Bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ

27/02/2022 10:38

Kinhte&Xahoi Chợ truyền thống hiện vẫn là một trong những kênh phân phối thực phẩm tươi sống chiếm ưu thế trong các loại hình phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, việc chấp hành đúng các quy định về kinh doanh hàng hóa bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm chỉ được thực hiện tốt ở một số chợ lớn tại các quận nội thành; còn các chợ nhỏ lẻ, tự phát vẫn tiềm ẩn nhiều nỗi lo.

Chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) đã thí điểm quản lý và cấp biển nhận diện thực phẩm an toàn. Ảnh: Nguyễn Quang

Nơi làm tốt, nơi bất cập

Chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) hiện có 17 hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm; 28 hộ kinh doanh thủy, hải sản; 31 hộ kinh doanh rau xanh; 10 hộ kinh doanh trái cây; 2 hộ kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn…

Trưởng ban quản lý chợ Hôm - Đức Viên Nguyễn Đức Trung cho biết, Ban quản lý chợ yêu cầu các hộ kinh doanh thực phẩm ký cam kết thực hiện quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. 6h30 hằng ngày, cán bộ Ban quản lý kiểm tra hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa vào chợ. Thứ sáu hằng tuần, Ban quản lý lập đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm. Việc lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm hiện do quận và thành phố kiểm tra đột xuất, khi phát hiện vi phạm sẽ phối hợp xử lý theo quy định.

Chị Lê Hoài Thanh, tiểu thương kinh doanh rau tại chợ Hôm - Đức Viên nói: “Việc Ban quản lý kiểm tra thường xuyên giúp các tiểu thương ý thức hơn trong bảo đảm quy định về an toàn đối với sản phẩm”.

Được biết, Sở Công Thương Hà Nội cùng UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm trên địa bàn. Điển hình như quận Cầu Giấy đã thí điểm quản lý và cấp biển nhận diện cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ Nghĩa Tân, chợ Đồng Xa. Quận Long Biên cũng có 15 chợ đạt tiêu chí “Chợ văn minh thương mại”. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế UBND quận Long Biên Nguyễn Ngọc Vĩnh, cơ sở vật chất tại các chợ được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm được kiểm soát tốt hơn.

Tuy nhiên, việc chấp hành quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm chỉ được thực hiện tốt ở các chợ lớn. Còn ở các chợ nhỏ lẻ, tự phát, việc kiểm soát vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thường xuyên; cơ sở vật chất rất yếu kém, xuống cấp. Điển hình như thực phẩm nấu chín và thực phẩm tươi sống được bày bán cạnh nhau, thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện mất vệ sinh. Nguyên nhân là phần lớn các gian hàng chật hẹp, thiết bị, dụng cụ để thực phẩm không đạt tiêu chuẩn. Hàng hóa được phân phối rất đa dạng, khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng.

Chị Nguyễn Thị Mai (trú tại đường Trần Phú, thị trấn Thường Tín) lo lắng: “Thực phẩm chế biến sẵn để trong chậu, xoong hay trong tủ kính nhưng chưa chắc đã an toàn vì người mua không biết rõ nguồn gốc và mức độ tươi mới của thực phẩm đến đâu”.

Tăng cường quản lý, giám sát

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá, trong những năm qua, công tác quản lý, phát triển chợ đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, ngoài một số chợ đã được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp, còn nhiều chợ tạm, chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự hiểu biết các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của một số đơn vị quản lý chợ và cơ sở kinh doanh thực phẩm còn hạn chế. Vì vậy, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, nhằm cung ứng nguồn thực phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm phục vụ người dân Thủ đô.

Việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, hướng dẫn về các trang thiết bị kinh doanh, bảo quản thực phẩm, cấp biển nhận diện cho các cơ sở đáp ứng yêu cầu sẽ được tăng cường. Qua đó, các đơn vị liên quan sẽ thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để cấp hoặc thu hồi biển nhận diện của cơ sở kinh doanh. Các chợ sẽ bố trí nơi làm việc của tổ kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm (test) nhanh hằng ngày đối với thực phẩm kinh doanh tại chợ. Bên cạnh việc ký cam kết, cơ sở kinh doanh phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa hoặc sổ sách ghi chép nhật ký mua bán để truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

“Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi đưa vào chợ; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thiết lập đường dây nóng và công khai các cơ sở vi phạm”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà thông tin, quận đã tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh hoàn thiện điều kiện theo quy định để được cấp biển nhận diện, bố trí trạm test nhanh thực phẩm tại chợ để người tiêu dùng có thể kiểm tra. Còn Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu đề xuất thêm, cơ quan quản lý cần xây dựng phần mềm quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

 Thanh Hiền - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tuyển chọn tình nguyện viên phục vụ SEA Games 31: Nỗ lực vì một kỳ đại hội thành công

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) sẽ diễn ra vào tháng 5-2022 tại Việt Nam. Để tổ chức thành công kỳ đại hội thể thao lớn nhất khu vực, lực lượng tình nguyện viên là một trong những yếu tố rất quan trọng. Ban tổ chức nước chủ nhà đang tích cực chuẩn bị, nỗ lực vì một kỳ đại hội thành công.

Thủ tướng Chính phủ chúc mừng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam

Ngay sau trận chung kết Giải vô địch bóng đá U23 Đông Nam Á 2022 kết thúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lời chúc mừng và biểu dương toàn thể các cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam, Ban huấn luyện đã rất xuất sắc giành chiến thắng trước đội tuyển U23 Thái Lan trong trận chung kết để đăng quang ngôi vô địch.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1025712/bao-dam-an-toan-thuc-pham-tai-cho