Dấu hiệu lừa đảo trong tuyển lao động sang Hàn Quốc

15/05/2023 10:59

Kinhte&Xahoi Báo Hànộimới vừa nhận được đơn tố cáo của 11 người lao động về việc họ bị Công ty Cổ Phần phát triển nhân lực và lữ hành Sen Trắng nhận tiền để đưa đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Hàn Quốc theo chương trình E8. Tuy nhiên, đã 2 năm qua, dù đã đặt cọc hàng trăm triệu đồng, họ vẫn chỉ nhận được lời hứa suông của công ty. Đây có thể được coi là hành vi có dấu hiệu lừa đảo vì việc tuyển lao động đi làm việc theo chương trình E8 chỉ thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) các tỉnh và trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc sở.

Cơ hội sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình E8 rất có lợi cho người lao động nhưng cần đăng ký tại Sở LĐ-TB&XH các tỉnh và trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc sở.

Theo chị Trần Thị Kim Oanh, phường Hồng Sơn, Thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), tháng 10-2021, một người tên Nguyễn Thị Lưu (tên gọi khác là Nguyễn Thị Hằng) tự xưng là làm việc tại Công ty CP phát triển nhân lực và lữ hành Sen Trắng - chi nhánh Nghệ An, giới thiệu công ty có nhiều chương trình XKLĐ, trong đó có thị trường Hàn Quốc. Công ty do bà Trần Thị Khánh Ninh làm Tổng giám đốc, có trụ sở tại số 12, ngõ 84 Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội.

Tin lời quảng cáo, chị Oanh làm hồ sơ cho chồng và nhiều người thân nộp tiền đặt cọc để sang Hàn Quốc làm việc sau 3 tháng. Nhưng đến tháng 5-2022, công ty mới tổ chức học tiếng Hàn cho người lao động tại Nam Định và cho biết sau đó sẽ sớm đưa người lao động đi làm. Sau 1 tháng học xong tiếng Hàn, công ty lại tiếp tục hứa hẹn.

Cho đến ngày 3-4-2023, gia đình chị Oanh cùng một số người lao động đi từ Vinh, Nghệ An ra Hà Nội để gặp bà Trần Thị Khánh Ninh, Tổng Giám đốc công ty nhưng cả 2 ngày đều nhận được từ chối do bà Ninh đi khám bệnh và đi công tác. Ngày thứ 3, người lao động đến thẳng địa chỉ văn phòng ở số 12, ngõ 84 Ngọc Khánh thì bà Ninh đang có mặt tại văn phòng. Sau khi trao đổi, bà Ninh hẹn người lao động hết 14-4-2023 sẽ có lịch trình cụ thể xin visa cho người lao động. Tuy nhiên, đến ngày 18-4-2023, người lao động vẫn chưa nhận được kết quả như lời hứa của bà Ninh, điện thoại tới công ty thì nhận được trả lời là công ty đang làm hồ sơ, phải chờ thêm 2 tuần. Cho đến nay, sau hơn 2 tuần người lao động vẫn chưa nhận được thông tin nào từ công ty.

11 người lao động cho biết, đến nay, sau hơn 2 năm kiên trì chờ đợi theo lời hứa của Công ty và của bà Ninh, họ cho rằng đó là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có tổ chức với giá trị gần 567 triệu đồng (đầu tháng 4-2023, bà Ninh đã trả cho họ số tiền 72 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản thông qua tài khoản của Nguyễn Thị Lưu). Hiện người lao động đã gửi đơn tố cáo vụ việc đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình.

Chương trình phái cử lao động thời vụ dành cho người nước ngoài tuyển chọn lao động trong lĩnh vực nông/ngư nghiệp sang làm việc tại các nông/ngư gia Hàn Quốc trong khoảng 90 ngày (visa C4) hoặc 5 tháng (visa E8).

Mang sự việc của 11 người lao động nêu trên đến hỏi Cục quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội), phóng viên nhận được câu trả lời, đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo. Phó Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền (Cục Quản lý Lao động ngoài nước) Nguyễn Như Tuấn khẳng định, việc các đơn vị, doanh nghiệp môi giới, thu tiền của người lao động để đưa sang làm lao động thời vụ tại Hàn Quốc theo chương trình E8 là hành vi thu tiền bất chính. Chương trình phái cử lao động thời vụ dành cho người nước ngoài là chương trình mời và tuyển chọn người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực nông ngư nghiệp sang làm việc tại các nông/ngư gia Hàn Quốc trong khoảng 90 ngày (visa C4) hoặc 5 tháng (visa E8). Đây là chương trình mà lao động thời vụ nếu làm việc tốt có thể được mời và phái cử sang Hàn Quốc liên tục hằng năm. Chương trình này đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương thí điểm triển khai từ 1-1-2018. Đến nay, mới chỉ triển khai tại 8 tỉnh Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nam và Cà Mau. Do đó, không có bất cứ cơ quan, đơn vị hay cá nhân nào được phép tuyển dụng lao động đối với chương trình này. Người lao động chỉ đăng ký tham gia chương trình này thông qua các cơ quan chức năng tại địa phương là Sở Lao động - Thương binh và xã hội và Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở.

Ông Nguyễn Như Tuấn cũng cho biết, thời gian vừa qua, Cục nhận được nhiều đơn tố cáo của người lao động về việc một số đơn vị đăng thông tin, môi giới tuyển dụng lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình C4 và E8. Cục đã cảnh báo rất nhiều về vấn đề này để người lao động nắm rõ. Người lao động có thể tìm hiểu thêm thông tin có liên quan tại Cục theo số điện thoại 024.38249517, hoặc thông tin trên webite: dolab.gov.vn.

Liên quan đến chức năng XKLĐ của Công ty CP phát triển nhân lực và lữ hành Sen Trắng, ông Nguyễn Như Tuấn cho biết, tại website của Cục Quản lý Lao động ngoài nước: dolab.gov.vn đăng công khai danh sách 435 doanh nghiệp có chức năng XKLĐ, người lao động có thể tra cứu thông tin doanh nghiệp tại danh sách này.

Theo hướng dẫn này, phóng viên tra cứu tên của Công ty CP phát triển nhân lực và lữ hành Sen Trắng thì hoàn toàn không có trong danh sách 435 doanh nghiệp chính thống mà Cục cấp phép. Như vậy, có thể thấy, hành vi môi giới và thu tiền đặt cọc của người lao động cùng lời hứa đưa đi làm việc tại Hàn Quốc (mà theo chương trình, các doanh nghiệp không được phép tuyển dụng) của Công ty Sen Trắng là hoàn toàn sai, cần được các cơ quan chức năng đấu tranh, làm rõ để trả lại số tiền công ty này đã thu bất chính của 11 người lao động nói trên. 

 Dung Nhi - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Aerobic Việt Nam không có đối thủ

Sáng 14-5, đội tuyển aerobic Việt Nam tham gia tranh tài chung kết các nội dung đôi nam nữ và nhóm 5 người môn aerobic tại SEA Games 32. Đội tuyển aerobic giành 2 Huy chương vàng trong buổi thi đấu sáng nay.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Ban-doc/1063746/dau-hieu-lua-dao-trong-tuyen-lao-dong-sang-han-quoc