Bao giờ điện ảnh Việt có phim trường đúng nghĩa?

07/12/2019 09:27

Kinhte&Xahoi Ấp ủ nhiều kịch bản nhưng không thể bắt tay vào thực hiện; phim hay về mọi mặt nhưng phải "nhặt sạn" bối cảnh... Rất nhiều nguyên nhân đến từ việc thiếu phim trường chuyên nghiệp đã cản bước chân những người yêu điện ảnh Việt.

Được xây dựng từ năm 2014 để thực hiện phim “Phật hoàng Trần Nhân Tông”, đến nay phim trường Yên Tử (Quảng Ninh) vẫn còn ngổn ngang

Chật vật tìm phim trường

Đi khảo sát 100 ngôi nhà cổ để tìm ra địa điểm quay phim, đó là chia sẻ của đạo diễn bộ phim “Tiếng sét trong mưa” Phương Điền. Ngoài công sức tìm kiếm, khảo sát, đoàn làm phim phải trả số tiền hàng chục triệu đồng cho mỗi một ngày quay phim.

Đó không phải là một tình huống cá biệt đối với người làm phim. Nhiều đạo diễn từng chia sẻ, kịch bản hoàn tất, mọi thứ có sẵn trong tay nhưng nhiều khi khâu khó khăn, cản trở nhất cho bộ phim lại là... phim trường. Tìm phim trường đẹp, chất lượng, cảnh phong phú quá khó khăn, nhiều đạo diễn phải chấp nhận cách truyền thống, là tìm nhà dân để mượn bối cảnh quay.

Mà phim trường thì còn dễ xử lý bối cảnh, thay đổi theo ý muốn. Còn nhà dân thì chỉ có thể thay đổi qua loa. Nhiều khán giả xem phim truyền hình phát quen với ngôi nhà, khung cảnh, vì gặp đi gặp lại trong nhiều phim. Một vài ngôi biệt thự quận 2 còn được người ta "nhẵn mặt" khi chưa từng đến, vì chuyên được thuê để đóng phim.

Tìm phim trường quả không dễ dàng gì. Một nữ đạo diễn nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ, có những kịch bản cực hay, tâm đắc với những chi tiết đắt giá. Nhưng đến khi đụng thực tế thì đành bó tay, phải sửa kịch bản, vì thực tế phim trường không cho phép thực hiện những cảnh quay ấy, hoặc không tìm đâu ra bối cảnh phù hợp.

Hiện, phim trường trong nước giờ đây chủ yếu là những phim trường cỡ nhỏ, có cảnh dựng thô sơ để người làm phim đến quay cũng được, mà đoàn chụp ảnh cưới vào chụp cũng... hợp luôn. 

Nhiều phim trường kiêm studio, nhìn lên hình, lên những clip quảng cáo có vẻ lung linh, thực tế chỉ dùng không chuyên để "sống ảo", chứ lên phim thì "không giống ai". Có đạo diễn chia sẻ, nhiều khi mang tiếng là thuê phim trường, thực tế có sử dụng được bao nhiêu bối cảnh đâu.

Chủ yếu lấy một trảng cỏ, cái cây hay cánh đồng hoa, thậm chí là bãi đất trống, còn lại các phần chính như nhà cửa hay các khung cảnh khác đoàn phim phải tự dựng, lắp cho phù hợp nhu cầu của bộ phim. Nói chung, thuê phim trường thực ra là... thuê mặt bằng rộng mà thôi.

Khó làm phim cổ trang

Nhiều nhà làm phim chia sẻ, nếu phim hiện đại, cái khó về phim trường chiếm 3 phần thì với phim cổ trang, khó khăn về phim trường chiếm đến phân nửa cái khó trong làm phim. Thiếu phim trường cổ trang, các đạo diễn muốn đúng bối cảnh phải sử dụng phương án lắp ghép. Nghĩa là quay chỗ này một ít, chỗ kia một ít rồi ghép cảnh lại với nhau.

Phương án này đảm bảo bối cảnh đẹp, nhuyễn gần như ý, nhưng cái khổ của đoàn làm phim là vừa cực khổ di chuyển xa xôi, đến nhiều địa điểm khác nhau, có khi đi hết tỉnh này đến tỉnh khác, thậm chí di chuyển từ miền Bắc ra miền Trung, phát sinh biết bao chi phí. 

Chẳng hạn như bộ phim “Phượng Khấu” mới đây, đạo diễn thổ lộ cũng phải "chạy đôn chạy đáo" tìm phim trường mất một thời gian. Sau đó, tìm được phim trường thì phải "gia công" lại phần lõi của các ngôi nhà để phù hợp phong cách cổ điển Huế, phù hợp với bối cảnh thời Nguyễn. 

Chính việc thiếu những phim trường lớn, chuyên nghiệp như thế đã làm "chùn bước" các nhà làm phim đề tài cổ trang. Chúng ta vẫn thường than lịch sử Việt Nam rất hào hùng, rất hay, nhiều câu chuyện đẹp xứng đáng thành chất liệu của những bộ phim hấp dẫn. Thế nhưng, không có phim trường phù hợp thì dự án phim hoành tráng cỡ nào, kịch bản hấp dẫn đến đâu cũng thành vô ích.
 
Thực ra, không phải cho đến nay chưa có các phim trường cổ trang lớn được xây dựng, nhưng đa số đều được làm nửa vời. Có phim trường xây mãi chưa có hồi kết, như trường hợp phim trường Yên Tử, Quảng Ninh, xây dựng từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Có phim trường thì đầu tư lớn, kinh phí trăm tỉ mà không tới nơi, thế nên không được các nhà làm phim lựa chọn nhiều. Có trường hợp thì “đắp chiếu” để đó, như phim trường Cổ Loa.

Nhìn sang nhiều nước trong khu vực, có những phim trường châu Á nổi tiếng thế giới như Universal của Singapore, TVB Hồng Kông, Jeju Hàn Quốc... không chỉ được xây dựng quy mô và chuyên nghiệp đủ để đáp ứng nhu cầu của bất kì kịch bản điện ảnh nào, mà còn nổi tiếng với dân du lịch thế giới.

Nói về phim trường cổ trang thì cũng như cái nghịch lý chung của điện ảnh Việt. Người ta bỏ tiền nhà nước trăm tỉ làm phim, phim công chiếu không ai xem, còn người làm phim tư nhân có tài, có kịch bản hay, chất lượng thì huy động vốn, chạy vạy từng đồng, có khi phá sản vì làm phim.

Trong khi một số phim trường được duyệt kinh phí trăm tỉ rồi không hợp lý, nằm chờ hư hại thì một phim trường chuyên nghiệp với nhiều chức năng phù hợp, đa dạmg, có thể đem lại nguồn thu cao từ nhu cầu làm phim lẫn các nhu cầu khác thì mãi chưa được cân nhắc đến. 

Đâu phải chúng ta thiếu những tài năng, những cái đầu có thể tư duy và thực hiện được những phim trường đẹp, chuyên nghiệp. Nhưng vì sao cú bắt tay giữa những người quản lý ngành Điện ảnh và tư nhân có đầu óc kinh doanh, có sáng tạo vẫn chưa được thực hiện? Để rồi, một nền điện ảnh Việt đang trên đà phát triển, mong muốn được phát triển với những người trẻ đầy tâm huyết lại bị kìm hãm, với một trong những lý do lớn là... thiếu phim trường?

Đạo diễn Mai Thế Hiệp: Luôn mơ ước một phim trường chuyên nghiệp

Tôi và hầu hết các đạo diễn trong nước đều đau đáu khi Việt Nam chưa có phim trường thực sự. Lấy ví dụ, một bộ phim bối cảnh Sài Gòn cách đây vài chục năm, đơn giản thế mà khó lòng quay được vì không có bối cảnh. Hay như dòng phim cổ trang, lịch sử dân tộc là những chất liệu tuyệt vời để làm phim, nhưng đến nay có mấy phim Việt cổ trang hấp dẫn? Hầu như nhà làm phim Việt chưa chạm vào được đến mảng miếng này, nguyên nhân lớn nhất là vì không có phim trường.Như bộ phim “Thiên mệnh anh hùng” trước đây tôi từng tham gia. Thực sự thì khán giả yêu thích, phim được đánh giá thành công, nhưng nếu "soi" kĩ từng chi tiết sẽ thấy có những lỗi về mặt bối cảnh, thời Lê không ra thời Lê, thời Lý không ra thời Lý, không đặc thù kiến trúc của một thời nào.

Người ngoài khó có thể hình dung hết khó khăn trong quá trình dựng phim. Đơn giản chỉ bối cảnh từ trong nhà ra đến đường, đoàn làm phim đã phải ghép không biết bao bối cảnh được thực hiện ở Hà Nội, Bắc Giang...

Hiện bản thân tôi có một kịch bản cổ trang đã ôm ấp gần 4 năm nay, tất cả mọi yếu tố khác đều có thể sẵn sàng, phù hợp như diễn viên, phục trang, đạo cụ... Riêng về bối cảnh là bất lực. Tôi cũng đã tìm các phương án lắp ghép, nhưng không thể nào ra được bối cảnh thời Lê Trung Hưng như trong kịch bản.

Theo tôi, người làm phim có trách nhiệm với khán giả, đã làm thì phải làm hết sức, làm cho tới chứ không thể đòi khán giả thông cảm vì tình hình khách quan được. Hiện khán giả đã tiếp cận nền điện ảnh thế giới, yêu cầu, đòi hỏi và góc nhìn thẩm mỹ cũng cao hơn nhiều.

Vì thế, nhiều đạo diễn mơ ước nhiều nhưng đành bỏ cuộc, bỏ dở vì không muốn tạo ra một sản phẩm nhiều “sạn” gây phiền lòng cho người xem. Mơ ước của tôi và các nhà làm phim nói chung là làm thế nào để có một phim trường chuyên nghiệp, để người làm phim có thể thỏa chí "tung hoành" với điện ảnh.
  


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/bao-gio-dien-anh-viet-co-phim-truong-dung-nghia-d112634.html