Châu Á: Nhiều công ty thử nghiệm ý tưởng tuần làm việc 4 ngày

06/05/2022 16:41

Kinhte&Xahoi Nhiều công ty trên khắp Châu Á đang thận trọng thử nghiệm ý tưởng: Một tuần làm việc bốn ngày vì thời gian làm việc kéo dài có thể gây mệt mỏi và không tỷ lệ thuận với năng suất lao động.

Nhiều công ty tại Nhật Bản đang có xu hướng áp dụng mô hình tuần làm việc 4 ngày (Ảnh: Istock)

Tại xứ sở Mặt trời mọc, đất nước từ lâu được biết đến với văn hóa làm việc áp lực gần đây đã đi đầu trong xu hướng tuần làm việc 4 ngày.

Theo đó trong tháng 4, công ty điện tử Hitachi của Nhật Bản thông báo họ sẽ triển khai tuần làm việc 4 ngày đối với 15.000 nhân viên trong năm tài chính này, dự kiến kết thúc vào tháng 3/2023.

Nhà phát triển trò chơi Game Freak, nổi tiếng với trò chơi Pokemon cũng cho biết công ty này đã áp dụng mô hình đối với một vài nhân viên. Các tập đoàn lớn khác như Panasonic và NEC cũng đang cân nhắc kế hoạch này.

Nhiều quốc gia khác khắp châu Á đang dần áp dụng chính sách tương tự. Tại Indonesia, công ty Alami đã giới thiệu tuần làm việc 4 ngày cho nhân viên của mình vào năm ngoái để cải thiện sức khỏe tinh thần và năng suất lao động.

Tại xứ sở kim chi, công ty giáo dục Eduwill đã áp dụng mô hình này từ năm 2019.

Tại Ấn Độ theo các quy định lao động mới được áp dụng trong năm nay, người lao động có thể được chọn làm việc 4 ngày/tuần, dù tổng thời gian làm việc khoảng 48 giờ/tuần sẽ không đổi.

Xu hướng làm viêc này này xuất hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhiều công ty lẫn nhân viên suy nghĩ lại về cách thức làm việc. Các cuộc khảo sát ở nhiều nước châu Á cho thấy tuần làm việc ngắn hơn là một trong những chính sách được người lao động mong muốn nhất.

Vừa qua, tập đoàn nhân sự khổng lồ của Nhật Bản Persol Holdings đã khảo sát khoảng 1.000 nhân viên về những chính sách mà họ muốn được áp dụng. Kết quả là 23,5% nhân viên (tỷ lệ lớn nhất) cho biết họ ủng hộ mô hình tuần làm việc kéo dài từ 3 đến 4 ngày.

Một báo cáo khác của Milieu Insight vào tháng 2 cũng chỉ ra xu hướng tương tự ở các nơi khác trong khu vực: 78% người được hỏi ở Việt Nam và 69% ở Indonesia bày tỏ mong muốn mạnh mẽ về tuần làm việc ít ngày hơn.

Tuy nhiên, đại dịch và tác động của nó đến hình thức làm việc chỉ là một phần yếu tố. Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản chật vật ứng phó với vấn nạn karoshi (tử vong do làm việc quá sức). Theo số liệu của chính phủ Nhật Bản, trong 3 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 2.800 yêu cầu bồi thường liên quan đến karoshi, tăng 43% so với 10 năm trước.

Tuy nhiên nếu không có sự chuẩn bị thích hợp thì việc thực hiện tuần làm việc 4 ngày sẽ dẫn đến thất bại

Các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc cũng nổi tiếng về tình trạng người lao động làm việc quá sức.

Trong văn hóa làm việc “996” của Trung Quốc (phổ biến trong lĩnh vực công nghệ ở nước này), nhân viên làm việc vất vả từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần.

Còn theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người Hàn Quốc làm việc trung bình 1.908 giờ vào năm 2020, cao nhất ở Châu Á và nhiều hơn 221 giờ so với mức trung bình của OECD.

Tuy vậy, thời gian làm việc kéo dài dẫn tới năng suất lao động không đạt hiệu quả. Một báo cáo năm 2021 của Tổ chức Năng suất châu Á cho thấy ngoài Singapore, nhiều quốc gia trong khu vực không theo kịp phương Tây về năng suất lao động. Mức năng suất trung bình của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thấp hơn 81% so với Mỹ.

Tuy nhiên xu hướng làm việc này cũng gặp nhiều thách thức. Kyoko Kida, người điều hành website tuyển dụng Nhật Bản Doda, cho biết một số công ty áp dụng một tuần làm việc 4 ngày đã chỉ ra một loạt vấn đề, ví dụ như khối lượng công việc giảm xuống nhiều hơn đối với một số nhân viên, cũng như khiến việc quản lý và tính toán lương phức tạp hơn. Vì thế, nếu không có sự chuẩn bị thích hợp thì việc thực hiện tuần làm việc 4 ngày sẽ dẫn đến thất bại.

Tại Trung Quốc, Bộ Lao động nước này cho rằng “chưa có cơ sở thực tiễn nào để rút ngắn thời gian làm việc”. Hơn nữa điều này sẽ tạo gánh nặng tài chính lên các doanh nghiệp. Ngoài ra, người tuyển dụng lao động sẽ phải trả thêm từ 150% đến 300% mức lương cơ bản cho thời gian làm thêm giờ.

Rút ngắn thời gian làm việc có thể cản trở Trung Quốc trở thành quốc gia phát triển hàng đầu vào năm 2035. Bên cạnh đó, cũng có nhiều thách thức khi các quốc gia áp dụng thay đổi đáng kể trong mô hình làm việc.

 Tuệ Uyên- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lịch thi đấu các môn tại SEA Games 31

SEA Games 31 tại Việt Nam là sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022. Đây là lần thứ 2 Đại hội Thể thao Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam. SEA Games 31 có tổng cộng 40 thể thao với 523 nội dung thi đấu.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chau-a-nhieu-cong-ty-thu-nghiem-y-tuong-tuan-lam-viec-4-ngay-195730.html