Bản lĩnh, trí tuệ Hà Nội trong gian khó

11/09/2021 11:43

Kinhte&Xahoi Vùng xanh ngày càng được giữ vững và mở rộng, số người được tiêm vaccine tăng từng ngày, cùng với đó là các ca nhiễm Covid-19 ngày càng ít đi, doanh nghiệp (DN) tại các vùng xanh bắt đầu trở lại hoạt động sản xuất và được hưởng các ưu đãi về thuế… Hà Nội đang cho thấy bản sắc riêng và những hiệu quả trong cuộc chiến với đại dịch.

Bác sĩ Hà Nội chào người thân để lên đường chi viện cho miền Nam. Ảnh: Khánh Huy

Những nỗ lực mang bản sắc riêng

Ngày 22- 6-1941 những người lính Xô Viết không khỏi bất ngờ khi từ mờ sáng hàng triệu lính phát xít Đức và quân đồng minh cùng các trang thiết bị chiến tranh tối tân tràn qua biên giới. Sau sự bị động ấy, bản lĩnh của những chiến binh Xô Viết được khơi dậy, lật ngược tình thế và góp phần không nhỏ đập tan thành lũy cuối cùng của chủ nghĩa phát xít, đem lại hòa bình cho nhân loại. Đại dịch Covid-19 đã tấn công nhiều nước trên thế giới một cách bất ngờ như thế.

Hà Nội những ngày này đang sống lại không khí hào hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc, chỉ khác ở chỗ, đây là cuộc chiến không tiếng súng nhưng có nguy cơ cướp đi rất nhiều sinh mệnh. Hàng vạn chiến sĩ y tế, công an, quân đội… lên đường vào Nam với quyết tâm hết dịch mới về. Dãy Trường Sơn của niềm tin, tình người, trí tuệ và của bản lĩnh Hà Nội thêm một lần nữa được khơi dậy.

“Ranh giới”, một bộ phim tài liệu có thời lượng trên 50 phút đã lấy đi bao nhiêu nước mắt, xúc cảm của người xem khi tận mắt chứng kiến cuộc chiến giành lại sự sống từ tay tử thần cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 của các các y bác sĩ, nhân viên y tế. Chúng ta đang tung toàn lực vào cuộc chiến với dịch bệnh tại các tỉnh thành phía Nam và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội đang quyết tâm đến ngày 15-9 hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vaccine Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên. Ảnh: Khánh Huy.

Điều gì sẽ xảy ra, khi Hà Nội một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị… hàng đầu cả nước cũng lâm vào tình trạng bị đại dịch đe dọa với số lượng ca nhiễm hàng ngày lên tới con số nghìn?

Lo lắng ấy không chỉ đè nặng lên những người đứng đầu TP mà còn thường trực trong cả suy nghĩ của bất cứ người dân nào đang sinh sống ở thủ đô.

Đáp lại niềm tin của cả nước, Hà Nội đang chứng tỏ những nỗ lực mang bản sắc riêng, đầy hiệu quả, vừa chống dịch với vai trò tiền tuyến, đồng thời nêu cao quyết tâm trở thành hậu phương. Một mặt chế ngự và hạn chế tối đa các ca lây nhiễm Covid-19, mặt khác khôi phục kinh tế cho DN, mở rộng vùng xanh, ổn định cuộc sống Nhân dân. Từ đó đem lại động lực, niềm tin cho các tỉnh thành khác trên cả nước trong cuộc chiến chế ngự, đầy lùi dịch bệnh.

Hãy điểm lại bản tin dịch bệnh từ ngày 8 đến ngày 10-9, số ca nhiễm mới được phát hiện trong cả nước là 12.680, 12.420 và 13.321. Còn tại Hà Nội, số ca nhiễm mới trong 3 ngày đó là 40, 35 và 29.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, cho đến ngày 10-9, số ca mắc đang có chiều hướng giảm dần, tỉ lệ số ca cộng đồng cũng đang giảm dần. Nếu giai đoạn 1 số ca cộng đồng chiếm 50%, giai đoạn 2, giai đoạn 3 ca cộng đồng chiếm 30%, nhưng bắt đầu sang giai đoạn 4, ca cộng đồng giảm xuống 8,7%. Trong mấy ngày gần đây, số ca mắc chỉ còn 30-40 ca, chủ yếu mắc trong khu cách ly và phong toả.

Điều này cho thấy cả hệ thống chính trị của TP cùng người dân đang tìm ra phương pháp hữu hiệu, hạn chế sự đe dọa của dịch bệnh. Ban đầu là ý thức tuân thủ 5K như khuyến cáo của Chính phủ và Bộ Y tế của người dân. Tiếp đó là phương án chia ra các vùng đỏ, vàng và xanh cùng chiến dịch xét nghiệm, tiêm chủng vaccine thần tốc…

Sau những góp ý hợp lý của người dân, các nhân sĩ trí thức về giấy đi đường, các biện pháp phòng chống dịch đã được lãnh đạo TP trân trọng lắng nghe và có những điều chỉnh thích hợp để hướng tới "mục tiêu kép". Mỗi một Phó chủ tịch UBND TP cũng được Ban Cán sự Đảng UBND TP phân công nhiệm vụ cụ thể để có hướng hướng xử lý chủ động, kịp thời, thể hiện được bản lĩnh và trách nhiệm công việc được giao.

Ngoài ý thức của mỗi người dân, Thành phố cũng không quên chỉ đạo Sở Thông tin truyền thông và các Sở ngành khác liên tục cập nhật thông tin, thường xuyên nhắc nhở người dân tuân thủ pháp luật, các quy định giãn cách, nâng cao trách nhiệm bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội

Ngày 7-9, chị Lê Thu Huyền, sống tại phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm được UBND phường mời ra Trường tiểu học Phúc Tân tiêm vaccine. Chị không khỏi xúc động vì mình đang gặp khó khăn, không có giấy tờ tùy thân vẫn được chính quyền quan tâm. Không chỉ chị Huyền, Hà Nội đang quyết tâm đến ngày 15-9 hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vaccine Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn. Hiện Hà Nội được Bộ Y tế phân bổ 3,3 triệu liều vaccine. Tổng cộng, Hà Nội đã triển khai tiêm được 2.673.612 mũi, tương đương với gần 39% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm chủng.

Việc tổ chức xét nghiệm tầm soát trên diện rộng thần tốc là hết sức cần thiết. Ảnh: Khánh Huy

Kiểm tra thực tiễn tại các điểm tiêm ở Hà Nội vào ngày 10-9, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 ở Hà Nội khá tốt, tương đối nhanh và bài bản. Trong thời gian rất ngắn công suất tiêm của Hà Nội đã đạt hơn 300.000 mũi tiêm/ngày. Đây là công suất cao nhất từ trước đến nay.

Khi nhiều tỉnh, thành trong cả nước bùng phát dịch bệnh, Hà Nội sẵn sàng chi viện sức người sức của. Còn hiện tại, “chia lửa” với Hà Nội trong việc đẩy nhanh xét nghiệm, tiêm vaccine, gần 4.000 nhân viên y tế đến từ nhiều tỉnh thành như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng… đã có mặt tại Thủ đô.

Ngay từ giai đoạn đầu chống dịch, quan điểm nhất quán của Hà Nội là không để F1, đặc biệt là F0 cách ly tại nhà. Đây là quan điểm xuyên suốt, sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Tất cả F0 tại đều được chữa trị tại bệnh viện.

"Mục tiêu kép" và những hành động cụ thể, an toàn

Đưa cuộc sống người dân và sản xuất của doanh nghiệp dần về với nhịp sống thường nhật là mong muốn không chỉ của lãnh đạo TP mà còn là của bất cứ người dân nào. Việc tổ chức xét nghiệm tầm soát trên diện rộng thần tốc là hết sức cần thiết. Đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để giảm thời gian giãn cách xuống phải phát hiện bằng được, tầm soát bằng được các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng, dập dịch một cách triệt để, từ đó nới lỏng dần dần việc giãn cách để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Hà Nọi xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ người dân trong vùng đỏ dịch. Ảnh: Khánh Huy

Chuyên gia kinh tế Vũ Văn Bản đánh giá cao phát biểu của Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong khi nhận định: “Hà Nội không thể, không nên giãn cách và phong toả mãi được. Đây là kinh nghiệm thực tiễn của thế giới và Hà Nội nhận thấy. Việc giãn cách hay nới lỏng phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình dịch tễ, nguy cơ dịch bệnh của từng địa bàn, từng khu vực…”.

Quan điểm trên cũng được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, để có cơ sở nới lỏng các biện pháp giãn cách, mở rộng các hoạt động xã hội, tạo điều kiện cho người dân và DN, trước hết phải thực hiện được tầm soát xét nghiệm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi (nếu tiến độ cung cấp vaccine được đảm bảo), thông qua đó cơ bản kiềm chế tình hình dịch bệnh.

Cũng theo ông Bản, lãnh đạo Hà Nội đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng cho việc nới lỏng giãn cách nếu như tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Khải Anh, Thành phố chia 3 vùng đỏ, vàng và xanh để phòng chống dịch hết sức khoa học. Nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội vẫn siết chặt phong toả nhưng thực tế tại các khu vực vùng xanh, ngoại thành đã nới lỏng hơn nhiều, cuộc sống người dân an toàn hơn các vùng khác, thu hoạch vụ mùa được tiến hành, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dần ổn định.

Hà Nội tiêm vắc -xin phòng Covid-19 cho hàng nghìn công nhân tại khu công nghiệp. Ảnh: Khánh Huy

Lấy ví dụ các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Hoài Đức, Sơn Tây… của Hà Nội nằm trong vùng xanh, chuyên gia kinh tế Vũ Khải Anh nhấn mạnh hoạt động sản xuất tại các địa phương này rõ ràng thuận lợi hơn các vùng khác. Chẳng hạn, tại huyện Quốc Oai, có tới 58/92 doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai và 2 cụm công nghiệp Ngọc Liệp, Yên Sơn được UBND huyện phê duyệt các phương án sản xuất an toàn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 1.320 lao động được trở lại nhà máy làm việc.

Tại huyện Hoài Đức, trong tháng 8 và 9 có tới 825 doanh nghiệp được UBND huyện và các xã, thị trấn phê duyệt phương án, trở lại sản xuất. Nhiều doanh nghiệp được Liên đoàn Lao động huyện gắn “Vùng xanh doanh nghiệp”.

Việc đưa doanh nghiệp và người lao động quay trở lại sản xuất đang cho thấy các phương án phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân và phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp của Hà Nội đang có những bước đi chắc chắn, hiệu quả.

Với vị thế là đầu tầu về văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước nên bất cứ biến động nào của Hà Nội đều ảnh hưởng không nhỏ tới các khu vực khác. Giữ Hà Nội không chỉ cho mình mà phải tạo điều kiện cho các tỉnh thành khác. Hà Nội đang chứng minh cho cả nước về một hậu phương dần chuyển sang an toàn trong lòng tiền tuyến.

 Khắc Hạnh - PLXH. KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sân vận động Mỹ Đình đã được lắp đặt VAR

Ngày 5/9, hệ thống video hỗ trợ trọng tài (VAR) đã được các chuyên gia của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và bộ phận kỹ thuật truyền hình lắp đặt xong tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội).

link bài gốc https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ban-linh-tri-tue-ha-noi-trong-gian-kho-258774.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo