Dự án của Sun Group xâm hại di tích ở Quảng Ninh

11/01/2019 14:48

Kinhte&Xahoi Chuyện di tích - di sản ở Việt Nam bị xâm phạm đang ngày càng trở nên phổ biến khi liên tiếp có những sự việc được phanh phui. Điều đáng nói là ai sẽ đứng ra “cứu” di sản trước sự hủy hoại đáng sợ này?

Thời gian qua, dư luận đã bàn tán không ngớt về câu chuyện Di tích trận địa pháo 37 ly của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai đã bị công trình Vòng quay Mặt trời (dự án của Tập đoàn Sun Group) xóa sổ. Việc làm này là vi phạm hết sức nghiêm trọng Điều 13 của Luật Di sản văn hóa. Nhiều vị tướng Quân đội và cựu chiến binh đã có ý kiến gửi về Ban biên tập Hòa nhập điện tử với bức xúc về vấn đề này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 5/11/1997, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng di tích Trận địa pháo 37mm của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai là di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia (Quyết định số 3457/VH-QĐ).

Nơi đây, vào thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, các chiến sĩ tự vệ của Xí nghiệp Bến Hòn Gai (nay là Công ty Tuyển than Hòn Gai) đã lập nên những chiến công xuất sắc, bắn rơi máy bay Mỹ.

Di tích trận địa pháo 37 ly này đã là nơi đặt trụ vòng quay Mặt trời.

 

Di tích trận địa pháo 37 ly của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai nằm trên đồi cao 102m so với mặt biển. Từ đây có thể bao quát được nhiều vị trí của Thị Xã Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) như bến phà, cảng Hòn Gai và các khu dân cư xung quanh. Năm 1960, đơn vị tự vệ của Bến Hòn Gai được thành lập. Trận đánh đầu tiên của đơn vị chính là ngày 5-8-1964, khi máy bay Mỹ lao vào bắn phá Quân cảng Hải quân ta ở Bãi Cháy, các chiến sĩ tự vệ Bến Hòn Gai đã chiến đấu anh dũng, cùng với các lực lượng phòng không, hải quân và tự vệ của các đơn vị khác tạo nên lưới lửa, bắn rơi 3 máy bay, bắt sống tên phi công Mỹ E-vơ-rết An-va-rét khi hắn nhảy dù xuống Vịnh Hạ Long. Sau trận đánh này, đã có 28 đồng chí của đơn vị được tặng thưởng Huy hiệu 5-8, tiêu biểu như Đặng Bá Hát, Trần Minh Thành…

Năm 1966, Xí nghiệp Bến Hòn Gai hình thành 2 cụm trực chiến gồm 30 người, chỉ huy trưởng là đồng chí Lê Quang Minh, chỉ huy phó là đồng chí Đặng Bá Hát. Ngày 10-3-1967, máy bay của giặc Mỹ theo nhiều hướng lao vào đánh phá khu Ba Đèo, phố Nhà Thờ, đồi 102… Với tinh thần chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ tự vệ, 1 chiếc máy bay F8 của giặc Mỹ đã bị bắn trúng bốc cháy, lao ra biển.

Cuối năm 1968, sau khi được tỉnh trang bị thêm cho 4 khẩu pháo cao xạ 37 mm, Xí nghiệp Bến Hòn Gai thành lập 1 đại đội gồm 45 người do đồng chí Đặng Bá Hát làm Đại đội trưởng. Trận địa đóng trên đồi 102 (đồi Bến phà). Ngày 18-5-1972, Đại đội tham gia chiến đấu và đã bắn rơi 1 chiếc F4 của giặc Mỹ. Chiến công đã làm tăng thêm sự phấn khởi và quyết tâm đánh thắng cho cả Đại đội, từ chỉ huy tới chiến sĩ. 

Chiến tranh leo thang của giặc Mỹ ngày càng ác liệt. Ngày 12-7-1972, chúng lại tập trung đánh vào TX Hòn Gai. Lúc này, hai chiếc phà chở đầy người và ô tô đang trong hành trình qua sông Cửa Lục. Tình thế diễn ra rất nguy kịch. Đồng chí Đặng Bá Hát vừa chỉ huy đánh chi viện, bảo vệ phà vừa trực tiếp chiến đấu. Trận địa bị máy bay Mỹ đánh trúng bằng bom xuyên, đồng chí Đặng Bá Hát bị thương vào bụng và đã anh dũng hy sinh khi tay còn đang cầm cờ lệnh. Sau trận đánh, Đại đội bị tổn thất lớn nhưng vẫn tiếp tục bám trụ, triển khai đánh địch. Chỉ trong tháng 10-1972, Đại đội đã đánh 37 trận, tháo gỡ nhiều bom phá, bom xuyên và bom bi các loại…

Một loạt công trình do Sun Group đầu tư xây dựng trên đồi cao 102m so với mặt biển.

 

Với những chiến công đã đạt được, đầu năm 1973, Đại đội tự vệ 37 mm của Xí nghiệp Bến Hòn Gai đã vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trao tặng lẵng hoa ngay tại trận địa và cũng trong năm này, Xí nghiệp Bến Hòn Gai đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Liệt sĩ Đặng Bá Hát với tấm gương chiến đấu, hy sinh quên mình đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vào năm 1995.

Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trận địa pháo cao xạ 37 mm của Xí nghiệp Bến Hòn Gai sẽ không chỉ là nơi ghi dấu chiến công, giáo dục truyền thống, mà còn góp phần làm tăng giá trị, ý nghĩa và vẻ đẹp của cầu Bãi Cháy nói riêng, vùng đất Cửa Lục nói chung.

Tuy nhiên, Di tích này có nguy cơ chỉ có tên trên giấy, còn thực tế gần như bị xóa sổ bởi kế hoạch xây dựng khu vực giải trí của một Tập đoàn xây dựng lớn thực hiện. Một minh chứng hùng hồn cho tinh thần chiến đấu, hi sinh của các chiến sĩ tự vệ Xí nghiệp tuyển than Hòn Gai, nơi ghi dấu sự hy sinh của các Anh hùng Liệt sĩ đã không còn nữa.

Được biết, vào tháng 8/2018, trong không khí cả nước hướng về tri ân Anh hùng Liệt sĩ, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch đã có công văn số 3730/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thỏa thuận Báo cáo kinh tế - kỹ thuật Xây dựng công trình Bia ghi dấu di tích Trận địa pháo 37 ly của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai tại phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long. Theo đó, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch thỏa thuận Báo cáo kinh tế - kỹ thuật nói trên với nội dung: xây mới Bia ghi dấu bằng đá tự nhiên, bệ đặt pháo và sân, đường.
Nhưng dư luận một lần nữa lại tiếp tục xôn xao: Bia ghi dấu di tích được làm mới thì còn đó nhưng di tích trận địa pháo có còn đâu?

Điều 13, Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2002 đã quy định
Nghiêm cấm các hành vi: 
1. Chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa; 
2. Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa; 
3. Ðào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; 
4. Mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài. 
5. Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để thực hiện những hành vi trái pháp luật. 

 

Theo hoanhap.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bóng xích ở sân Mỹ Đình đang bị “lãng quên”?

Sau khi Đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt chiếc cúp vô địch AFF Cup 2018 vào tối ngày 15/12, nhưng 40 quả bóng xích ở sân vận động Quốc gia Mỹ Đình vẫn chưa được trả về vị trí cũ. Phải chăng những quả bóng xích này đã bị lãng quên?