Doanh nghiệp may mặc vẫn có thể phá sản vì phụ thuộc vào Big C?

06/07/2019 11:34

Kinhte&Xahoi Đại diện các doanh nghiệp cung cấp hàng may mặc cho hệ thống siêu thị Big C cho rằng, họ vẫn có thể phá sản nếu Big C mở code (mã hàng) nhưng không đặt hàng, không có chương trình khuyến mãi.

Các điểm kinh doanh của hệ thống siêu thị Big C luôn có diện tích lớn nên khuôn viên kinh doanh ngành hàng may mặc của chuỗi siêu thị này cũng rất rộng rãi.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại Big C Miền Đông (quận 10), ngành hàng may mặc có chủng loại đa dạng. Quần áo phục vụ cho nam giới, phụ nữ, trẻ em đều khá đầy đủ.

Quần áo đang bán tại Big C có xuất xứ chủ yếu từ Việt Nam với giá cả dao động từ 99.000 – 299.000 đồng. Nhà cung cấp hàng may mặc cho Big C đa phần đến từ các quận, huyện tại TPHCM như quận Bình Tân, quận Tân Phú, quận Gò Vấp, quận 12…Một số ít sản phẩm quần áo có xuất xứ từ Trung Quốc.

Lượng khách hàng đến với khu bán quần áo để chọn mua sản phẩm cũng không quá tấp nập. Các thương hiệu quần áo có tên tuổi hầu như “vắng bóng” tại Big C.

Big C có khu kinh doanh hàng may mặc khá rộng với chủng loại quần áo đa dạng. Ảnh: Đại Việt

Bà Nguyễn Thanh Hà, đại diện một nhà cung cấp hàng may mặc cho Big C cho biết, doanh nghiệp của bà đang cung cấp khá nhiều sản phẩm cho chuỗi siêu thị Big C. Doanh số mỗi tháng lên tới vài tỷ đồng. Những ngày qua bà cảm thấy rất lo lắng bởi hàng hóa bị tồn đọng trong kho, không vào siêu thị được.

“Trong 200 nhà cung cấp hàng may mặc cho Big C thì không phải nhà cung cấp nào cũng bán hàng xấu, hàng không đạt chất lượng. Sản phẩm của Việt Nam không thua kém gì sản phẩm của các nước lân cận. Tuy nhiên, họ muốn “thanh trừng” chúng tôi thì họ làm thôi. Nhưng cần phải có lộ trình, thời gian đủ dài để doanh nghiệp xoay sở”, bà Hà nói.

Cũng theo bà Hà, doanh nghiệp của bà cung cấp sản phẩm mang thương hiệu riêng cho Big C nên nếu Big C không lấy hàng thì doanh nghiệp của bà cũng không biết bán cho ai.

“Những ngày qua, sản phẩm chúng tôi không vào được siêu thị, vậy thì lấy đâu ra tiền để chúng tôi trả cho hàng trăm công nhân. Trong khi nguyên liệu thì chúng tôi đã nhập về trước đó để phục vụ sản xuất. Big C nói là họ đã mở đơn hàng cho 50 doanh nghiệp và sẽ mở tiếp đơn hàng cho 100 doanh nghiệp tiếp theo trong 2 tuần tới nhưng đến tối 5/7 thì công ty tôi vẫn chưa được mở đơn hàng”, bà Hà chia sẻ.

Hàng may mặc bán tại Big C chủ yếu có xuất xứ tại Việt Nam. Ảnh: Đại Việt

Theo bà Trần Thị Lệ, đại diện một doanh nghiệp cung cấp hàng may mặc cho Big C thì việc mở đơn hàng thực chất chỉ là mở code (mã hàng hóa). Nếu siêu thị mở code nhưng không đặt hàng, không có chương trình khuyến mãi thì doanh nghiệp cũng phá sản như thường.

Bà Lệ lý giải, mỗi tháng, Big C sẽ có khá nhiều chương trình khuyến mãi. Big C sẽ yêu cầu nhà cung cấp sản xuất khoảng 1.000 sản phẩm cho mỗi mã hàng. Nhà cung cấp lớn đôi khi “dính” đến 4, 5 mã hàng khuyến mãi nên lượng hàng sản xuất sẽ rất lớn.

“Chính vì những đợt khuyến mãi như vậy thì hàng của doanh nghiệp mới bán chạy chứ không phải doanh nghiệp sống nhờ những hàng hóa bày bán trên kệ. Nếu Big C chỉ mở code mà không đặt hàng hay đặt hàng mà hàng không lên kệ hoặc không có chương trình khuyến mãi thì chúng tôi cũng không có hi vọng gì vào tương lai”, bà Lệ nói.

Quần áo bán tại Big C có giá bán “bình dân” dao động từ 99.000 – 299.000 đồng. Ảnh: Đại Việt

Trước đó, đại diện Tập đoàn Central Group – đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Big C cho biết, việc quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc Việt Nam nhằm phục vụ cho chiến lược mới của doanh nghiệp này trong thời gian tới. Việc dừng mua hàng này chỉ là “tạm thời”.

Hiện tại, Big C có 4.000 nhà cung cấp Việt Nam, trong đó có 200 doanh nghiệp chuyên hàng may mặc.

Big C cam kết trong ngày 4/7 mở lại đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp Việt Nam. Trong 2 tuần tới, Big C sẽ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp còn lại. Dự kiến sẽ có khoảng 100 nhà cung cấp được mở lại đơn hàng.

50 doanh nghiệp cuối cùng sẽ tiếp tục được đàm phán kỹ lưỡng, bởi theo Central Group, đang có một số doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được các quy định và cam kết theo hợp đồng đã ký.

Đại diện Sở Công thương TPHCM cũng cho biết, đơn vị này đã yêu cầu Tập đoàn Central Group báo cáo về vụ việc nêu trên. Ngoài ra, Sở Công thương thành phố sẽ làm việc với các doanh nghiệp, Hiệp hội dệt may để nắm rõ toàn bộ vấn đề, xác định cụ thể nguyên nhân dẫn đến việc Big C ngưng tiếp nhận sản phẩm may mặc của các doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ sở để có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Từ chuyện Văn Thanh - Giữ gìn hình ảnh cũng phải học

Nhắc đến cầu thủ Văn Thanh, nhiều người hâm mộ Việt Nam hẳn chưa quên cái dáng đứng hiên ngang của cầu thủ sau khi ghi bàn quyết định ở loạt sút luân lưu cuối cùng, đưa U23 Việt Nam vượt qua U23 Qatar vào chung kết giải U23 châu Á năm 2018.

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus