Để không bị lây chéo từ rác thải

08/03/2022 19:06

Kinhte&Xahoi Hiện nay, mỗi ngày, Hà Nội ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc Covid-19 mới, phần lớn tự theo dõi, điều trị tại nhà. Mặc dù đã có hướng dẫn cụ thể về việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh, thế nhưng công tác này đang phát sinh rất nhiều bất cập cần sớm được tháo gỡ, tránh những rủi ro lây lan trong cộng đồng.

Có quy định nhưng khó thực thi

Nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý chất thải, đảm bảo không phát tán mầm bệnh, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Phương án 01/PA-UBND về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Công nhân môi trường thu gom xử lý chất thải lây nhiễm từ F0 điều trị tại nhà.

Theo phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn, tất cả các loại chất thải phát sinh của F0 được coi là chất thải lây nhiễm.

Trong đó, rác thải được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS–CoV-2” trước khi được đơn vị duy trì vệ sinh môi trường và Tổ Covid-19 cộng đồng vận chuyển từ nhà có F0 đến các điểm tập kết tại địa phương.

“Công tác vận chuyển chất thải từ nhà có người là F0 do đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn phối hợp với Tổ Covid-19 cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn. Phương tiện vận chuyển là phương tiện cơ động (thùng 240 lít, thùng 660 lít, xe gắn máy, xe chuyên dụng...), bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.

Rác thải được vận chuyển đến điểm lưu giữ chất thải lây nhiễm (có sẵn) tại các Trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc các Trạm y tế lưu động, các khu lưu giữ tạm thời chất thải lây nhiễm do địa phương bố trí trên địa bàn. Việc vận chuyển chất thải từ các điểm lưu giữ tạm thời đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại do địa phương bố trí, thực hiện bằng xe chuyên dụng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép”, Phương án 01 của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ.

Hướng dẫn là vậy, nhưng thực tế việc áp dụng, triển khai ở cơ sở lại vô cùng bất cập. Cụ thể, tại nhiều địa phương, giải pháp thu gom, phân loại, xử lý rác thải của F0 như thế nào để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vẫn ít được đề cập, từ đó dẫn đến việc xử lý không đồng nhất trong câu chuyện rác thải của F0.

Anh P.V.T, cư dân sinh sống tại một chung cư ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng cho biết cuối tháng 2 vừa qua, anh đã nhiều lần gọi điện ra Trạm y tế phường khai báo và hỏi cách xử lý rác thải bởi gia đình có 2 vợ chồng đều là F0. Thế nhưng, suốt 5 ngày từ khi biết mình dính Covid-19 tới khi “âm tính” trở lại, vợ chồng anh không hề được hướng dẫn cũng như phát túi đựng rác thải y tế. “Không có túi đựng chuyên dụng, thùng thu gom chất thải lây nhiễm, cũng không có Tổ Covid-19 cộng đồng nào đến thu gom, nên toàn bộ chất thải cùng với rác sinh hoạt được vợ chồng tôi cho vào các bao nilon đặt ở một góc nhà vệ sinh. Tới lúc đi làm, tôi mới đem ra vứt vào đường ống rác của chung cư,” anh T, nói.

Tương tự, chị N.T.Q (72 Nguyễn Trãi) người vừa hoàn thành việc cách ly điều trị Covid-19 tại nhà cho biết, sau khi có kết quả dương tính với Covid-19, gia đình chị có thông báo ra Trạm y tế phường về việc cách ly tại nhà. Tuy nhiên, ngoài việc ghi nhận thông tin về ca nhiễm, y tế phường cũng không có hướng dẫn cách phân loại rác thải cũng như xử lý đồ dùng cá nhân của F0 như thế nào. “Việc đổ rác của gia đình sau khi có 4 F0 vẫn diễn ra như bình thường, không có gì thay đổi so với trước đây”, chị Q chia sẻ.

Nói như vậy để thấy, việc người dân có chấp hành theo các quy định đề ra hay không cũng không bị các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nên nhiều trường hợp F0 vẫn bỏ rác thải lây nhiễm lẫn với các loại rác thải sinh hoạt bình thường. Hơn nữa, thực tế cũng xảy ra trường hợp người dân phân loại rác thải lây nhiễm đúng quy định, song lại không được đơn vị thu gom xử lý đúng cách, gom chung với rác thải thông thường.

Sớm tháo gỡ những vướng mắc

Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao động Thủ đô cũng như phản ánh của người dân, hiện công tác phân loại, xử lý rác thải lây nhiễm tại một số khu vực trên địa bàn Thành phố vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. Điều đáng nói, mặc dù chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng đã nắm được thực trạng trên nhưng “lực bất tòng tâm” bởi không còn người để trải trên tất cả các mặt trận.

Theo phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn, tất cả các loại chất thải phát sinh của F0 được coi là chất thải lây nhiễm. Trong đó, rác thải được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS–CoV-2” trước khi được đơn vị duy trì vệ sinh môi trường và Tổ Covid-19 cộng đồng vận chuyển từ nhà có F0 đến các điểm tập kết tại địa phương.

Khó khăn đầu tiên đó là do số lượng F0 điều trị tại nhà tăng cao, rải rác trên nhiều địa bàn, nằm trong các ngõ nhõ khiến thời gian thu gom kéo dài, nhân lực thu gom rác thải từ F0 bị thiếu hụt nghiêm trọng. Thứ hai, việc tính định mức thu gom đối với loại hình rác thải này cũng chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn việc lúng túng trong triển khai ở cấp cơ sở.

Đơn cử như tại quận Đống Đa, do chưa ký hợp đồng với đối tác thu gom xử lý rác “độc hại” này là Urenco 13 nên mặc dù làm rất tốt khâu thu gom từ cơ sở nhưng tại điểm tập kết của quận trên đường Huỳnh Thúc Kháng (đoạn đối diện số 157 Chùa Láng) vẫn còn một lượng lớn rác thải được thu gom về nhưng chưa có phương án xử lý.

Tiếp đó, trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều cán bộ tại cơ sở, cũng đã trở thành F0, không thể trực tiếp tham gia điều hành, giám sát, cung cấp cho công nhân môi trường địa chỉ nhà có F0 điều trị tại nhà… Đặc biệt đó là ý thức của người dân trong việc tổ chức phân loại, khử khuẩn rác thải phát sinh trong quá trình điều trị Covid-19 tại nhà còn hạn chế.

Do đó, để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nguồn rác thải lây nhiễm, trước mắt các cơ quan chức năng cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về định mức đơn giá để các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm sớm ổn định hoạt động, thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách với người lao động. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phân loại rác thải lây nhiễm để tạo sức răn đe.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 gia tăng từng ngày thì nỗ lực của các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn là chưa đủ. Mấu chốt ở đây là cần sự chung tay của mỗi người dân, mỗi gia đình, đặc biệt là những người bệnh và gia đình có F0 điều trị tại nhà cần thực hiện ngay việc phân loại và xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm, nhằm tránh những rủi ro lây lan trong cộng đồng./.

Tuấn Dũng - LĐTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tuyển chọn tình nguyện viên phục vụ SEA Games 31: Nỗ lực vì một kỳ đại hội thành công

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) sẽ diễn ra vào tháng 5-2022 tại Việt Nam. Để tổ chức thành công kỳ đại hội thể thao lớn nhất khu vực, lực lượng tình nguyện viên là một trong những yếu tố rất quan trọng. Ban tổ chức nước chủ nhà đang tích cực chuẩn bị, nỗ lực vì một kỳ đại hội thành công.

link bài gốc https://laodongthudo.vn/de-khong-bi-lay-cheo-tu-rac-thai-137043.html