Bóng bàn Việt Nam với Olympic: Khát vọng về lần thứ ba góp mặt

08/05/2024 09:51

Kinhte&Xahoi Từ ngày 6 đến 8-5, các tay vợt bóng bàn Việt Nam bước vào vòng tranh vé dự Olympic Paris 2024 khu vực Đông Nam Á.

Khát vọng giành vé dự Olympic Paris 2024, cũng là lần thứ ba góp mặt ở sân chơi này của các nhà quản lý, huấn luyện viên (HLV) và các tay vợt bóng bàn Việt Nam là có thật dù biết rằng không dễ thực hiện điều đó.

Đội tuyển bóng bàn Việt Nam trong thời gian tập huấn tại Trung Quốc chuẩn bị cho vòng loại Olympic Paris 2024. Ảnh: VTTF

Sân chơi ngày càng khó khăn

Đội tuyển bóng bàn Việt Nam dự vòng loại Olympic Paris 2024 khu vực Đông Nam Á với 4 tay vợt: Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng (nam), Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Khoa Diệu Khánh (nữ). Cả bốn được đánh giá là đang đạt phong độ tốt. Dẫn dắt đội tuyển là cựu tay vợt nổi tiếng Đoàn Kiến Quốc. Trong cả 2 kỳ Olympic 2004 và 2008, Đoàn Kiến Quốc đều góp mặt sau khi vượt qua vòng loại khu vực Đông Nam Á, và anh cũng là tay vợt Việt Nam duy nhất từng giành vé chính thức tham dự Olympic.

Sau Olympic 2008, bóng bàn Việt Nam không có thêm tay vợt nào góp mặt ở sân chơi Olympic. Sân chơi này trước đây vừa sức với bóng bàn Việt Nam, nhất là các nội dung nam, nhưng đến nay, đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều khi những tay vợt của Singapore, Philippines, Malaysia, Thái Lan… được tạo nhiều cơ hội thi đấu quốc tế ngay từ cấp độ trẻ. Thế nên, từ chỗ có điểm xuất phát ngang bằng, thậm chí kém hơn, dần dà các tay vợt từ các nước này đã vượt qua các tay vợt Việt Nam.

Ít có cơ hội thi đấu quốc tế là điểm thua thiệt của bóng bàn Việt Nam so với nhiều nước khác trong khu vực. Việc dự 1 - 2 giải đấu quốc tế cùng một số chuyến tập huấn ở nước ngoài trong một năm không thấm vào đâu so với nhu cầu nâng cao trình độ của các tay vợt hàng đầu Việt Nam.

Vòng loại Olympic Paris 2024 khu vực Đông Nam Á lần này được đánh giá là cực kỳ khó khăn với các tay vợt Việt Nam. Dự giải có 12 tay vợt nam và 9 tay vợt nữ; ngoài 4 tay vợt Việt Nam, các tay vợt khác của Đông Nam Á gồm Izaac Quek, Pang Yew En Koen (Singapore), Nayre Jann Mari, Misal John Russel (Philippines), Niman Nikola, Susilo Braydon (Indonesia), Choong Javen, Wong Qi Shen (Malaysia), Sanguansin Phakpoom, Thanmathikom Napat (Thái Lan) ở nội dung nam; Aminah Siti (Indonesia), Zeng Jian, Zhou Jingyi (Singapore), Cruz Kheith, Laude Joyce (Philippines), Ho Ting, Chang Li Sian Alice (Malaysia) ở nội dung nữ.

Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn nhận định, đây sẽ là cuộc đấu khó khi hai tay vợt của Singapore là đương kim vô địch đơn nam, đơn nữ tại SEA Games 32 - Izaac Quek (nam), Zeng Jian (nữ) - đều thi đấu tại giải. Trong khi đó, tại vòng loại lần này, chỉ tay vợt vô địch đơn nam, đơn nữ mới giành vé dự Olympic Paris 2024.

Tiền thưởng và ý nghĩa của việc tập huấn ở nước ngoài

Tham dự vòng loại Olympic Paris 2024, các tay vợt Việt Nam sớm nhận được thông báo treo thưởng “nóng” từ phía Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam. Theo đó, mức thưởng “nóng” mà Liên đoàn dành cho tuyển thủ giành tấm vé dự Olympic Paris 2024 là 100 triệu đồng.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Nguyễn Xuân Vũ cho biết, mức thưởng này nhằm động viên tinh thần thi đấu cho các tay vợt, để họ bước vào vòng loại Olympic Paris 2024 với khát vọng đưa bóng bàn Việt Nam trở lại “bản đồ” Olympic.

Không kể mức thưởng trên, một số tay vợt khác trong đội như Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng dự kiến nhận được mức thưởng từ phía đơn vị chủ quản. Trong đó, theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội về chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV, HLV đạt thành tích cao của thành phố Hà Nội (ban hành vào cuối năm 2023) thì VĐV giành vé dự Olympic sẽ được nhận đãi ngộ 17 triệu đồng/ tháng tính theo chu kỳ Olympic (khoảng 4 năm). Hiện tại, Nguyễn Anh Tú đang là VĐV thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội (Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội), Đinh Anh Hoàng thuộc CLB Bóng bàn T&T Hà Nội.

Hiện nay, tất cả đều hiểu rằng họ phải tận dụng thời gian để chuẩn bị thật tốt sau khi chỉ có một đợt tập huấn khoảng 1 tháng (từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 4-2024 ở Nam Ninh, Trung Quốc) và khoảng thời gian còn lại là rất ít. Như nhiều người nhận định trong sự tiếc nuối, nếu 100 triệu đồng treo thưởng được chuyển đổi thành kinh phí thi đấu quốc tế trước vòng loại này thì có lẽ tấm vé dự Olympic sẽ “gần” các tay vợt Việt Nam hơn.

Khát vọng có lần thứ ba góp mặt ở sân chơi Olympic, sau hai lần tham dự vào năm 2004 và 2008, của bóng bàn Việt Nam là điều có thể nhận biết một cách rõ ràng. Nhìn vào thực lực VĐV các quốc gia tham dự vòng loại vào đầu tháng 5, các VĐV Việt Nam cần phát huy tối đa khả năng chuyên môn và có thêm một chút may mắn để hiện thực hóa ước mơ của mình.

Minh An - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thức tỉnh để làm lại tốt hơn

Đội tuyển U23 Việt Nam đã rời vòng chung kết Giải bóng đá U23 châu Á 2024, nơi mà những đội bóng xếp ở ba hạng đầu giành vé chính thức dự Olympic 2024 và đội xếp thứ tư chơi trận play-off với một đội bóng châu Phi để xác định tấm vé “vớt” tới Paris vào mùa hè năm nay.

Người 3 lần vô địch K-League dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam

Trưa 3-5, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chính thức thông tin, VFF và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được đồng thuận về các nội dung liên quan đến vị trí Huấn luyện viên (HLV) trưởng Đội tuyển nam và Đội tuyển U23 quốc gia Việt Nam, trong bản hợp đồng có thời hạn 2 năm.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/bong-ban-viet-nam-voi-olympic-khat-vong-ve-lan-thu-ba-gop-mat-665610.html