An toàn thực phẩm: Cần 'mạnh tay' xử lý vi phạm

03/10/2023 15:18

Kinhte&Xahoi Nhiều nhà hàng, quán ăn có tiếng thu hút khách gần xa nhưng lại “quên” chăm sóc khách hàng và không cẩn trọng trong chế biến, gây hậu quả không hay cho thực khách.

Bánh mì tại một cửa hàng nổi tiếng ở Hội An gây ngộ độc cho nhiều thực khách. (Ảnh minh họa)

Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm

Cộng đồng du lịch đang xôn xao vì bánh mì P, một thương hiệu bánh mì nổi tiếng tại TP Hội An (Quảng Nam) gây ngộ độc cho nhiều du khách. Theo cơ quan chức năng, thời điểm giữa tháng 9 vừa qua, gần 100 người khách trong nước và quốc tế sau khi ăn bánh mì P đã bị ngộ độc và phải nhập viện. Mới đây, cơ quan kiểm nghiệm công bố kết quả cho thấy nhiều mẫu thực phẩm kinh doanh tại quán bánh mì này dương tính với khuẩn Bacillus cereus sinh độc tố. Cửa hàng bánh mì sẽ bị phạt tiền hơn 110 triệu đồng, đình chỉ hoạt động từ 3 đến 5 tháng.

Được biết, bánh mì P ở Hội An là thương hiệu ẩm thực nổi tiếng trên các diễn đàn du lịch. “Siêu đầu bếp” Anthony Bourdain cũng đã dùng những “lời có cánh” để giới thiệu về thương hiệu bánh mì này trên sóng truyền hình quốc tế. Những người muốn thưởng thức bánh mì P thường phải xếp hàng hoặc chen qua một hàng dài đông đúc trước cửa hàng mỗi ngày để mua được ổ bánh mì. Tuy nhiên, thời gian qua, có không ít lời phàn nàn của du khách trong và ngoài nước trên các diễn đàn du lịch liên quan đến chất lượng phục vụ và chất lượng sản phẩm bánh mì này.

Năm ngoái, một thương hiệu bánh mì nổi tiếng của TP Đà Lạt cũng gây ra một vụ ngộ độc thực phẩm trên diện rộng. Ngoài hơn 80 người ngộ độc thực phẩm “tại chỗ” và nhập viện, trong đó nhiều người có triệu chứng nặng, còn không ít khách hàng của cửa hàng này ngộ độc sau chuyến du lịch trở về địa phương. Tuy nhiên, vì vật phẩm được thu thập chậm nên vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra ngộ độc.

Hiện tượng nhiều cửa hàng nổi tiếng ở các địa phương, đông đúc khách đến thưởng thức nhưng lại chưa kiểm soát hết khâu chất lượng, thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc có những sơ suất gây ảnh hưởng đến sức khỏe khách hàng không phải hiếm. Cách đây không lâu, một clip quay lại cảnh trong bếp của một cửa hàng bún “gia truyền” 30 năm có tiếng tại Hà Nội nhưng khâu chế biến mất vệ sinh, có chuột trên túi bún chuẩn bị chế biến cho khách ăn. Mặc dù chủ quán đã giải thích nhưng những hình ảnh được quay trong clip đã khiến nhiều thực khách “hoảng hốt” không dám đến cửa hàng này.

Xử lý nghiêm để tạo tiền lệ tốt

Luật pháp Việt Nam có quy định rõ ràng về các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của người kinh doanh ăn uống. Tuy nhiên, trên thực tế, hành vi này thường chỉ được xử lý khi đối diện các cuộc thanh, kiểm tra hoặc xảy ra hậu quả là ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Tại một số quốc gia khác, hành vi kém an toàn thực phẩm được xử lý rất nghiêm, cơ sở nào vi phạm thường phải chịu những “án phạt” nặng, tước giấy phép tạm thời hoặc vĩnh viễn, bị người tiêu dùng “tẩy chay”.

Tại Việt Nam, không hiếm trường hợp người kinh doanh thực phẩm thiếu lương tâm, sử dụng nguyên liệu “bẩn” để chế biến cho thực khách. Thậm chí có những người bị xử lý lại tái phạm nhiều lần. Những trường hợp thực khách phát hiện món ăn có giòi, có ruồi, chân gián, các vật phẩm không phải thức ăn như tóc, cao su, nilon... cũng thường gặp trong thị trường ẩm thực Việt Nam, từ nhà hàng lớn cho đến quán ăn lề đường ngõ nhỏ. Nhưng cách xử lý các tình huống này hầu hết đều “sơ sài”, nhiều chủ nhà hàng còn “không thèm” để tâm khi thực khách phản ứng thức ăn mất vệ sinh.

Những nguyên tắc về an toàn thực phẩm trong kinh doanh ăn uống đã có quy định rất rõ trong Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Về quy định xử phạt, tại Khoản 8 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 12 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm, người nào có hành vi bán đồ ăn gây ngộ độc cho người khác thì có thể bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng, nếu người vi phạm là tổ chức thì có thể bị phạt tiền từ 160 - 200 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân và tổ chức còn phải chịu các hình phạt bổ sung và bắt buộc phải khắc phục hậu quả theo quy định nêu trên.

Tại Khoản 2 Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 119 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” quy định, một số trường hợp vi phạm có tổ chức, làm chết người, gây tổn hại sức khỏe nghiêm trọng hoặc số lượng nhiều người, số tiền thu lợi bất chính cao, mức độ nghiêm trọng có thể đối diện án phạt tù từ 3 - 7 năm và phạt tiền tùy trường hợp.

Các quy định của pháp luật đã rất rõ ràng, điều cần quan tâm lớn hiện nay là làm thế nào tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người kinh doanh thực phẩm lẫn người tiêu dùng để bảo vệ an toàn cho thực khách. Với cơ quan chức năng, cần siết chặt quản lý, kiểm tra, đồng thời áp dụng nghiêm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và tái phạm để tạo ra những tiền lệ tốt cho quản lý kinh doanh thực phẩm trong nước.

 Ngọc Mai - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/an-toan-thuc-pham-can-manh-tay-xu-ly-vi-pham-d199247.html