Đề xuất “đo chân, đóng giày” để quản lý thương mại điện tử trên mạng xã hội

23/03/2021 20:00

Kinhte&Xahoi Xu hướng sử dụng mạng xã hội (MXH) làm kênh tiếp thị, phân phối đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian trở lại đây trong khi các khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thương mại diện tử (TMĐT), hoạt động của MXH được xây dựng chủ yếu từ năm 2013…

Báo cáo vừa công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhận diện đặc thù của các hoạt động của TMĐT trên MXH để đề xuất các quy định pháp lý phù hợp ...

Đặc thù riêng…

Tại Hội thảo công bố báo cáo "TMĐT trên MXH tại Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý" sáng nay - 23/3, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI - cho rằng, hoạt động TMĐT tại Việt Nam đang bùng nổ với tốc độ tăng trưởng hàng năm rất cao, song các quy định liên quan đến hoạt động này được xây dựng ở giai đoạn đầu của TMĐT nên rất nhiều vấn đề chưa được đề cập hoặc được quy định rất chung chung, chỉ mang tính nguyên tắc, nên đang gây không ít khó khăn trong quá trình áp dụng.

Hơn nữa, do thực tiễn hoạt động TMĐT trên internet phát triển quá nhanh nên nhiều quy định đã trở nên lạc hậu. Vì lẽ đó, pháp luật về quản lý MXH và TMĐT đang được tiến hành rà soát và dự kiến cần được điều chỉnh sửa đổi trong thời gian tới.

Hoạt động TMĐT trên MXH có đặc thù riêng biệt và không hoàn toàn giống với bất kỳ hình thức TMĐT nào.

Báo cáo cho thấy, hoạt động TMĐT trên MXH có đặc thù riêng biệt và không hoàn toàn giống với bất kỳ hình thức TMĐT nào.

“Hiện nay, các MXH chưa có chức năng đặt hàng trực tuyến, các bên vẫn phải liên hệ trực tiếp với nhau  để hoàn thành giao dịch. Trong khi đó, nhiều sàn giao dịch TMĐT đã hỗ trợ chức năng này, cho phép hoàn thành trọn vẹn một giao dịch trên môi trường mạng. Do vậy, một số MXH hiện nay chỉ đóng vai trò là bên môi giới. Thêm vào đó, nếu như các sàn giao dịch TMĐT chứa các nội dung thuần túy là thông tin thương mại thì các MXH có sự trộn lẫn giữa các thông tin thương mại và thông tin phi thương mại…” - ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế (VCCI) phân tích.

Cũng theo nghiên cứu của Ban Pháp chế VCCI, hiện khung pháp lý quản lý hoạt động TMĐT vẫn áp dụng chung cho cả MXH và sàn giao dịch TMĐT mà chưa tính đến những khác biệt cơ bản này. Do vậy, Báo cáo kiến nghị rằng cần phải phân loại quản lý hoạt động có yếu tố TMĐT trên MXH theo mức độ và tính chất hoạt động.

Theo đó, các MXH thông thường chỉ nên chịu sự quản lý của các quy định về MXH tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP; các MXH có chức năng hỗ trợ TMĐT nhưng không có chức năng đặt hàng trực tuyến nên quản lý theo tiêu chuẩn thương mại và pháp luật về TMĐT ở mức độ thấp, đơn giản; và chỉ các MXH có chức năng đặt hàng trực tuyến mới nên quản lý theo pháp luật về TMĐT tương tự như sàn giao dịch TMĐT.

Tất tật vấn đề pháp lý liên quan…

Kiểm soát thông tin đăng tải và giám sát nội dung thương mại trên MXH cũng là vấn đề được đang quan tâm hiện nay. Các quy định pháp luật về phạm vi của các nội dung bị cấm, nội dung vi phạm pháp luật, thông tin bịa đặt còn chung chung, không cụ thể hóa dẫn đến việc các DN buộc phải tự phán đoán để tuân thủ. 

Đồng thời các MXH cũng gặp khó khăn trong việc tuân thủ quy định về phát triển các công cụ giám sát nội dung thương mại tự động. Do vậy, cần xây dựng các quy định rõ ràng về các nội dung cần kiểm duyệt và loại bỏ. Đồng thời, Hiệp hội DN có thể đóng vai trò trung gian giúp các DN chia sẻ các công cụ tiền kiểm để kiểm soát nội dung đăng tải.

Toàn cảnh Hội thảo công bố báo cáo "TMĐT trên MXH tại Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý" sáng ngày 23/3.

Vấn đề xác thực người dùng trên MXH có hoạt động TMĐT cũng đang có băn khoăn về pháp lý. Theo nghiên cứu của VCCI, quy định về thu thập thông tin người dùng giữa Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 72/2013/NĐ-CP có sự khác nhau, do vậy các quy định này gây khó khăn cho MXH có hoạt động TMĐT, và cũng chưa khả thi về thực tiễn. 

Do vậy, Báo cáo kiến nghị rằng, các quy định xác thực người dùng cần phân theo mức độ: Với MXH thông thường chỉ yêu cầu số điện thoại hoặc email; MXH có chức năng hỗ trợ TMĐT nhưng không có chức năng đặt hàng trực tuyến thì cần xác thực các yếu tố trên; Còn MXH có chức năng đặt hàng trực tuyến có thể ghi nhận thêm số tài khoản ngân hàng. 

Liên quan đến việc thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước, mặc dù pháp luật có quy định nghĩa vụ của các DN phải thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước, nhưng chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để cơ quan nhà nước ra các yêu cầu như vậy. Việc này dẫn đến các DN gặp khó khăn trong quá trình tuân thủ các yêu cầu này. Do vậy, VCCI đề xuất cần xây dựng các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục ra các yêu cầu này.

Về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trên MXH, nghiên cứu cho thấy các phương pháp thu thuế truyền thống không khả thi khi áp dụng với các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên MXH trong nước cũng như xuyên biên giới do đặc tính nhỏ lẻ và không có địa điểm kinh doanh vật lý. Do vậy, Báo cáo đề xuất cần xây dựng cơ chế rõ ràng và linh hoạt đối với việc quản lý thuế của các cá nhân, tổ chức bán hàng trên MXH.

Báo cáo cũnng nhấn mạnh, việc xây dựng các quy định quản lý hoạt động TMĐT trên MXH xuyên biên giới là cần thiết, nhưng cần đảm bảo tính hợp lý, khả thi. Do vậy, Báo cáo kiến nghị cần xác định rõ ràng phạm vi áp dụng, và ban hành các quy định điều chỉnh mang tính thực chất, chẳng hạn yêu cầu đầu mối liên hệ thay vì yêu cầu đặt hiện diện thương mại tại Việt Nam. Đồng thời, cũng cần xây dựng quy định riêng về thủ tục hải quan cho hàng hóa TMĐT để tạo thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu các mặt hàng này.

Báo cáo cũng kiến nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định về nghĩa vụ của người nổi tiếng khi bán hàng trên MXH do hiện nay chưa có quy định pháp luật quản lý đối với người nổi tiếng bán hàng... 

 Thanh Thanh - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

V.League 2021-Các đội bắc Trung bộ cầm đèn đỏ

Sau vòng 4, với việc chủ nhà HL.Hà Tĩnh cầm hòa được HAGL tất cả 14 đội đều đã có điểm, nhưng SHB.Đà Nẵng đã không còn toàn thắng sau khi để thua tân binh T.Bình Định. Vòng đấu này có 2 trận derby đều rất đáng xem, để lại nhiều bình luận trái chiều.

Hàng chục ngàn khán giả sẽ đến sân trong ngày V.League trở lại

Trái bóng V.League 2021 sẽ chính thức lăn trở lại trên các sân cỏ với các trận đầu bù vòng 3 vào ngày 13/3 tới. Bên cạnh sự chuẩn bị về chuyên môn, các CLB chủ nhà cũng đang tích cực xin phép cơ quan có thẩm quyền để được mở cửa đón khán giả vào sân.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/de-xuat-do-chan-dong-giay-de-quan-ly-thuong-mai-dien-tu-tren-mang-xa-hoi-d151555.html