Dự kiến 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế

01/10/2021 15:02

Kinhte&Xahoi Kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, dự phòng. Đây là nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cấp bách ngay từ đầu năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: MPI)

Tại Hội nghị tham vấn về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023, diễn ra sáng 1/10, Thứ trưởng Trần Quốc Phương Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự kiến có 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Thứ nhất, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, dự phòng.

Đây là nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng, cấp bách ngay từ đầu năm 2022 nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19”, tạo nền tảng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

"Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19” là yếu tố tiên quyết, không thể thiếu để thực hiện phục hồi kinh tế", ông Phương đánh giá.

Thứ hai, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát.

Ở nhóm giải pháp này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia; kiểm soát lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất; tiết kiệm chi thường xuyên.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo ông Phương cần quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, hành chính các cấp.

Thứ tư, phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước. Trong đó phát triển ngành du lịch hướng đến an toàn với dịch bệnh, thân thiện với môi trường; thúc đẩy tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại và giảm thuế, phí ô tô trong nước.

Thứ năm, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng (tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận tín dụng, hỗ trợ lãi suất với một số đối tượng cụ thể); tài chính (miễn, giảm thuế, phí); sản xuất; phát triển chuỗi cung ứng bền vững nhất là các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thứ sáu, phục hồi, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Bên cạnh đó là việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, nhất là hạ tầng giao thông và nông nghiệp, thủy lợi, dự kiến nguồn vốn đầu tư công trong 2 năm 2022-2023 khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

Thứ bảy, phát triển vùng, đô thị, tháo gỡ thể chế để phát triển các đô thị lớn của cả nước.

Thứ tám, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động.

Trên cơ sở các giải pháp chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự kiến các nhiệm vụ phân công thực hiện của bộ, cơ quan Trung ương, địa phương.

Theo đó, bên cạnh các nhiệm vụ có tính chất thường xuyên, liên tục theo các chính sách đã được ban hành trước đây về cải cách hành chính, phát triển công nghiệp hỗ trợ, xúc tiến thương mại, đầu tư... xác định các nhiệm vụ cụ thể, có tính chất trọng tâm, trọng điểm, đột phá của bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, thời gian thực hiện trong giai đoạn tới.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, nền kinh tế đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là ngân sách Nhà nước, nguồn cung và giá cả nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu, tiêu dùng nội địa, thiên tai hay những cơ hội từ thay đổi cấu trúc kinh tế toàn cầu, quá trình dịch chuyển mô hình tăng trưởng…

Mặt khác, những hạn chế cố hữu của nền kinh tế chậm được giải quyết, sức chống chịu, nguồn lực nội tại của doanh nghiệp, người lao động bị suy giảm nghiêm trọng bởi dịch bệnh kéo dài...

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là hết sức cấp thiết để tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động, nền kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách, nắm bắt các thời cơ, xu hướng mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chính thức: Singapore sẽ đăng cai AFF Cup 2020

Ngày 28/9, Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) đã tiến hành bỏ phiếu và Singapore nhận được sự ủng hộ của đa số các thành viên để giành quyền tổ chức AFF Cup 2020.

Thái Lan và Singapore cạnh tranh quyền đăng cai AFF Cup 2020

Ban thi đấu Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) đã có cuộc họp trực tuyến để thảo luận về các hoạt động của bóng đá khu vực, một trong những nội dung quan trọng là việc lựa chọn Quốc gia đăng cai AFF Cup 2020.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/du-kien-8-nhom-nhiem-vu-giai-phap-ho-tro-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-179129.html