“Bàn tay vô hình” đằng sau vấn nạn sách giả

02/08/2019 10:53

Kinhte&Xahoi Cuộc chiến phòng chống sách lậu, sách giả hàng thập kỷ qua đã gặp không ít gian nan. Theo một thống kê gần nhất của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chỉ riêng sách giáo dục, kể từ năm 2010 đến nay có ít nhất 500.000 đầu sách và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu tại rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép diễn ra với quy mô lớn và tính chất ngày càng phức tạp.

Người làm sách ngày càng “táo bạo”…

Đáng nói, thị trường sách trong nước hiện nay đang bị “xâm chiếm” bởi sách dịch từ nước ngoài trên tất cả các mảng đề tài. Song kể từ ngày Việt Nam chính thức gia nhập công ước Berne (26/10/2004) đến nay, lĩnh vực sách dịch có phần chững lại bởi yếu tố bản quyền.

Được biết, theo đúng quy trình, một ấn phẩm dịch trước khi đến tay độc giả phải trải qua các công đoạn sau: chuyển ngữ - mua tác quyền – biên tập lượt đi – kiểm định nội dung (xin cấp phép) – biên tập lượt về - ra nhũ – in – làm bìa – nộp lưu chiểu – phát hành.

Để hoàn thành quy trình này mất không ít thời gian, chi phí, công sức, nên không ít công ty sách không những “đốt cháy giai đoạn”, mà còn thực hiện nhiều “chiêu thức” nhằm hạn chế tối đa chi phí xuất bản mà vẫn phát hành được những đầu sách đang bán chạy trên thị trường để kiếm lời nhanh.  

Theo đó, “xào nấu” sách là một “công nghệ” khá điển hình. Nhiều dịch giả phản ánh đã nhận được những yêu cầu “kỳ cục” từ phía khách hàng như “xào xáo” 2, 3 quyển sách với nhau; “xào lại” sách đã xuất bản; hoặc lấy nội dung của một cuốn tiếng Anh lắp ghép vào nội dung của một cuốn tiếng Hoa để cho ra một bản dịch mới, hoàn chỉnh và “khác lạ”.

“Công nghệ” này thường được áp dụng ở một số lĩnh vực như Nữ công gia chánh, Nấu ăn, Làm đẹp, Tâm sinh lý, Học làm người… do tính chất dễ xuất bản nhanh, không bị kiểm duyệt nội dung quá sát sao. Có thể thấy một hậu quả trước mắt, đó là thị trường sách nào càng bị “xào” nhiều thì không tránh khỏi nội dung ngày càng nghèo nàn, bị trùng lặp, ế ẩm vì không có nhiều đổi mới, không thu hút được người mua. 

Để xử lý tình trạng “đuối” nội dung, nhiều công ty sách sẵn sàng như “luộc” sách bán chạy của đối thủ thành sản phẩm của mình bằng cách thay nội dung, đổi hình ảnh, cố ý dịch khác, dịch sai bản gốc,  để cạnh tranh trong thời điểm hút khách. Hiện tượng này xuất hiện ở cả những công ty sách có tiếng.

Đơn cử, có hai tập trong bộ sách Sống hạnh phúc và kết bạn của Saigonbook bị tố là bản sao của hai tập đầu trong bộ sách Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi của tác giả Andrew do NXB Trẻ giữ bản quyền tại Việt Nam. Mặt khác, một phương án được cho là “an toàn” hơn là hình thức nối bản, tức công ty sách lợi dụng sơ hở trong việc cấp phép của NXB (về số lượng và thời gian hết hạn giấy phép) để in vượt số lượng sách đăng ký trong lưu chiểu hoặc tái bản mà không xin giấy phép mới.

Nếu bị bắt thì chấp nhận nộp phạt là xong; còn nếu không bị bắt, số sách trội ra sẽ mang về một nguồn thu kha khá cho người làm sách. 

Song, táo bạo nhất chính là những người chuyên làm sách lậu theo kiểu sao chép lại 100% những đầu sách đang bán chạy rồi “thản nhiên” tung ra thị trường chỉ sau thời gian ngắn. Những kẻ “đạo sách” này còn tự ý thu nhỏ khổ, dàn lại, giảm số trang, thêm bớt nội dung, giảm chất lượng giấy in… để giảm giá thành sản phẩm. Nhưng dù được bán với giá thấp hơn giá bìa từ 30-35%, những cuốn sách lậu này vẫn đem về lợi nhuận cao.

Hay do độc giả chấp nhận bị lừa?
 
Dạo quanh nhiều phố sách lớn ở Hà Nội như Phạm Văn Đồng, Đinh Lễ, đường Láng… không khó để tìm thấy những đầu sách nổi tiếng đầy lỗi như viết sai chính tả, in nhòe mờ, mất chữ, thiếu dấu, hình ảnh lem nhem. Đây là sản phẩm của những dây chuyền sản xuất sách lậu siêu nhanh siêu rẻ như trên, nhưng vẫn được bạn đọc “hoan hỉ” chấp nhận.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, Giám đốc First News-Trí Việt Nguyễn Văn Phước trăn trở, nhận thức từ bạn đọc, kể cả các ban, ngành vẫn chưa nhận ra tác hại sâu xa từ việc in lậu, phát hành, tiêu thụ sách giả.

Sách giả giết chết nhà xuất bản.

Ngoài thái độ bàng quan, nhiều ý kiến còn bày tỏ quan điểm ủng hộ sách lậu vì sách giả có xấu một chút, đọc nhức mắt một chút, sai một chút nhưng giá thành lại rẻ. Tuy nhiên, hành vi xuất bản và lưu hành sách giả không khác gì “đồ ăn cắp, tham nhũng trí tuệ của người khác, là tư duy thiển cận”. 

Quả thực, các quốc gia phát triển đều rất tôn trọng bản quyền trí tuệ văn hóa, coi hành vi giả dối, kiếm tiền bất chính từ “chất xám” của người khác là quốc nạn.

Ở Nhật Bản, bắt giữ và xử phạt những người làm sách lậu có hai tác dụng: ngăn chặn được việc làm lậu và người dùng/độc giả sẽ nhận ra việc sử dụng bản lậu là sai. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ số, hầu như ai cũng có sẵn một thiết bị thông minh trong tay, việc vi phạm bản quyền trở nên đơn giản.

Hành vi vi phạm bản quyền đơn giản nhất mà nhiều người không ý thức được đó là việc chụp ảnh/scan/copu những trang truyện, sách, đăng tải lên trang cá nhân, trang web trực tuyến. Dù kiếm lời từ đó hay không, hành vi này đều gây thiệt hại đến tác giả, đơn vị sở hữu tác quyền. Do đó, việc nâng cao nhận thức của người đọc là cần thiết. 

Thiết nghĩ, cuộc chiến phòng chống sách lậu không thể thiếu sự định hướng và quản lý của pháp luật và các cơ quan chức năng.

Pháp luật về xuất bản hiện hành quy định: các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực in xuất bản phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền, đình chỉ in xuất bản phẩm đang in và có thể bị áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động in xuất bản phẩm, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã thực hiện thanh, kiểm tra hoạt động phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn Hà Nội; qua đó, phát hiện, lập biên bản và xử phạt nhiều cơ sở có dấu hiệu vi phạm; tịch thu, tiêu hủy một khối lượng lớn các sản phẩm photocopy, xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp. 

Tuy nhiên, trước diễn biến ngày càng sôi động và phức tạp của thị trường sách lậu nhiều năm qua, giới làm sách ở Việt Nam vẫn mong mỏi nhà nước đưa ra những biện pháp cứng rắn và triển khai quyết liệt hơn nhằm đẩy lùi vấn nạn, phục hồi sự trong sạch cho ngành xuất bản nước nhà. Sách lậu chiếm lĩnh thị trường không chỉ tổn hại lớn đến các đơn vị làm sách chân chính mà còn làm hư hại, lệch lạc nguồn tri thức của con trẻ, của cả xã hội. 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Báo Thái Lan lên cơn sốt với Xuân Trường sau hai siêu phẩm tại V-League

Màn trình diễn của tiền vệ Xuân Trường trong chiến thắng của HA Gia Lai trước Thanh Hoá ở vòng 18 V-League nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông Thái Lan. Thậm chí báo chí xứ Chùa vàng còn đánh giá tiền vệ từng chơi bóng ở Buriram sở hữu bàn chân vàng.

Nguồn: Pháp luật Plus