Bóng đá như cuộc đời

03/12/2022 15:27

Kinhte&Xahoi VAR khiến trận đấu bị chậm lại, công bằng hơn nhưng cũng gây nhiều tranh cãi.

Bàn thắng gây tranh cãi của đội tuyển Nhật Bản.

VAR là một thứ công nghệ đang kiểm soát tinh vi trò chơi bóng đá khiến những tình tiết của trận đấu như việt vị, phạm lỗi, quyết định thổi pennaty, thẻ đỏ, bóng trong sân hay ngoài sân… đều được VAR quyết định.

Điều đó dĩ nhiên phần nào mang lại sự minh bạch, công bằng cho trận đấu, nhưng phần nào khiến cho trận đấu bị gián đoạn, mất đi sự vô tư trong bóng đá. Bởi, đơn giản bóng đá là trò chơi mà trong đó có nhiều thứ con người tạo ra như: tiểu xảo, tranh chấp, thậm chí phần nào thiếu công bằng… Nhưng chính điều đó khiến cho con người mê bóng đá vì nó quá giống cuộc đời.

Nhưng bây giờ khi trận đấu đang diễn ra, bàn thắng đã được ghi, nhưng lại phải dừng lại vài phút để trọng tài lắng nghe quan điểm từ tổ VAR khiến cho trận đấu bị gián đoạn, tính liên tục trong bóng đá không còn.

Ông Phan Anh Tú, một chuyên gia bóng đá chia sẻ: “Tôi phải thừa nhận, công nghệ quả thực làm mất vui, chính xác hơn là làm ảnh hưởng đến cảm xúc hồn nhiên trong bóng đá. Không cần hình dung, bạn dễ dàng nhìn thấy ngay sự khắc nghiệt của VAR trên gương mặt các cầu thủ, với đủ sắc thái, từ ngơ ngác, thẫn thờ, tới bực bội, uất ức... khi vụt mất hạnh phúc vừa vỡ òa ít giây trước đó.

Bóng đá là môn thể thao có tính trình diễn cao, có yếu tố may rủi và vì vậy, sức hấp dẫn của bóng đá không chỉ đến từ sự kịch tính, căng thẳng mà còn từ cảm giác được tận hưởng hạnh phúc vỡ òa sau những pha kiến tạo. Nhưng sự chi li đến lạnh lùng của VAR có thể giết chết tất cả: một bàn thắng đẹp, một trận đấu hứa hẹn hay, những cảm xúc đáng lẽ được trọn vẹn...

Bàn thắng đến từ nỗ lực của toàn đội qua những pha phối hợp kiến tạo đẹp mắt, kết thúc bằng tuyệt phẩm vào lưới đối phương, cuối cùng không được công nhận chỉ vì một vài xăng ti mét việt vị cái vai hay ống tay áo; do cầu thủ nhạy bén hơn, sức rướn tốt hơn, bất chấp hai chân của họ không ở vị trí việt vị. Trong những trường hợp đó, thứ còn lại chỉ là sự hụt hẫng.

Nguy hiểm hơn, công nghệ trở thành một thứ ám ảnh lơ lửng với khán giả. Nó hình thành trạng thái tâm lý “không dám vui vội” trước các bàn thắng. Dường như khán giả phải tiết chế, chờ đợi vài giây xem liệu có vấn đề gì bất trắc sẽ xảy ra với niềm vui của họ không. VAR, một lần nữa, cướp mất quyền được bộc lộ cảm xúc tức thời của người xem”.

Đúng như ông Tú nói, không phải lúc nào sự lạm dụng VAR cũng chính xác. Mới đây, Trưởng ban trọng tài của FIFA ông Massimo Busacca thừa nhận một quyết định sai lầm của bộ phận trọng tài VAR cũng như trọng tài chính khi chỉ tay vào chấm 11m sau tình huống Jose Gimenez của Uruguay để bóng chạm tay trong vòng cấm trong trận Bồ Đào Nha gặp Uruguay tại World Cup 2022. Nhờ vậy, Bruno Fernandes mới có cơ hội ghi bàn thắng thứ 2 cho Bồ Đào Nha. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ là Alejandro Domínguez phàn nàn với Busacca về chuyện Uruguay bị thổi phạt đền oan.

Nhật Bản thắng Tây Ban Nha 2-1, bàn thắng thứ 2 của đội tuyển Nhật Bản gây ra tranh cãi trong cộng đồng khi trọng tài công nhận bàn thắng, còn hình ảnh chụp lại cho thấy bóng đã đi hết đường biên ngang. Nhưng quyết định là vẫn ở trọng tài khi ông cho rằng đã tham khảo VAR và quả bóng vừa chưa đi ra khỏi đường biên.

Maradona với bàn thắng mà anh gọi "bàn tay của Chúa"

Bóng đá luôn hấp dẫn vì sự kịch tính của nó. Có những sai lầm mang đến chiến thắng mà sau này cầu thủ ghi bàn mới nói ra. Maradona ghi bàn bằng tay trong trận gặp Anh tại World Cup 1986 sau này anh thừa nhận đó là “bàn tay của Chúa”. Nếu thời đó có VAR chắc bàn thắng không được công nhận.

Nhưng bóng đá là vậy. Những trận đấu như Nhật thắng Tây Ban Nha hôm qua người ta sẽ nói mãi về tình huống ghi bàn đó và người hâm mộ chấp nhận nó như một phần của cuộc chơi. Giống như chúng ta chấp nhận cuộc sống vốn dĩ luôn không công bằng vậy.

Tuấn Ngọc - Pháp luật Plus 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/bong-da-nhu-cuoc-doi-d187358.html