Covid-19: Kẻ thù giấu mặt kéo lùi nền kinh tế thế giới

15/04/2020 11:26

Kinhte&Xahoi Thế giới hiện đã ghi nhận hơn 1.2 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 65 nghìn ca tử vong. Những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã gây ra những cú sốc nghiêm trọng đối với cả nguồn cung và nhu cầu trên khắp thế giới, từ đó ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế, tài chính...

Cú sốc lớn đối với nền kinh tế

Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) thành phố với 11 triệu dân, tâm điểm của Covid-19 khi toàn thế giới dõi theo từng bước tiến ngăn chặn dịch bệnh này. Vũ Hán, còn là một trung tâm công nghiệp lớn, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô và là thỏi nam châm với các công ty nước ngoài. Nhưng kể từ khi Covid-19 hoành hành, nhiều nhà máy tại đây phải đóng cửa.

Nhìn nhận năm 2019 không thật sự lạc quan với kinh tế Trung Quốc khi chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 6%, mức thấp nhất trong gần 30 năm và giảm mạnh nếu so với con số 10.2% đạt được trong năm 2010.

Giới chức lãnh đạo Trung Quốc từng hy vọng 2020 sẽ là giai đoạn phục hồi sau khi thương chiến kéo dài với Mỹ đi vào thời kì tạm hòa hoãn. Nhưng Covid-19 đã phá hủy tất cả.

 
Trung Quốc là nhà xuất khẩu linh kiện và điện tử lớn nhất thế giới chiếm 30% xuất khẩu toàn cầu. Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á cũng chịu những thiệt hại đáng kể. Hơn 1/3 hàng hóa nhập khẩu vào Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia và Philippines đến từ Trung Quốc.

“Bán lẻ và các dịch vụ liên quan của Trung Quốc đang cảm thấy sự nguy hiểm ngay lập tức của Covid-19. Từ các nhà hàng cho tới các cửa hàng, việc thiếu vắng tiếng chân người đang đánh mạnh vào doanh số bán hàng trong khi du lịch nội địa cũng giảm mạnh”, Robert Carnell, nhà kinh tế trưởng tại ING phân tích.

Du lịch quốc tế chắc chắn bị ảnh hưởng khi nhiều đơn đặt phòng, các chuyến bay bị hủy bỏ. Khách du lịch Trung Quốc chiếm một thị phần lớn trong các nhóm khách tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc, khoảng 150 triệu du khách Trung Quốc chi 279 tỷ USD đi du lịch hàng năm.

Các nước khu vực Đông Nam Á là nạn nhân đầu tiên, khi mà các nền kinh tế ở đây gắn liền với người khổng lồ Trung Quốc. Nhật Bản có thể là một nền kinh tế giàu có hơn, nhưng vẫn sẽ là nạn nhân. Trung Quốc mua rất nhiều máy móc công nghiệp Nhật Bản, từ xe hơi, xe tải cho tới hàng tiêu dùng công nghệ tiên tiến. Hơn nữa, có hàng triệu khách du lịch Trung Quốc đến thăm hàng xóm phía đông của họ mỗi năm.

“Covid-19 bay” sang Châu Âu và quyết sách của ông Trump

Quyết định phong tỏa toàn đất nước ở Italy, Đan Mạch hay các lệnh đóng cửa biên giới, dừng các chuyến bay qua lại giữa các quốc gia tại lục địa già đang đặt ra các thách thức lớn với các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde hôm 11/3 cảnh báo, dịch Covid-19 có thể là đòn giáng mạnh vào kinh tế châu Âu với mức độ nghiêm trọng tương tự cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.


 
Sau khi Italya “phong toả” cả đất nước, hoạt động sản xuất tại các nhà máy là các nhà cung cấp phụ tùng chính cho ngành công nghiệp trên khắp châu Âu gián đoạn.

Dịch virus corona chủng mới (SARS- CoV-2) bắt nguồn từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo, Mỹ cũng không miễn nhiễm. Chỉ cần nhìn vào sức khỏe của các biểu tượng kinh tế Mỹ như Google, Facebook, Boeing, người ta có thể biết được tình hình của nền kinh tế lớn nhất thế giới ra sao.

Theo CNN, tính riêng trong vòng 24h ngày 9/3, vốn hóa thị trường của 5 đại gia công nghệ đã bị “bốc hơi” tổng cộng 225 tỷ USD. Dẫn đầu về thiệt hại là Apple với 62 tỷ USD, rồi đến Microsoft (60 tỷ USD), Amazon và Alphabet - công ty mẹ của Google (40 tỷ USD) và Facebook (25 tỷ USD).

Theo thống kê của Hiệp hội du lịch Mỹ, trong tháng 3/2019, 850.000 du khách bay vào Mỹ từ châu Âu trừ Anh, chiếm 29% tổng số lượt du khách nước ngoài.

“Tạm ngừng du lịch từ châu Âu sẽ làm trầm trọng thêm tác động nặng nề của Covid-19 đối với ngành du lịch và 15,7 triệu người Mỹ có công việc phụ thuộc vào du lịch", Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Hiệp hội Du lịch Mỹ Roger Dow cho hay.

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hôm 9/3, các chuyên gia cảnh báo chủng virus corona mới có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ xuống dưới mức 2,5%, mức được xem là ngưỡng suy thoái với kinh tế thế giới.


Bloomberg Economics dự đoán trong kịch bản xấu nhất, suy thoái sẽ được ghi nhận ở Mỹ, khu vực đồng euro và Nhật Bản, GDP Trung Quốc xuống mức thấp kỷ lục.

Thừa nhận mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa, Chính quyền Trump đang ủng hộ gói kích thích khẩn cấp trị giá khoảng 850 tỷ USD, bao gồm gửi séc trực tiếp đến các hộ gia đình Mỹ để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Liệu tất cả các biện pháp đó sẽ hữu hiệu?

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo cho biết ngày 25/3: Dịch COVID-19 chắc chắn sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế và thương mại của thế giới cũng như việc làm và cuộc sống của người dân, và mặc dù chưa có dự báo cụ thể song các nhà kinh tế của WTO dự kiến "hoạt động thương mại sẽ sụt giảm rất mạnh".

Thách thức của Việt Nam

Theo nhận định của Công ty TNHH Savills Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 có thể gây hại nhiều hơn dịch SARS, mức thiệt hại có thể lên tới 160 tỉ USD trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực ASEAN bị ảnh hưởng nặng nhất.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I, khu vực doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19.

“Số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn DN, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước”, cơ quan này cho biết.

Cũng do ảnh hưởng dịch Coivd -19, số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý I/2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2020 đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ.

 
Kết quả này đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong những tháng đầu năm 2020. Tổng thu NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2020 ước tính đạt 311,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán năm.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Thống kê vẫn tính toán kịch bản để Tăng trưởng GDP vẫn đạt được mục tiêu 6,8% trong bối cảnh dịch COVID-19.

Tuy nhiên, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức lớn, rất khó đạt được. Bởi Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn (hàng năm trên 200%) chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài trong khi các nước đối tác lớn đều đang đóng cửa thương mại, biên giới để ưu tiên phòng tránh dịch bệnh nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam, ông Lâm chỉ rõ.

Nhằm đối phó với đại dịch Covid-19, Chính phủ đã kịp thời tung ra gói giải pháp tài chính và tín dụng, như được thể hiện trong Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/3 được giao cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực hiện.

Theo đó, giải pháp hỗ trợ chủ yếu gồm gói tín dụng hỗ trợ 250 ngàn tỉ đồng cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng của dịch bệnh, và nhóm giải pháp trị giá 30 ngàn tỉ đồng thông qua gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Người đứng đầu bộ phận đánh giá và chính sách chiến lược của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ông Martin Muehleisen cho rằng mục tiêu chính của các chính phủ nên là hạn chế sự lây lan của dịch theo cách mang lại niềm tin rằng cú sốc kinh tế hiện nay là tạm thời. Theo đó, các ngân hàng trung ương và các chính phủ đã thực hiện các biện pháp chưa có tiền lệ để bơm thanh khoản và duy trì sự ổn định của các thị trường, và có thể cần thêm các biện pháp hỗ trợ nhưng với sự phối hợp để tăng hiệu quả

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lương Xuân Trường nhận "tin dữ" từ HLV Park Hang-seo

Không chỉ mất nhiều thời gian để hồi phục chấn thương, tiền vệ Lương Xuân Trường còn đối diện với rất nhiều thử thách tại ĐT Việt Nam khi HLV Park Hang-seo lên phương án thử nghiệm nhân tố mới.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/covid-19-ke-thu-giau-mat-keo-lui-nen-kinh-te-the-gioi-d121979.html