người đưa "cá chép hóa rồng"

22/10/2019 11:56

Kinhte&Xahoi 2 năm thầy Park ở Việt Nam nhanh như một cái chớp mắt, nhưng những gì chiến lược gia Hàn Quốc làm được đáng ghi vào lịch sử bóng đá Việt Nam như một chương rực rỡ nhất. đơn giản bởi ông đã chạm được đến những dấu mốc mà tất cả những người tiền nhiệm không thể nào đạt tới.

Có lẽ trước khi đặt chân đến Việt Nam, nhà cầm quân sinh năm 1957 cũng không thể ngờ rằng ở cuộc đời của ông lại có một bước ngoặt đẹp đến thế khi đã bước vào tuổi 60.

Bản hợp đồng bị nghi ngờ

24-8-2017, U23 Việt Nam bước vào trận đấu quyết định tấm vé đi tiếp tại vòng bảng Sea Games 29. Thầy trò HLV Hữu Thắng chỉ cần giành được tối thiểu 1 điểm trước kình địch Thái Lan. Thế nhưng trong suốt 90 phút, U23 Việt Nam thể hiện một tinh thần thi đấu yếu kém và để đối thủ chọc thủng lưới tới 3 lần. U23 Việt Nam rời cuộc chơi trong cay đắng, HLV Hữu Thắng quyết định từ chức.

VFF một lần nữa đứng trước nhiệm vụ khó khăn tìm ra một thuyền trưởng mới cho đội tuyển quốc gia và U23 trong bối cảnh mà niềm tin vào bóng đá nước nhà của các cổ động viên giảm sút nghiêm trọng.

2 năm của Park Hang-seo với những thành công ấn tượng cùng bóng đá Việt Nam.

Hơn 1 tháng sau, ngày 29-9-2017, cái tên ngồi vào ghế nóng của hai đội tuyển lộ diện: Park Hang-seo. Tại sân vận động FIFA World Cup 2002 ở thủ đô Seoul, đại diện VFF gồm Phó Chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức); Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và Tổng thư ký Lê Hoài Anh tiến hành đàm phán với nhà cầm quân Hàn Quốc. Hai bên nhanh chóng đi đến thống nhất và chiến lược gia sinh năm 1957 chính thức trở thành người dẫn dắt đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam.

Chữ ký của thầy Park, bây giờ đã trở thành một phần lịch sử, có nhiều dấu ấn của bầu Đức. Cách mà VFF ký hợp đồng với vị HLV trưởng mới của đội tuyển Việt Nam cũng gây nhiều phản ứng trong dư luận bởi nó diễn ra một cách rất kín đáo và khi thông tin được đưa ra thì đã ở tình thế "sự đã rồi".

Những thông tin về Park Hang-seo lập tức được khai thác, nhưng bản CV của chiến lược gia này không đủ hấp dẫn để tạo nên sự hứng khởi từ các cổ động viên. Đỉnh cao trong sự nghiệp của ông Park là khi giữ vị trí trợ lý của "phù thủy" Guus Hiddink tại đội tuyển Hàn Quốc ở World Cup 2002.

Khi VFF tìm đến, Park Hang-seo đang là người thất nghiệp, bị xem là một chiến lược gia hết thời ở Hàn Quốc. Ông thật sự gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc mới. Bà Choi Song-a, vợ ông kể lại rằng với một người nghiện công việc như thầy Park, phải ở nhà là một cực hình.

Thấy chồng mình buồn bã vì cảnh nhàn rỗi, chính bà Choi là người âm thầm gửi hồ sơ của ông Park đến công ty môi giới. Cuối cùng, hồ sơ của ông Park đến Việt Nam thông qua đại diện Lee Dong-jun, người từng có mối liên hệ với Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức.

HLV Park Hang-seo tất nhiên vui mừng với lời đề nghị từ VFF. Ông có một công việc mới, lại là người dẫn dắt đội tuyển quốc gia, một vị trí khó có thể tốt hơn ở tuổi của mình. Ngược lại ở Việt Nam, người ta hoài nghi về khả năng thành công của ông với nhiệm vụ khó khăn là vực dậy một nền bóng đá đã liên tục gây thất vọng trong một thời gian dài.

Ngày thầy Park đến Việt Nam lần đầu, chỉ có chưa đến 10 người đón ông ở sân bay. Lễ ra mắt của ông cũng chỉ diễn ra ở trụ sở VFF thay vì ở những khách sạn sang trọng, choáng ngợp ánh sáng đèn flash như những người tiền nhiệm.

Cây đũa phép của Park Hang-seo

Thầy Park chính thức ra mắt cổ động viên trong trận đấu với Afghanistan ngày 14-10-2017 trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2019. Đội tuyển Việt Nam cần tối thiểu 1 điểm và kết quả chung cuộc là 0-0. Một sự khởi đầu không ấn tượng, nhưng vừa đủ.

Giải đấu chính thức đầu tiên của thầy Park là giải U23 châu Á tại Thường Châu. Đây được xem là một bước ngoặt mở ra triều đại huy hoàng của Park Hang-seo. Dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân Hàn Quốc, tập thể rệu rã không thể vượt qua vòng bảng Sea Games đã tạo nên cơn địa chấn khi lọt vào đến tận trận chung kết.

Chiến công của U23 Việt Nam thật sự là một hiện tượng, làm cả đất nước lên cơn sốt. Thầy Park và các học trò trở thành những "người hùng quốc dân" sau những màn trình diễn quả cảm tại Thường Châu. Từ chỗ bị nghi ngờ, Park Hang-seo trở thành cái tên được tất cả mọi người dân Việt Nam yêu mến, ngưỡng mộ.
 
Và cũng từ thời điểm đó, thầy Park không dừng lại. Ông đưa đội tuyển Việt Nam vào bán kết ASIAD, vô địch AFF Cup 2018, tứ kết Asian Cup 2019 cùng những trận đấu để đời trước các đội bóng mạnh của châu lục. Chưa bao giờ, ước mơ vượt tầm khu vực lại trở nên thực tế đến thế. Sau có 2 năm, "cây đũa thần" của thầy Park đã làm thay đổi hoàn toàn bóng đá Việt Nam.

Phép màu của Park Hang-seo là gì? Câu trả lời chi tiết sẽ rất dài, bởi thành công được xây dựng lên bởi rất nhiều yếu tố. Nhưng nếu phải chọn ra một điểm nổi bật, đó chính là khả năng động viên tinh thần, xây dựng niềm tin và lòng tự tin cho các học trò để từ đó họ khai phá được hết những tiềm năng vốn có của mình.

Minh chứng rõ nét nhất là việc thầy Park xóa đi được "nỗi sợ Thái Lan" đã tồn tại suốt hơn 20 năm qua. Chưa bao giờ, đội tuyển Việt Nam lại ngạo nghễ trước đối thủ từng ám ảnh nhiều thế hệ cầu thủ tài năng trong quá khứ như ở thời điểm hiện tại.

Dưới thời của Park Hang-seo, ông đã gọi lên tổng cộng gần 100 cầu thủ cho các đội tuyển quốc gia và U23. Khoảng 80 người trong số đó đã được ra sân thi đấu. 14 CLB ở giải V.League và Hạng Nhất có thành viên góp mặt trong các lần triệu tập. Thầy Park đã khai thác tối đa nguồn lực của bóng đá Việt Nam, không bỏ sót bất cứ nhân tài nào và tuyệt đối công tâm.

Dù sử dụng nòng cốt là CLB Hà Nội và Hoàng Anh Gia Lai trong những ngày đầu tiên đến Việt Nam, nhưng sự công bằng trong việc tuyển chọn cầu thủ giúp thầy Park tránh được nạn bè phái vốn luôn là vấn đề lớn ở các đội tuyển trước đây, đồng thời tạo ra một tập thể đoàn kết biết chiến đấu và hy sinh vì nhau.

Thầy Park luôn luôn tìm cách để gần gũi, động viên các học trò.

Sẽ chẳng có thống kê nào ấn tượng bằng những chiến thắng. Trong 21 trận thầy Park cầm quân ở đội tuyển quốc gia, Việt Nam thắng 10, hòa 8 và thua 3; một tỷ lệ tốt nhất so với những người tiền nhiệm. Nhìn ra quốc tế, thành tích của Park Hang-seo cũng thuộc loại tốp đầu của bóng đá Đông Nam Á và bóng đá thế giới.

Từ một người bị nghi ngờ, thầy Park giờ là người được các cổ động viên bóng đá Việt Nam đặt trọn niềm tin trong hành trình đưa các đội tuyển đến những cột mốc vinh quang mới. Nhưng ngay từ bây giờ, ông xứng đáng được tôn vinh bởi những gì đã làm được cho đất nước mà có lẽ trước tuổi 60, ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ gắn bó đến thế.

Những phát kiến của Park Hang-seo

Dấu ấn chiến thuật lớn nhất của HLV Park Hang-seo là việc đưa sơ đồ 5 hậu vệ trở lại áp dụng vào đội tuyển quốc gia và đội U23. Hệ thống này từng được áp dụng trước đây ở thế hệ của những hậu vệ như Đỗ Khải, Như Thuần, Mai Tiến Dũng, Thiện Quang… nhưng sau đó trong một thời gian dài, đội tuyển Việt Nam chơi với sơ đồ 4 hậu vệ.

Ông Park đã có một phát kiến lớn khi đưa Đỗ Duy Mạnh từ vị trí tiền vệ trung tâm về đá hậu vệ. Bộ ba trung vệ Duy Mạnh, Đình Trọng và Bùi Tiến Dũng đã có một màn trình diễn cực kỳ ấn tượng tại U23 châu Á tại Thường Châu.

Khi lên đội tuyển quốc gia, với sự bổ sung chất lượng từ hậu vệ giàu kinh nghiệm Quế Ngọc Hải, hệ thống phòng ngự của Việt Nam càng trở nên chắc chắn, là chỗ dựa tin cậy cho lối chơi phòng ngự phản công sở trường của HLV Park Hang-seo.

Sơ đồ 5 hậu vệ với hai cầu thủ đá biên linh động để tạo ra những biến thể phong phú như 5-4-1, 3-4-2-1, 3-4-3,… chứng tỏ được sự phù hợp với tố chất của các cầu thủ Việt Nam lúc này. Với hệ thống này, đội tuyển Việt Nam đã có những trận đấu rất hay trước nhiều đối thủ mạnh của châu lục.

Duy Mạnh và hệ thống phòng ngự 5 hậu vệ không phải là phát kiến duy nhất của thầy Park. Nếu nói về các cá nhân, Quang Hải và Văn Hậu xứng đáng là hai cái tên tiêu biểu đã nâng tầm đẳng cấp kể từ khi được HLV Hàn Quốc dẫn dắt.

Quang Hải là ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam lúc này với kỹ thuật cá nhân điêu luyện, tầm nhìn chiến thuật xuất chúng cùng khả năng bùng nổ ở bất cứ thời điểm nào của trận đấu. Trong khi đó, Văn Hậu đã trưởng thành vượt bậc khi được bố trí đá hậu vệ công biên (wing-back) trong hệ thống của Park Hang-seo và thành quả cho cầu thủ sinh năm 1999 là bản hợp đồng sang SC Heerenveen của Hà Lan.

Không có gì ngạc nhiên khi bộ đôi Hải - Hậu chính là hai trong ba cầu thủ có số phút ra sân nhiều nhất cho các đội tuyển dưới thời HLV Hàn Quốc, người còn lại chính là Duy Mạnh.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo CAND/ Pháp luật Plus