Bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo lực súng đạn

27/05/2022 17:01

Kinhte&Xahoi Vụ xả súng kinh hoàng tại một trường tiểu học ở Uvalde, bang Texas, Mỹ, xảy ra khi chỉ vài ngày nũa là đến Quốc tế thiếu nhi 1/6. Vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bạo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo lực súng đạn tại quốc gia này.

Những vụ xả súng trong trường học tồi tệ nhất tại Mỹ

Trước vụ xả súng tại trường tiểu học ở Uvalde, bang Texas, nước Mỹ cũng đã chứng kiến nhiều vụ thảm sát bằng súng tồi tệ trong trong trường học.

Ngày 20/4/1999, hai thiếu niên ở Columbine, Colorado, mang theo nhiều loại vũ khí và bom tự chế đến gây rối trường trung học của họ. Kết quả, 12 học sinh và 1 giáo viên đã thiệt mạng, còn 24 người khác bị thương trong vụ thảm sát ngày hôm đó.

Thảm sát Đại học Bách khoa Virginia, hay còn gọi là thảm sát Virginia Tech là một vụ bắn giết kinh hoàng, xảy ra tại khuôn viên trường Đại học Bách khoa Virginia, thuộc khu vực Blacksburg, Virginia, Mỹ vào ngày 16/04/2007.

Đài tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng trong khuôn viên Viện Công nghệ Virginia năm 2007 (Ảnh: AFP)

Sau hai lần tấn công riêng lẻ, mỗi lần cách nhau gần 2 tiếng đồng hồ thì tay súng người đã khiến 32 người thiệt mạng và 33 người khác bị thương. Sau đó, thủ phạm đã tự sát.

Ngày 14/12/2012, một nam thanh niên 20 tuổi có hồ sợ bệnh án tâm thần đã sát hại mẹ ruột ở thị trấn Newtown, Connecticut, rồi chạy thẳng đến trường tiểu học Sandy Hook. 20 học trò nhỏ ở độ tuổi 6 - 7 tuổi đã bị bắn chết cùng với 6 người lớn khác. Hung thủ sau đó đã tự sát.

Khoảng 14h chiều 14/2/2018 (giờ địa phương) một thanh niên có tên Nicolas de Jesus Cruz, 19 tuổi, là cựu học sinh của trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, bang Florida, Mỹ đã mang theo 1 khẩu súng trường và xả súng từ bên ngoài, sau đó tiến vào trong ngôi trường. Vụ xả súng kinh hoàng đã khiến 17 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

10 người trong đó có 8 học sinh đã thiệt mạng khi một học sinh 17 tuổi đem theo súng lục để tấn công các bạn học tại vùng ngoại ô Santa Fe, Texas. Buổi học vừa mới chỉ bắt đầu vào buổi sáng 18/5/2018, khi vụ thảm sát xảy ra.

Sau vụ việc, Thống đốc Texas Greg Abbott đã đưa ra 40 khuyến nghị, chủ yếu tập trung vào việc tăng cường an ninh trong phạm vi trường học và đẩy mạnh kiểm tra sức khỏe tâm thần để phát hiện kịp thời các thanh, thiếu niên gặp vấn đề tâm lý.

Vấn nạn sử dụng súng đạn tại Mỹ

 Mối đe dọa về bạo lực súng đạn là một vấn đề nhức nhối tại Mỹ. Từ khi còn nhỏ, học sinh tại nước này được thực hành các bài tập ứng phó với những sự việc như tấn công súng đạn, học cách ẩn nấp trong các lớp học tắt đèn và có rào chắn cửa ra vào.

Sự gia tăng các vụ xả súng cũng khiến nhiều trường học phải lắp đặt cửa sổ và cửa ra vào chống đạn, khóa đặc biệt, máy dò kim loại, thậm chí thuê nhân viên an ninh có vũ trang.

Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như vẫn chưa đủ khi các vụ nổ súng tại trường học vẫn diễn ra thường xuyên tại Mỹ.

Bạo lực súng đạn tại trường học ở Mỹ đang ở mức cao kỷ lục. Theo ông David Riedman, trưởng nhóm nghiên cứu về các vụ xả súng trường học của trường Đào tạo sau đại học Hải quân Mỹ, từ đầu năm nay, hầu như ngày nào tại Mỹ cũng ghi nhận một vụ xả súng liên quan đến trường học.

Nỗi kinh hoàng của các em học sinh sau vụ xả súng kinh hoàng tại trường tiểu học Robb ở thị trấn Uvalde, bang Texas, Mỹ ngày 24/5/2022 (Ảnh: AFP)

Theo Riedman, đã có 137 vụ nổ súng xảy ra tại các trường học Mỹ trong năm nay, so với 249 vụ vào năm ngoái. “Điều đáng quan ngại là xu hướng bạo lực súng đạn có hệ thống tại các trường học đang gia tăng đáng kể, đặc biệt là tại các trường trung học. Học sinh mang theo vũ khí đến trường và nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra”, ông nói.

Theo thống kê, người Mỹ hiện sử dụng 400 triệu khẩu súng. Nếu tính bình quân, một gia đình 5 người tại Mỹ sẽ sở hữu tới 6 khẩu súng. Năm 2020, có 45.000 người Mỹ thiệt mạng liên quan đến thương vong do súng đạn gây ra. Số thanh niên chết vì súng lớn hơn so với chết vì tai nạn giao thông.

Kiểm soát súng đạn luôn là bài toán khó đối với Mỹ bởi đây là một trong số ít quốc gia trên thế giới quy định quyền sở hữu súng trong Hiến pháp.

Quy định nới lỏng về kiểm soát súng đạn dẫn đến thực tế ở nhiều nơi như Texas, người 21 tuổi trở lên được mang theo súng mà không cần giấy phép hay huấn luyện. Người 18 tuổi trở lên có thể mua súng nếu người này đến từ một gia đình có bạo lực (lý lẽ là để từ vệ trước người thân có hành vi bạo hành). Mua súng là việc đầu tiên mà thủ phạm vụ xả súng kinh hoàng tại trường tiểu học ở Uvalde làm khi tròn 18 tuổi…

Bên cạnh những lỗ hổng trong quản lý súng đạn, giới chuyên gia cho rằng, tình trạng phân biệt đối xử, những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần do cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19 cũng là một phần nguyên nhân đẩy các chỉ số về bạo lực súng đạn tăng vọt tại Mỹ trong hai năm trở lại đây.

Trước tình hình trên Tổng thống Biden một lần nữa kêu gọi người dân Mỹ cùng hành động mạnh mẽ hơn, để khôi phục lệnh cấm mua bán vũ khí tấn công và các luật liên quan quyền sở hữu súng, cũng như thúc đẩy sớm thông qua các dự luật kiểm soát súng đạn, vốn luôn được xem là "vấn đề nhạy cảm” nhất tại Mỹ trong nhiều năm qua.

 Tuệ Uyên - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đoàn Thể thao Hà Nội đóng góp 151 huy chương ở SEA Games 31

Kết thúc SEA Games 31, Đoàn thể thao Việt Nam giành được 205 Huy chương Vàng (HCV), 125 Huy chương Bạc (HCB), 116 Huy chương Đồng (HCĐ), phá vỡ "kỷ lục" 194 HCV mà đoàn Indonesia giành được ở SEA Games 19 tổ chức năm 1997. Đóp góp vào thành tích này là những tấm huy chương của Đoàn thể thao Hà Nội.

SEA Games 31 và những con số ấn tượng

Với 205 Huy chương Vàng, 125 Huy chương Bạc và 116 Huy chương Đồng, Việt Nam xếp nhất toàn đoàn trên Bảng tổng sắp huy chương SEA Games 31. Không những vậy, Việt Nam còn vượt xa kỷ lục của Indonesia lập tại SEA Games Jakarta 1997, với 194 HCV.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bao-ve-tre-em-truoc-van-nan-bao-luc-sung-dan-197472.html