45 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

14/11/2021 07:15

Kinhte&Xahoi Tối nay (13/11) tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020 - 2021.

Tham dự Lễ trao giải có: Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Cùng các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam; Các ban, bộ, ngành Trung ương, cơ quan báo chí, các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm được trao giải.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tham dự Lễ trao Giải

Đây là một trong những sự kiện đầy ý nghĩa nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021).

Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020 - 2021 là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc trong tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Góp phần nâng cao tính cách mạng, tính chiến đấu và đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của đội ngũ người làm báo Việt Nam; Thể hiện và hưởng ứng quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Số lượng tác phẩm tham dự lớn nhất trong những lần tổ chức

Nhìn chung, các tác phẩm báo chí dự thi năm nay đã bám sát với chủ đề và tiêu chí thể lệ giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” lần thứ ba, năm 2020 - 2021.

Các cơ quan truyền thông, báo chí đã có nhiều tin, bài phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm, được nhân dân quan tâm; Đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; Tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước trong cộng đồng quốc tế.

Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Về hình thức, những tác phẩm tham dự giải năm nay được các tác giả, nhóm tác giả đầu tư công phu, đề tài phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại; Phản ánh toàn diện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng; Sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí từ Trung ương đến các địa phương.

Nhiều tác phẩm viết về đề tài biểu dương, cổ vũ các gương đấu tranh với tham nhũng, lãng phí; Về vấn đề trục lợi chính sách để tham nhũng, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Ban Tổ chức Giải báo chí phòng, chống tham nhũng lần thứ ba đã nhận được 1.181 tác phẩm ở các loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Đây là số lượng tác phẩm báo chí gửi tham dự lớn nhất từ khi giải được tổ chức đến nay.

Ban Chỉ đạo Giải đã lựa chọn được 45 tác phẩm xuất sắc để trao các giải A, B, C và Khuyến khích. Trong đó lần đầu tiên có một tác phẩm đoạt giải Đặc biệt do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trao thưởng.

Tạo điều kiện để các nhà báo yên tâm “chống gian tà”

 Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến ghi nhận và biểu dương Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp tổ chức thành công giải báo chí rất có ý nghĩa này.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại lễ trao giải

“Trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh Covid-19, kết quả đạt được của các tác phẩm lần này rất đáng trân trọng, thể hiện sự quan tâm, lòng nhiệt huyết và trách nhiệm nghề nghiệp của các nhà báo đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mỗi tác phẩm dự thi, nhất là những tác phẩm đoạt giải là kết tinh của tinh thần quả cảm, sự lao động miệt mài, sáng tạo, nghiêm túc, thấm đẫm mồ hôi, công sức của các nhà báo", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm; Hành vi, thủ đoạn tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi. Chính bởi vậy, đòi hỏi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, với quyết tâm chính trị cao hơn; Sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan báo chí và các nhà báo là một trong những lực lượng xung kích, tiên phong.


Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị Ban Tổ chức giải cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, có biện pháp phù hợp, bảo vệ các nhà báo, người đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực khi có yêu cầu

Trên tinh thần đó, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị, trong thời gian tới, Ban Tổ chức giải tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện thể lệ giải nhằm động viên, thu hút đông đảo các nhà báo tham gia. Cùng với việc phát động giải lần thứ tư, Ban Tổ chức cần có hình thức phù hợp cung cấp thông tin, định hướng chủ đề cụ thể để các nhà báo tiếp cận với những nội dung mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhấn mạnh tới việc quán triệt sâu sắc phương châm lấy “xây để chống”, lấy “tích cực dẹp tiêu cực”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, cùng với việc kịp thời phát hiện, đấu tranh kiên quyết cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, hoạt động của báo chí cần chú ý phát hiện những quy định hiện hành còn bất cập, có kẽ hở dễ phát sinh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn nữa các hành vi tham nhũng, tiêu cực từ gốc, từ khi mới manh nha.

Khẳng định các tổ chức, cá nhân nói chung, các nhà báo nói riêng tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là những người có bản lĩnh, dũng cảm, dám “dấn thân” vì nghĩa lớn, ông Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị Ban Tổ chức giải cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, có biện pháp phù hợp, bảo vệ các nhà báo, người đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực khi có yêu cầu. Từ đó, các nhà báo yên tâm tác nghiệp, sáng tạo các tác phẩm có giá trị vững niềm tin “chính nghĩa thắng gian tà”.

Lần đầu tiên có tác phẩm đoạt giải Đặc biệt

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao 4 giải A; 10 giải B; 12 giải C và 18 giải Khuyến khích. Trong đó, lần đầu tiên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trao một giải Đặc biệt.

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam và ông Lưu Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao Giải khuyến khích cho tác giả và nhóm tác giả
Ảnh minh họa

 

Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao Giải C cho tác giả và nhóm tác giả
Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trao Giải A cho tác giả và nhóm tác giả

Các tác phẩm giành giải A gồm: Loạt 5 bài "Sự thật - Hành trình trần ai” - tác giả: Võ Thị Thiên Nga đăng trên báo Tiền phong; Loạt 5 bài “Phía sau vụ thảm sát rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam” - nhóm tác giả: Đỗ Doãn Hoàng, Hoàng Văn Chiên, Nguyễn Văn Đức, Võ Hồng Nhân đăng trên báo điện tử Dân Việt; Loạt 3 bài "Cấp ủy ở đâu, khi để xảy ra các đại án tham nhũng kinh tế?" - nhóm tác giả: Nguyễn Huy Nam, Lại Thị Hoa phát sóng trên kênh VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam; Tác phẩm: “Nỗi đau từ dự án bảo tồn nguồn gen quý” - nhóm tác giả: Nguyễn Đức Đệ, Nguyễn Hữu Phương, Nguyễn Quang Anh phát sóng trên Kênh VTV9, Đài Truyền hình Việt Nam.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trao Giải đặc biệt cho nhóm tác giả

Giải Đặc biệt Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba được trao cho tác phẩm phim tài liệu 3 tập “Giặc nội xâm” của nhóm tác giả Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Ánh Ngọc, Vương Khánh Trần Linh, Nguyễn Thanh Bình, Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương, phát sóng trên kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam. Đây là lần đầu tiên có một tác phẩm đoạt giải Đặc biệt do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trao thưởng.

Hoa Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thông điệp tích cực về “thích ứng an toàn, linh hoạt” từ SVĐ Mỹ Đình

Lần đầu tiên sau 2 năm, sân Mỹ Đình mới được sống trong bầu không khí sôi động của bóng đá khi đón khán giả trở lại trong trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Nhật Bản ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực Châu Á. Sự góp mặt của những khán giả với bầu không khí cuồng nhiệt trên khán đài sân Mỹ Đình đã mang đến thông điệp tích cực về “thích ứng an toàn, linh hoạt”.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/45-tac-pham-xuat-sac-doat-giai-bao-chi-toan-quoc-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-182926.html