Đề xuất hơn 4.000 tỷ đồng “giải cứu” sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất

16/01/2020 15:51

Kinhte&Xahoi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Chính phủ 3 phương án bố trí vốn đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng sân bay Nội Bài - Hà Nội và Tân Sơn Nhất - TPHCM, trong đó Bộ này đề xuất tổng số vốn là 4.152 tỷ đồng.

Trong văn bản số 265/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT khẳng định sự cấp thiết đầu tư, nâng cấp khu bay tại Cảng Hàng không (CHK) quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Ba phương án bố trí vốn đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh, đường lăn của 2 sân bay này được nêu ra.

Phương án 1
 - sử dụng vốn đầu tư công: Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 950 tỷ đồng. Phần vốn còn lại sẽ bố trí kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3.202 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện.

Hạ tầng khu bay tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất cần hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư nâng cấp, cải tạo


Phương án 2 - sử dụng nguồn vốn của ACV: Theo Bộ GTVT, hiện nay Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; trong đó, có phương án giao ACV quản lý, khai thác tài sản khu bay theo hình thức tăng vốn Nhà nước tại ACV.

Trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chuyển tài sản khu bay từ Bộ GTVT sang ACV theo hình thức tăng vốn Nhà nước tại ACV, giá trị ACV đã đầu tư vào 2 dự án này sẽ được tăng tài sản tại ACV theo quy định.

Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận điều chuyển tài sản khu bay từ Bộ GTVT sang ACV theo hình thức tăng vốn Nhà nước tại ACV, khi đó phần vốn đầu tư ACV đã tạm ứng cho 2 dự án này sẽ được Nhà nước hoàn trả cho ACV (từ nguồn chênh lệch thu - chi khai thác tài sản khu bay những năm tiếp theo hoặc theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Tuy nhiên, với trường hợp này, Bộ GTVT cũng khẳng định việc sử dụng vốn của ACV để đầu tư là không phù hợp với Khoản 6 Điều 16 Luật Đầu tư công năm 2019 là “yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nợ đọng xây dựng cơ bản”.

Phương án 3 - sử dụng chênh lệch nguồn thu-chi từ khai thác tài sản khu bay do ACV đang tạm quản lý, khai thác hàng năm, từ năm 2019 cho đến khi Đề án quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được phê duyệt được để lại để đầu tư. Nguồn vốn còn thiếu sử dụng vốn của ACV như phương án 2.

Đường băng sân bay "lượn sóng", xuống cấp

Theo tính toán của ACV, tổng nhu cầu vốn cho Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống khu bay CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó trọng tâm là việc cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh 25R/07L, bằng kết cấu mặt đường bê tông nhựa là 1.876 tỷ đồng. Đối với CHK quốc tế Nội Bài, nhu cầu vốn cho Dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu bay với ưu tiên số 1 là nâng cấp đường cất/hạ cánh 11R/29L (1B) bằng kết cấu bê tông nhựa là 2.276 tỷ đồng.

Cục Hàng không Việt Nam cho hay, kể từ thời điểm cổ phần hóa đến nay, ACV vẫn đang tiếp tục được giao tạm quản lý, khai thác, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khu bay và hạch toán thu - chi riêng.

Được biết, khoản tiền chênh lệch thu - chi khu bay đến hết ngày 31/12/2018 và một phần năm 2019 là hơn 2.000 tỷ đồng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“U23 Việt Nam không đến nỗi tệ, nhưng cũng không sắc sảo!”

Cựu HLV Nguyễn Thành Vinh cho rằng U23 Việt Nam tại giải này không phải là đội bóng kém, bằng chứng là ngay cả UAE và Jordan còn không thắng nổi chúng ta. Nhưng hiện đội cũng không sắc sảo như cách nay 2 năm, hay nói cách khác là không có những nhân tố gây đột biến.

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-thong/de-xuat-hon-4000-ty-dong-giai-cuu-san-bay-noi-bai-tan-son-nhat-d115296.html