Các trường bắt nhịp dạy học tích hợp liên môn

06/01/2022 09:31

Kinhte&Xahoi Năm học 2021-2022, là năm học đầu tiên triển khai các môn học tích hợp từ nhiều đơn môn đối với lớp 6. Do môn học còn mới, một giáo viên chưa thể ngay lập tức đáp ứng dạy tích hợp nên việc kiểm tra, đánh giá cuối kỳ vẫn là thách thức lớn đối với nhà trường và bản thân các thầy cô.

Giáo viên lúng túng

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với bậc THCS, môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp thành hai môn chính là: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên (KHTN). Điều này gây ra không ít xáo trộn cho giáo viên khi đang quen từ phương pháp dạy đơn môn phải chuyển sang tích hợp liên môn nhưng vẫn phải đảm nhiệm dạy các đơn môn của lớp 7, 8, 9 theo chương trình.

Cô giáo hướng dẫn một số học sinh hành môn Tích hợp (ảnh tư liệu của trường THCS Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội)

Việc xây dựng tích hợp nội dung chính các môn theo chủ đề cùng với sự chú trọng đến yếu tố thực hành và thí nghiệm trong giảng dạy giúp cho bài học trở nên sinh động, thu hút với học sinh, tạo động lực để các em sáng tạo, tự tư duy theo suy nghĩ của bản thân. Tuy nhiên, giai đoạn đầu triển khai dạy môn học đặc biệt, nhà trường gặp khó trong việc sắp xếp, bố trí giáo viên cũng như thời khóa biểu dạy học, đặc biệt trong quá trình kiểm tra, đánh giá học sinh.

Năm học này, cô Đỗ Phương Thảo giáo viên trường THCS Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội) được phân công giảng dạy môn khoa học tự nhiên lớp 6: “Việc xây dựng môn học theo chủ đề giúp nội dung nào có sự trùng lặp sẽ tích hợp lại, vừa giảm tải kiến thức, vừa giúp học sinh trải nghiệm thực hành nhiều hơn trong quá trình học tập. Tuy nhiên thực tế triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề khó khăn. Khó nhất là việc quá tải số tiết của giáo viên giảng dạy. Chỉ trong một thời gian ngắn mà số tiết tăng lên đột biến, cùng với 4 tiết dạy các em học sinh lớp 6 với môn tích hợp, các thầy cô còn đảm nhiệm song song tiết Lý, Hóa, Sinh lớp 7, 8, 9”.

Cô Thảo còn cho biết, giáo viên cũng sẽ mất rất nhiều thời gian trong việc xây dựng nội dung đề kiểm tra định kỳ và chọn điểm kiểm tra thường xuyên. “Mỗi khi đến thời gian kiểm tra định kì, các thầy cô phải ngồi lại với nhau để đưa ra câu hỏi theo nội dung đã giảng dạy. Số lượng các câu hỏi vận dụng và đọc hiểu sẽ tuỳ vào từng chủ đề các em được học. Việc thống nhất, xây dựng ma trận, đáp án đề thi là vô cùng quan trọng”.

Các môn học tích hợp giúp học sinh năm vững kiến thức và áp dụng được vào thực tế

Cô Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, Ba Đình cho biết: “Mỗi bài kiểm tra được đưa ra dựa vào số tiết đã dạy của mỗi chủ đề. Ví dụ, với một bài kiểm tra 40 câu với môn Sinh chiếm tỷ lệ là 2/3 thì mình sẽ xây dựng câu hỏi với tỉ lệ đó. Nội dung Hóa học và Vật Lý cũng tương tự như vậy. Ngoài ra trong quá trình học trực tuyến, việc kiểm tra dưới hình thức trắc nghiệm là ưu tiên nhưng nếu thi trực tiếp sẽ kết hợp với cả bài thi tự luận tích hợp liên môn”.

Thực trạng 1 học sinh 3 cô giáo đánh giá trong việc dạy môn học tích hợp là thử thách đối với mỗi cán bộ giáo viên. Điều này đòi hỏi các thầy cô phải nỗ lực giảng dạy hiệu quả, đúng tinh thần, đồng thời đổi mới phương pháp kiểm tra phù hợp với năng lực học sinh và thuận tiện cho chính bản thân mình.

Vẫn còn khó khăn, vướng mắc

 Hiện nay, hầu hết các trường THCS đều chưa có giáo viên tích hợp được đào tạo chuẩn chuyên môn. Thầy cô phải nỗ lực hết sức trong việc xây dựng kế hoạch bài giảng và phối hợp chặt chẽ với nhau, vừa dạy vừa tự nâng cao dần năng lực chuyên môn.

Cô Nguyễn Thị Lan Hương cho biết thêm: “Một giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn nhưng phải dạy tích hợp kiến thức cả 3 môn. Các cô sẽ vẫn phải vừa học, vừa dạy vừa mò mẫm, vừa thảo luận và cải thiện kiến thức các môn học cùng nhóm ngành. Sắp tới, nếu có thêm hoạt động được bồi dưỡng và đào tạo kiến thức từ Bộ GD&ĐT thì một giáo viên sẽ dạy được cả môn tích hợp, chứ không cần phân cho nhiều người dạy một môn”.

Dù học trực tuyến nhưng các thầy cô vẫn cố gắng đưa môn học tích hợp đến gần hơn với các em học sinh

Tuy nhiên nhìn từ góc độ thực tế có thể thấy, việc dạy học tích hợp đã được đưa vào chương trình phổ thông, giúp học sinh phát huy rất tốt kỹ năng, giải quyết vấn đề thực tiễn một cách nhanh chóng; Việc dạy học tích hợp cũng góp phần lược bỏ kiến thức trùng lặp ở nhiều môn, giảm tải chương trình học gây áp lực nặng nề cho giáo viên và học sinh.

Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội) cho đến thời điểm này đã tiến hành xong việc kiểm tra và đánh giá học kỳ I. Thầy Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong bối cảnh học trực tuyến, đối với các môn có đánh giá bằng điểm số sẽ kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm trên cơ sở của ma trận đề đã thống nhất. Các tổ nhóm chuyên môn cùng nghiên cứu, thảo luận biên soạn nội dung ôn tập và kiểm tra cuối học kỳ. Nội dung đánh giá phải bảo đảm tỉ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học. Hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét được nhà trường khuyến khích thực hiện thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục cho các em học sinh”.

Được biết, tại trường THCS Ba Đình, môn Khoa học tự nhiên đã được tổ chức dạy tuần tự theo tiến trình của SGK (một giáo viên dạy tích hợp 3 môn). Do đó việc ôn tập và đánh giá cuối kỳ khá thuận lợi, giáo viên giảng dạy chủ động trong nội dung đánh giá và nhập kết quả đánh giá vào hệ thống. Bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm 100%. Môn Lịch sử và Địa lí bao gồm 2 phân môn Lịch sử và Địa lí, bài kiểm tra, đánh giá định kì theo tỷ lệ tương đương về nội dung dạy học của 2 phân môn tính đến thời điểm kiểm tra, đánh giá. Bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm 100%. Hiệu trưởng giao mỗi phân môn một giáo viên đại diện trong số các giáo viên được phân công dạy học chủ trì, thống nhất với giáo viên còn lại để quyết định nội dung đánh giá và phân công người hoàn thành kết quả đánh giá vào hệ thống điểm điện tử...

“Hiện nay, trường THCS Nguyễn Trãi đã hoàn thành kiểm tra và đánh giá học sinh với môn học tích hợp của học kì I. Ngoài những bài kiểm tra trắc nghiệm, các em học sinh sẽ tự nghiên cứu về chủ đề có trong nội dung học và trình bày trước lớp dự án của mình. Cô và các bạn khác trong lớp có thể góp ý. Như vậy, sau một kì học, các em sẽ có cái nhìn chính xác và nắm vững kiến thức hơn khi vừa kết hợp giữa nghiên cứu và thực hành”, cô Hương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi cho hay.

Bắt nhịp với chương trình dạy học tích hợp, các trường THCS rất cần sự quan tâm của Phòng, Sở và Bộ GD&ĐT trong việc giải quyết những vướng mắc đặt ra từ thực tế... Bên cạnh đó, để đáp ứng với yêu cầu này, giáo viên buộc phải tự nâng cao năng lực, trang bị kiến thức tích hợp bài bản và thay đổi phương pháp dạy học.

 Đình Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bổ sung kinh phí chuẩn bị tổ chức SEA Games 31

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 bổ sung 301 tỷ đồng từ nguồn dự toán chi sự nghiệp thể dục thể thao của ngân sách Trung ương năm 2021 để thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên cần thiết chuẩn bị cho SEA Games 31.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cac-truong-bat-nhip-day-hoc-tich-hop-lien-mon-187338.html