Da mặt "cháy đen" vì dùng kem lột da kích trắng

22/07/2022 09:50

Kinhte&Xahoi Mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng các mặt hàng kem lột da, kích trắng da cấp tốc vẫn vô cùng đắt hàng do nhu cầu làm đẹp của các chị em. Các loại kem lột da, làm trắng da trôi nổi, không rõ nguồn gốc có thể gây nhiều phản ứng phụ nguy hiểm, nổi mụn, phỏng, tróc, thậm chí ung thư da.

Kem lột da, kem kích trắng "trộn" tại gia

Những loại kem này tràn lan trên thị trường khoảng 10 năm trở lại đây. Đây là các sản phẩm được sản xuất nội địa không có thương hiệu hoặc được xách tay "trộn" từ Trung Quốc, Thái Lan. Tuy mập mờ về nguồn gốc và thành phần sản phẩm kèm theo hàng loạt nhưng cảnh báo về mức độ độc hại nhưng những sản phẩm dạng này vẫn khá đắt khách do nhu cầu làm đẹp của nhiều chị em.

Bản chất của các loại kem tẩy trắng da, kem lột da đều chứa những loại hóa chất tẩy. Những chất tẩy này khi được thoa lên da sẽ làm bong tróc lớp biểu bì trên da, để lại phần da non phía trong, do vậy gây nên ảo giác về công dụng làm trắng của nó.

Các loại kem tự "trộn" thủ công vẫn đắt khách do giá rẻ, tác dụng làm trắng da nhanh

Tùy từng loại sản phẩm sẽ có liều lượng chất tẩy trắng khác nhau, sản phẩm làm trắng da càng “siêu tốc” bao nhiêu càng nguy hiểm bấy nhiêu vì chứa rất nhiều chất tẩy độc hại, làm bào mòn sâu hơn vào những lớp da non phía trong, làm vàng lông, biến đổi sắc tố da, bào mỏng da, thậm chí gây ung thư da.

Hiện nay, ngoài việc tự tẩy trắng da tại gia, đã có nhiều thẩm mỹ viện đưa ra gói giá một liệu trình tắm trắng (gồm 4 bước: tẩy da chết, tắm trắng, massage, bôi kem dưỡng) trong vòng 4-5 tuần, dao động từ 3-4 triệu đồng đến 15 triệu đồng, tùy vào uy tín và quy mô thẩm mỹ viện.

Quá trình "lột da" được quảng cáo trên mạng

Qua tìm hiểu, các sản phẩm kem tẩy trắng da, kem tắm trắng ở nhiều thẩm mỹ viện hay spa này đều giống nhau là các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm tự sản xuất theo kinh nghiệm cá nhân chứ không hề qua nghiên cứu, thử nghiệm để đánh giá tác động đến sức khỏe của các tổ chức y tế hay cơ quan khoa học và công nghệ nào.

Làn da "cháy đen" vì ham làm trắng

Tại BV Da liễu Trung ương đã tiếp nhận rất nhiều các ca biến chứng nặng nề sau làm đẹp tại các cơ sở không đảm bảo an toàn. Hầu như ngày nào cũng có các trường hợp đến khám vì rối loạn sắc tố da sau khi tự bôi thuốc trôi nổi chữa sạm da, nám da theo đồn thổi... Không ít chị em đang xinh đẹp, trẻ trung bỗng rơi vào cảnh stress, trầm cảm nặng, mất tự tin... chỉ vì làm đẹp sai cách.

Mới đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp hỏng da do dùng các loại kem trộn. Bệnh nhân N.T.T (Lạng Sơn) đã chi mạnh tay đến 72 triệu đồng để làm đẹp nhưng kết cục mà chị nhận về rất cay đắng với loang lổ vết chấm đen chấm trắng trên khuôn mặt của cô gái mới 23 tuổi.

Khuôn mặt cô gái trẻ trở nên loang lổ do làm đẹp tại cơ sở không đảm bảo an toàn.

BSCKII Nguyễn Tiến Thành, Phó trưởng Khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, đây là trường hợp biến chứng nặng nề do làm đẹp sai cách. Bệnh nhân bị tổn thương rối loạn sắc tố do sử dụng các sản phẩm làm đẹp không phù hợp trong suốt một thời gian dài.

Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây 5 năm, T bị tàn nhang nhiều ở dưới mắt, trên trán và hai bên má. Tình trạng ngày một nặng nề hơn, nhất là sau những chuyến du lịch biển dài ngày, làn da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời nhưng T không hề bôi kem chống nắng.

Thời điểm ấy với một cô gái mới lớn như T cảm thấy khá bối rối, tự ti nên đã nôn nóng tìm mọi cách để có thể "thay da đổi thịt" khiến bản thân trở nên xinh đẹp hơn.

Nghe theo quảng cáo, T tìm đến một spa ở địa phương và được nhân viên tư vấn liệu trình điều trị trong vòng một năm với chi phí tổng cộng lên đến hơn 70 triệu đồng.

"Họ lăn kim, cho thuốc uống và bôi nhiều lắm, lột da bằng hóa chất 2 tuần một lần..." - cô gái trẻ nói và thừa nhận "bôi những chất gì cũng không rõ".

Tuy nhiên sau mỗi lần làm thủ thuật, làn da của T trở nên rát bỏng, bong tróc nhiều. Ngay lập tức, cô gái trẻ được nhân viên spa trấn an "không sao" nên vẫn cố tiếp tục theo liệu trình điều trị ròng rã suốt một năm trời. Mãi đến khi thấy làn da xuống cấp trầm trọng, chị này mới tìm đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám.

BSCKII Nguyễn Tiến Thành thăm khám cho bệnh nhân.

BSCKII Nguyễn Tiến Thành cho biết, tất cả những vùng mặt (bao gồm trán, má, cằm, mắt...) bệnh nhân được spa bôi hóa chất đều bị tăng giảm sắc tố loang lổ.

"Với liệu trình lột tẩy da liên tục trong một năm trời khiến da bị "bào mòn" nghiêm trọng, không làn da nào có thể chịu đựng được điều đó. Và rất có thể, bệnh nhân đã bị bôi các sản phẩm làm trắng quá mức gây nên tổn thương như hiện tại" - chuyên gia da liễu phân tích.

Sau khi thăm khám kỹ lưỡng, BS. Thành nhận định, việc sửa chữa biến chứng này là vô cùng khó khăn do nền da của bệnh nhân đã bị tổn thương, da mỏng hơn nhiều, da nhạy cảm, có tình trạng ngứa, mẩn đỏ... Nếu điều trị tích cực và phối hợp tốt với bác sĩ, kết hợp nhiều biện pháp với thuốc uống và bôi thì làn da cũng chỉ có khả năng hồi phục được 70-80%, không thể trở về như cũ. Đây là điều vô cùng đáng tiếc.

Trên thực tế, lột da bằng hóa chất (hay còn gọi là peel da) là biện pháp khá hiệu quả trong điều trị nám nhưng cần thực hiện ở các cơ sở chuyên khoa da liễu uy tín. Peel da cũng không thể có công dụng thần thánh như quảng cáo "lột da mặt một lần là nám đi theo luôn", vì như thế đó là lột sâu và lột sâu thì chắc chắn để lại sẹo.

Theo các bác sĩ, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị nám da, và được áp dụng đa liệu pháp từ nội khoa, can thiệp hay laser, hóa chất... Do đó, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được thăm khám và chẩn đoán xác định, không nên tự chữa kẻo "tiền mất tật mang".

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

U23 Việt Nam - U23 Saudi Arabia: Viết tiếp giấc mơ đẹp

HLV Gong Oh-kyun đã đưa U23 Việt Nam vào tứ kết U23 châu Á ngay trong lần đầu tiên tham dự giải đấu lớn. Với sự tự tin, U23 Việt Nam có thể viết tiếp giấc mơ như chiến tích lịch sử ở VCK U23 châu Á năm 2018.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/da-mat-chay-den-vi-dung-kem-lot-da-kich-trang-201578.html