Bến thủy nội địa không phép khó xử lý vì liên quan đến người nhà cán bộ quận 9?

22/03/2019 09:03

Kinhte&Xahoi Mặc dù đã bị cơ quan chức năng nhiều lần xử lý nhưng bến thủy nội địa Nguyễn Thị Nga vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp pháp luật

Hết phép vẫn ngang nhiên hoạt động

 Bến thủy nội địa Nguyễn Thị Nga. (Ảnh: Anh Tuấn)

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc một loạt công trình "khủng" không phép mọc lên tại phường Long Bình, quận 9, TP HCM phóng viên Pháp luật Plus phát hiện khu vực này còn tồn tại tình trạng san lấp sông, rạch để làm bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, làm Bến thủy nội địa (BTNĐ) hoạt động ngay gần trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, bức xúc dư luận.

Được biết, bến thủy nội địa này trước đây do Sở GTVT TPHCM cấp cho bà Nguyễn Thị Nga (địa chỉ: Số 11 đường 19, phường Phước Bình, quận 9), với mục đích sử dụng phương tiện thủy neo đậu bốc dỡ vật liệu xây dựng tại vị trí bến từ km thứ 29+190 đến km 29+320, thời gian hoạt động từ ngày 24/10/2017 đến ngày 25/1/2018. Hàng ngày lượng xe tải vẫn ra vào khu vực này thường xuyên để chở vật liệu.

 Bến thủy nội địa không phép hoạt động rầm rộ ngay gần khu dân cư.

Theo hồ sơ của cơ quan chức năng đến thời điểm hiện tại thì bến thủy nội địa Nguyễn Thị Nga đã hết thời hạn hoạt động hơn một năm nay, nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường vào giữa tháng 3/2019 thì bến vẫn hoạt động bình thường. 

Đáng chú ý, tại khu vực bến thủy nội địa này xảy ra tình trạng lấn sông Đồng Nai, lấn rạch để hoạt động. Cụ thể, diện tích lấn sông Đồng Nai mà cơ quan chức năng xác nhận là 2.844,4m2 và diện tích lấn rạch là 2.283,5m2.

Tại các khu vực này, bà Nga dùng đoạn giải phân cách bê tông của đường giao thông làm bờ kè, sử dụng các phần đất này vào hoạt động của Bến thủy nội địa Nguyễn Thị Nga, chứa vật liệu xây dựng, trồng cây, làm nhà ăn, nhà vệ sinh và kho hóa chất (một phần công trình nằm trên phần diện tích lấn rạch).

Mặc dù bị xử lý nhiều lần, nhưng bến thủy nội địa Nguyễn Thị Nga vẫn ngang nhiên hoạt động. (Ảnh: Anh Tuấn)

Dân khiếu nại, cơ quan chức năng xử phạt, không phép vẫn ngang nhiên tồn tại

Bức xúc trước những vi phạm trong quản lý sử dụng đất, xây dựng và hoạt động lấn sông, lấn rạch của BTNĐ Nguyễn Thị Nga, người dân đã làm đơn tố cáo đến Chủ tịch UBND quận 9.

Ở một diễn biến khác, ngày 13/06/2017 bà Nguyễn Thị Nga đã chuyển nhượng 2522 m2 đất (thửa đất số 1024, tờ bản đồ số 16) cho ông Nguyễn Thế Dũng (phường 14 – Tân Bình, TPHCM)

Trong thông báo kết quả giải quyết tố cáo của UBND quận 9, thì bà Nguyễn Thị Nga đã cho Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Đại Gia Huy và Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hiệp Đại Phát thuê làm bãi trung chuyển cát, đá xây dựng.

Theo kết luận của chính quyền thì bà Nga không còn liên quan gì với bến thủy nội địa Nguyễn Thị Nga nhưng thật bất ngờ, vào ngày 24/10/2017 bà Nguyễn Thị Nga vẫn đứng tên làm hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa mang tên mình (Nguyễn Thị Nga) và đã được Sở GTVT cấp phép hoạt động đến ngày 25/1/2018.

Được biết, ngày 13/6/2018, Sở GTVT TP HCM đã có văn bản thông báo về việc không gia hạn hoạt động bến thủy nội địa Nguyễn Thị Nga và đề nghị Cảng Vụ đường thủy nội địa khu vực III cùng Cảng Vụ đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh đình chỉ hoạt động của bến thủy nội địa này.

Vào tháng 8/2018, đoàn kiểm tra của Sở GTVT TP HCM đã phát hiện BTNĐ Nguyễn Thị Nga đã hết hạn nhưng vẫn hoạt động. Sở GTVT đã đề nghị UBND quận 9 chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm

Dù bị cơ quan chức năng đề nghị xử lý, thế nhưng trên thực tế hiện tại Bến thủy nội địa Nguyễn Thị Nga vẫn hoạt động bình thường, bất chấp quy định của pháp luật. Câu hỏi đặt ra là UBND phường Long Bình, UBND quận 9, có thực sự kiên quyết, mạnh tay xử lý vi phạm hay chưa? Hay còn tình trạng nể nang vì có liên quan đến người nhà của cán bộ quận 9?

Bị tố cáo vì bao che cho vợ

Được biết, bà Nguyễn Thị Nga là vợ của ông Nguyễn Công Dẫn - Phó Chánh Văn phòng HĐND – UBND quận 9.

Trước đó, năm 2017, ông Dẫn từng bị người dân tố cáo về những hành vi có dấu hiệu bao che cho sai phạm, để vợ là bà Nguyễn Thị Nga tự ý thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật.

Vụ việc sau đó đã được Chủ tịch UBND quận 9 ra Thông báo kết quả giải quyết tố cáo về những hành vi trên.

 

Theo Phapluatplus.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mất ngôi sao đầu tiên ở đội U23 Việt Nam, ông Park có quá lo lắng?

Tiến Linh là trường hợp vắng mặt thật sự đáng tiếc của đội tuyển U23 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á sắp diễn ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh chân sút này chấn thương, HLV Park Hang Seo không thể mạo hiểm và khả năng ông sẽ tìm thấy phương án thay thế hữu hiện.