Doanh nghiệp bỏ cọc đất đấu giá Thủ Thiêm: Chuyện thật như đùa!

09/02/2022 11:23

Kinhte&Xahoi Hiện 2/4 đơn vị trúng đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TP HCM) bỏ cọc khiến giới đầu tư bày tỏ lo ngại những lỗ hổng pháp lý để các doanh nghiệp xem pháp luật như "trò đùa".

Khu đất đấu giá tại Thủ Thiêm

Thị trường bất động sản đầu năm mới tiếp tục đón nhận thông tin sốc khi xuất hiện doanh nghiệp thứ hai trúng đấu giá đất hàng nghìn tỷ đồng tại Thủ Thiêm (TP HCM) bỏ cọc.

Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh (Công ty Bình Minh) được cho là đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Cục Thuế TP HCM về việc xin bỏ cọc lô đất 3-9 ở Thủ Thiêm mà doanh nghiệp này trúng đấu giá với số tiền 5.026 tỷ đồng, cao gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm.

Đáng nói, để trúng đấu giá lô đất trên, Công ty Bình Minh đã phải vượt qua 13 doanh nghiệp khác với 140 lượt gọi giá. Do đó, thông tin doanh nghiệp này cũng theo chân Tập đoàn Tân Hoàng Minh “bỏ của chạy lấy người” xuất hiện cũng khiến giới đầu tư không khỏi bàng hoàng.

Hiện còn hai doanh nghiệp Công ty Cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2) phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ; Công ty Cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2) đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất chưa có động thái như Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Công ty Bình Minh.

Tuy nhiên, một chi tiết khác khiến giới đầu tư đặt ra chuyện "nối gót" bỏ cọc là dù thời hạn 30 ngày (đợt 1) phải nộp 50% số tiền trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đã hết, nhưng đến nay (ngày 9/2), cơ quan thuế vẫn chưa nhận được tiền từ các doanh nghiệp trúng đấu giá đất.

Ở góc độ chuyên môn, các chuyên gia tài chính, bất động sản cho rằng, việc các doanh nghiệp trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm bỏ cọc là điều đã được dự báo trước. Bởi tiền trúng đấu giá là một con số khá lớn trong bối cảnh hệ thống ngân hàng vẫn đang siết việc cho vay bất động sản nên việc huy động đủ số tiền đóng cho Nhà nước là rất khó.

Ở khía cạnh khác, các chuyên gia cho rằng, việc các doanh nghiệp bỏ cọc lại là một tín hiệu tốt để chặn sự nhiễu loạn của thị trường, sốt ảo.

Mặt khác, dù các doanh nghiệp bỏ cọc song các lô đất ở Thủ Thiêm vẫn có sức hấp dẫn rất cao, các cuộc đấu giá trước đó đã thu hút đông đảo nhà đầu tư lớn, với giá đấu cũng cao hơn nhiều so giá khởi điểm nên các lô đất nếu được đấu giá lại thì cũng sẽ nhanh chóng tìm được nhà đầu tư mới.

Vấn đề đặt ra ở đây là quy định pháp luật về đấu giá đất còn kẽ hở để doanh nghiệp thao túng, trục lợi. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tỷ lệ đặt cọc có thể còn quá thấp nên các doanh nghiệp hoặc là một doanh nghiệp họ có thể có những lợi ích mà họ có thể liên kết với nhau và thậm chí họ sẵn sàng bỏ cọc.

Theo phân tích, các doanh nghiệp có thể có những chuẩn bị như đã thâu tóm những mảnh đất xung quanh đó rất lớn, khi mà họ đấu thầu với mảnh đất nào đó nhỏ, như giá rất cao thì lập tức nó đẩy giá lên và họ có thể bán những mảnh đất ở xung quanh đó để họ thu lời và việc bỏ cọc đó họ chỉ mất một lượng nhỏ so với lợi ích mà họ thu lại được.

Do đó, các chuyên gia cho rằng cần có chế tài mạnh hơn để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc như vụ Thủ Thiêm, không để tình trạng nhà đầu tư xem pháp luật như một "trò đùa"!

 Văn Thành Nhân - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các công trình phục vụ SEA Games 31

Ngày 8/2, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã kiểm tra 4 công trình phục vụ Đại hội Thể dục - Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31) tại Hà Nội gồm: Nhà thi đấu huyện Thanh Trì, Nhà thi đấu huyện Gia Lâm, Nhà thi đấu quận Long Biên và Nhà thi đấu quận Tây Hồ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/doanh-nghiep-bo-coc-dat-dau-gia-thu-thiem-chuyen-that-nhu-dua-189532.html