Để không ai "lạc lõng" giữa nền kinh tế số

31/10/2021 08:43

Kinhte&Xahoi Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công khẳng định, hướng tới nền kinh tế số bao trùm và thành công, đòi hỏi chúng ta phải đảm bảo các yếu tố có sự tham gia đầy đủ của mọi người bao gồm cả nhóm người yếu thế vào đời sống kinh tế, không để ai đứng bên ngoài sự phát triển của kinh tế số.

Tại Diễn đàn đa phương (MSF) 2021 “Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam” vừa được tổ chức mới đây, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sôi động gắn liền với những đột phá công nghệ, điện toán đám mây, công nghệ 3D… ngày càng gia tăng ảnh hưởng tới các nền kinh tế và thị trường lao động trên thế giới, bao gồm Việt Nam.

“Trong bối cảnh đó, thực hiện chủ trương tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chính phủ Việt Nam đã xác định định hướng phát triển thời gian tới là xây dựng kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số, với mục tiêu tới năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 gia nhập nhóm các quốc gia phát triển trên thế giới”- ông Công nhấn mạnh.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Cũng theo Chủ tịch VCCI, hướng tới nền kinh tế số bao trùm và thành công, đòi hỏi chúng ta phải đảm bảo các yếu tố có sự tham gia đầy đủ của mọi người bao gồm cả nhóm người yếu thế vào đời sống kinh tế, không để ai đứng bên ngoài sự phát triển của nền kinh tế số.

Đồng thời đảm bảo công bằng, tăng trưởng bền vững và ổn định trong đó công nghệ là động lực tăng trưởng chính.

"Kinh tế số bao trùm cho phép mọi người lao động và doanh nghiệp đều có thể đóng góp vào quá trình tăng trưởng và hưởng thành quả tăng trưởng đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của chính phủ Việt Nam đặt ra, mà gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, hưởng ứng Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc", Chủ tịch Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Để làm được điều đó, trước hết là yêu cầu trang bị năng lực số kỹ năng số cho người lao động và giải bài toán về sự khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế số.

Dẫn nhận định của Diễn đàn Kinh tế thế giới khi cho rằng toàn cầu cần trên 1 tỷ người lao động được đào tạo vào năm 2030, và con số tỷ lệ qua đào tạo tại Việt Nam 9 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 21,6%, Chủ tịch VCCI cho rằng cuộc chuyển đổi số đang định hình lại và chuyển đổi các kỹ năng cần thiết của nhiều ngành nghề.

Bên cạnh đó, quá trình phân phối việc làm giữa các lĩnh vực, gia tăng công việc mới đòi hỏi kỹ năng người lao đông cao hơn…là tác động lớn khiến quan hệ lao dộng tại doanh nghiệp ngày càng phức tạp, đòi hỏi những điều chỉnh về thể chế chính sách pháp luật lao động.

“Với vai trò tổ chức quốc gia đại diện người sử dụng lao động - VCCI luôn nỗ lực cùng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và các bên liên quan thúc đẩy đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp theo hướng phát triển và thúc đẩy quan hệ lao động hài hoà tiến bộ. Đồng thời phối hợp với các bên trong việc giải quyết bài toán lực lượng lao động có kỹ năng, đào tạo lao động có kỹ năng,đặc biệt là nhóm lao động yếu thế…”- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

 Thanh Thanh - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plushttps://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/de-khong-ai-lac-long-giua-nen-kinh-te-so-d169721.html